Hạm đội ma
Mọi chuyện bắt đầu bằng một cuộc tấn công mạng của Trung Quốc nhằm vào Mỹ.
Sĩ quan thuộc cơ quan mạng của Trung Quốc ở Thượng Hải xâm nhập vào mạng lưới vệ tinh của Lầu Năm Góc và gây nhiễu tín hiệu. Cuộc tấn công khiến các lực lượng của Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn bởi họ bị mất khả năng định vị, không thể theo dõi các mục tiêu và khai hỏa.
Kế đến, từ một trạm vũ trụ cách Trái Đất hơn 300 km, phi hành gia Trung Quốc tấn công hàng chục vệ tinh Mỹ, những thiết bị cần thiết cho công nghệ quân sự hiện đại của Washington.
Sau khi vô hiệu hóa vệ tinh, Bắc Kinh đã đưa Washington quay trở lại với chiến trường của Thế chiến II, giai đoạn trước khi công nghệ kỹ thuật số thống trị toàn cầu.
Đó là nội dung của Hạm đội ma (Ghost Fleet), một tiểu thuyết giả tưởng về chiến tranh thế giới trong tương lai của tác giả Peter Singer và August Cole.
Cuốn tiểu thuyết hư cấu những tưởng chỉ là phương tiện giải trí cho lớp bạn đọc thích thể loại viễn tưởng, hóa ra lại là “sách gối đầu giường” của các nhà hoạch định chiến lược Mỹ. Bởi theo nhận định của họ, một “trận Trân Châu Cảng trong không gian” như kịch bản phía trên hoàn toàn có thể xảy đến trong tương lai gần.
Lo ngại của Mỹ không phải là vô căn cứ.
Năm 2011, một tin tặc Romani đã xâm nhập vào hệ thống dữ liệu vệ tinh mật của NASA. Ba năm sau, Trung Quốc cũng xâm nhập thành công hệ thống vệ tinh của Cơ quan Khí quyển và Hải dương học Quốc gia Mỹ, khiến cơ quan này phải ngừng hoạt động trong 2 ngày.
Những sự vụ này đã cho thấy lỗ hổng nguy hiểm trong công tác bảo mật dữ liệu mạng của Mỹ. Các tin tặc hoàn toàn có thể tái lập trình vệ tinh của Mỹ để gửi tín hiệu giả, phối hợp và đánh lạc hướng các lực lượng của Mỹ cũng như đồng minh.
Thậm chí, họ còn có thể điều khiển tên lửa Mỹ quay đầu tấn công chính lực lượng của mình.
Cuộc chạy đua giữa các vì sao
Thực ra đây không phải là lần đầu tiên các nhà hoạch định quân sự Mỹ lo ngại về khả năng chiến tranh trong không gian. Sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik năm 1957, Mỹ cũng bắt đầu tìm cách tấn công vệ tinh để đối phó với Liên Xô.
Còn mối lo đối với Trung Quốc bắt đầu nổi lên vào tháng 1/2007, khi Bắc Kinh thử nghiệm tấn công vệ tinh trong không gian.
Những mối lo ngại ấy được thể hiện rất rõ trong quá trình nước này phát triển các dự án tấn công vệ tinh giữa không gian.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tình thế trở nên phức tạp hơn. Khoảng 60 quốc gia khác đã tham gia vào cuộc chạy đua vũ trụ với Nga và Mỹ, góp phần khiến con số vệ tinh quay quanh Trái Đất lên tới hơn 2.000.
Trong đó, đáng chú ý nhất là Trung Quốc. Nước này đã phát triển thành công tên lửa có thể đạt tới khoảng cách gần 30.000 km, đủ cao để tấn công vệ tinh GPS của Mỹ và gần tới vệ tinh cảnh báo sớm của quân đội nước này.
Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp cao tới trụ sở lực lượng phòng không tại Trung Quốc.
Ông Tập đã lệnh cho các tướng lĩnh tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công trong không gian, để chuẩn bị cho sự kiện mà nhiều chuyên gia Trung Quốc tin là không thể tránh khỏi: Một cuộc chiến tranh giữa không gian với Mỹ.
Lầu Năm Góc ghi nhận: Bắc Kinh liên tục đẩy mạnh năng lực quân sự trong không gian, phóng 142 vệ tinh phục vụ tình báo, định vị, viễn thông và dự báo thời tiết.
Những vệ tinh này có khả năng khống chế hoặc ngăn chặn các thiết bị trong không gian của đối phương trong giai đoạn khủng hoảng, xung đột.
Mỹ từng tự tin về khả năng tiếp cận không gian, vốn là phạm vi khó với tới nhất cả trên phạm vi dân sự lẫn quân sự. Tuy nhiên, hệ thống vệ tinh GPS, do thám và viễn thông của nước này phần lớn đều không được phòng bị. Điểm yếu đó cả Trung Quốc lẫn Nga đều dễ dàng nhận thấy.
Năm nay, Lầu Năm Góc sẽ chi 2 tỉ USD để đối phó với các mối đe dọa với các vệ tinh an ninh quốc gia. Khoản chi này vốn là một phần trong khoản 22 tỉ USD mà Mỹ dành riêng cho ưu tiên vũ trụ năm 2017.
Động thái này cho thấy Lầu Năm Góc lo lắng tới mức nào khi chứng kiến cuộc chạy đua vũ trụ nhiều biến chuyển.
Nếu xung đột bùng phát, chẳng hạn vì tranh chấp trên Biển Đông, hoặc khủng hoảng Ukraine, vệ tinh quân sự sẽ không phải là thiết bị không gian duy nhất bị đe dọa.
Cuộc chiến chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới vệ tinh dân sự, hiện đang kiểm soát phần nhiều đời sống hiện đại, từ mạng điện thoại, cho tới ATM và các thiết bị GPS cá nhân.
Mặc dù xung đột có thể nổ ra giữa không gian, nhưng các chuyên gia cho rằng nó sẽ dễ dàng lan ra quy mô toàn Trái Đất.