Áp lực từ các khu vực xung quanh
Sau khi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bị quét sạch ở phần lớn khu vực Syria, người Kurd lo ngại mối quan hệ đồng minh với Mỹ sẽ kết thúc, để lại cộng đồng Kurd trước nguy cơ bị "hai gọng kìm" từ chính quyền Damascus và Thổ Nhĩ Kỳ kìm kẹp.
Khắp miền bắc Syria, người Kurd đã dành hơn 4 năm để xây dựng các chính quyền địa phương, bao gồm hội đồng dân cử, lực lượng an ninh khu vực và nhiều trường học các cấp.
Trong những năm gần đây, người Kurd đã nhận được nguồn hỗ trợ lớn từ Mỹ. Nhờ đó, Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các cuộc giao tranh chống lại IS tại miền bắc và miền đông Syria.
Nhưng hiện nay, khi nhóm khủng bố IS chỉ còn lại không tới 5% lực lượng, người Kurd lo ngại Mỹ sẽ thu hồi các nguồn tài trợ, và kéo theo đó, người Kurd sẽ mất vị trí chính trị cũng như các lãnh thổ đã giành được trong cuộc chiến Syria.
Người Mỹ cung cấp khối lượng lớn vũ khí cho người Kurd. Ảnh: ABC News
Qamishli là trung tâm lớn của chính quyền tự trị người Kurd sau khi cộng đồng này rút quân khỏi khu đông bắc Syria hồi năm 2012.
Ông Rafea Ismail, một chủ cửa hàng bình dân tại thành phố Qamishli, bày tỏ: "Nước Mỹ đã sử dụng người Kurd như quân cờ tại Trung Đông. Chúng tôi sợ một khi họ đã đạt được mục đích của mình, họ sẽ bỏ rơi chúng tôi."
Nawal Farzand, 45 tuổi, một giáo viên tiếng Kurd trong thành phố, nhận xét: "Tất cả các quốc gia nên hỗ trợ người Kurd vì chúng tôi đã chiến đấu chống lại khủng bố. Chúng tôi đã giải phóng Raqqa, và Mỹ không nên bỏ rơi chúng tôi mà trở thành đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ."
"Mỹ ở lại Syria là điều cần thiết"
Tháng 3/2016, các đảng người Kurd đã tuyên bố sẽ theo đuổi hệ thống chính quyền liên bang sau khi đánh đuổi được IS với sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd với nòng cốt là YPG đã giành chiến thắng trước thành trì Raqqa – một trong những thủ phủ lớn nhất của IS.
Vài tuần sau đó, Mỹ tuyên bố sẽ rút 500 lính từ lực lượng 2.000 quân lính thủy đánh bộ ở Syria và sẽ "điều chỉnh lại" nguồn hỗ trợ cho YPG.
Nhưng theo Nassrin Abdallah, một nữ chỉ huy thuộc Đơn vị Bảo vệ của Phụ nữ Kurd (YPJ), nhóm khủng bố vẫn "chưa hoàn toàn bị tiêu diệt".
Theo bà, nhiều phiến quân và lính IS giả dạng dân thường vẫn hoạt động tích cực tại miền đông Deir Ezzor.
Bà Abdallah đánh giá: "Việc liên quân do Mỹ dẫn đầu tiếp tục ở lại Syria để đảm bảo an ninh và ổn định cho khu vực là điều rất cần thiết, bởi khủng bố IS vẫn tồn tại. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một mối nguy lớn với người Kurd."
Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại tầm ảnh hưởng gia tăng của người Kurd sau khi SDF chiếm được Raqqa. Nguồn: Al Jazeera
Vị thế ngày một tăng của cộng đồng Kurd đã khiến chính quyền Damascus của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nổi giận. Ông Assad từng tuyên bố sẽ chiếm lại từng vùng lãnh thổ rơi vào tay người Kurd kể từ khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ hồi năm 2011.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng để mắt tới người Kurd ở Syria bởi nếu cộng đồng này thành lập quốc gia tự trị thành công ở miền bắc Syria, thì đây sẽ là tiền đề cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ nổi dậy.
Ankara đã liệt YPG vào hàng "tổ chức khủng bố" bởi mối quan hệ của nhóm này với Đảng Lao động người Kurd (PKK).
Giáo viên người Anh Nada Abbas cũng chia sẻ nỗi sợ rằng Mỹ "sẽ bỏ rơi người Kurd sau cuộc chiến chống khủng bố."
"Đây sẽ là món quà cho Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này không thể chấp nhận được việc người Kurd đang trở nên giàu mạnh hơn. Ankara sẽ tấn công người Kurd như trong quá khứ. Mối đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa hề kết thúc," người này cho biết.
Nicholas Heras, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ, nói: "Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói rất rõ ràng rằng một khi Mỹ không còn ở Syria, quân đội chính quyền Ankara sẽ ‘hủy diệt’ người Kurd bởi ông coi cộng đồng này đều thuộc đảng PKK."
Điểm tựa mới của người Kurd
Nỗi lo Mỹ sẽ rút quân có thể đẩy dần người Kurd về phía Nga.
Gần đây, YPG đã tuyên bố rằng chiến dịch chống IS ở miền đông Syria đã nhận được hỗ trợ không lực từ Nga.
Lực lượng Nga cũng đã huấn luyện các chiến binh người Kurd ở vùng phía tây – nơi không còn sự hiện diện của IS – và đã quản lí vùng đệm giữa người Kurd và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Moskva cũng công khai ủng hộ người Kurd ở Syria có một ghế trên bàn đàm phán ở Geneva.
Lính Nga canh gác tại làng Afrin ở Syria. Ảnh: Pavel Golovkin/AP
Ông Heras nhận định: "Mối quan hệ giữa YPG và quân đội Nga đang dần trở nên đặc biệt. Người Kurd ở vùng Afrin thuộc Syria đang hoàn toàn phụ thuộc vào quân đội Nga – chứ không phải người Mỹ - để được bảo vệ khỏi cuộc tấn công và xâm chiếm của Thổ Nhĩ Kỳ."
Tuy vậy, người Kurd vẫn có thể tăng cường quan hệ với cả Nga và Mỹ để tránh khỏi mối đe dọa từ Ankara.
"Hai cường quốc lớn đều có mối quan tâm đặc biệt tới Thổ Nhĩ Kỳ. Nga sẽ là điểm tựa vững chắc cho người Kurd ở Syria nếu Mỹ rút nguồn lực khỏi đây," ông Heras nói thêm.