Không chỉ khói thuốc, có nhiều nguồn khác gây ô nhiễm không khí
Nhiều người cho rằng nếu bạn không hút thuốc lá thì không khí trong nhà sẽ được sạch sẽ. Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây về nhà cửa ở San Diego, California, Mỹ cho biết, thuốc lá không chỉ là chất duy nhất gây ô nhiễm không khí trong nhà. Khói từ các sản phẩm làm sạch, nến, thức ăn chiên rán cũng có thể gây hại tới sức khỏe nếu tiếp xúc trong thời gian dài.
Theo Tạp chí PLOS One, các hóa chất này đặc biệt gây nguy hiểm cho các hộ gia đình có thu nhập thấp bởi các hộ gia đình này có nguy cơ cao mắc các bệnh có liên quan tới chất lượng không khí.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học công lập San Diego và Đại học California San Diego. Họ đã theo dõi chất lượng không khí của gần 300 hộ dân trong vòng 3 tháng. Mỗi hộ gia đình có ít nhất một người hút thuốc và có một người từ 14 trở xuống.
Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu, phổi của trẻ em chưa phát triển đầy đủ và lượng không khí mà trẻ em hít vào nhiều gấp 3 lần so với người lớn, hơn nữa sức khỏe rất dễ bị ảnh hưởng bởi khói thuốc và các chất gây ô nhiễm không khí khác.
Tiến sĩ Neil Klepeis, một nhà khoa học nghiên cứu về sức khỏe và môi trường của trường Đại học công lập San Diego nói rằng, nếu muốn loại bỏ khói thuốc lá và các chất gây ô nhiễm không khí trong nhà để không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ thì trước tiên cần phải biết các chất gây ô nhiễm tới từ đâu.
Để làm việc này, các nhà nghiên cứu đã lắp đặt hai máy đo không khí trong mỗi gia đình, một chiếc ở gần khu vực hay hút thuốc lá nhất, một chiếc trong phòng của trẻ em. Ngoài ra, họ cũng hỏi các thành viên trong gia đình về thời gian diễn ra các hoạt động như nấu ăn, dọn nhà, hút thuốc.
Các máy đo không khí hoạt động liên tục, quét các hạt có kích thước 0.5 - 2.5 micromet, tương đương với kích thước của hạt bụi, nấm, khí thải từ xe. Nghiên cứu cho biết các hạt có kích cỡ này có thể đi sâu vào phổi, gây ra các vấn đề về đường hô hấp, bệnh tim và các biến chứng sức khỏe khác.
Mặc dù tất cả các gia đình đều có người hút thuốc nhưng không phải ai cũng hút thuốc trong nhà. Và kết quả là những hộ có người hút thuốc trong nhà có lượng hạt độc hại cao gần gấp đôi so với những gia đình mà người hút thuốc ở ngoài trời.
Ngoài ra, khi đốt nến và hương, chiên rán thức ăn và dọn sạch nhà bằng cách hút bụi, quét dọn hoặc xịt các sản phẩm có chứa aerozol cũng góp phần làm tăng số lượng các hạt độc hại trong không khí.
Vì vậy, hạn chế đốt nến hoặc hương trong nhà hay chọn các chất đốt sạch hơn có thể làm giảm các hạt độc hại trong nhà.
Mặc dù nghiên cứu này tập trung chủ yếu vào những tác động của các chất gây ô nhiễm không khí lên trẻ em nhưng tiến sĩ Klepeis cũng cho biết, những chất độc hại này cũng có ảnh hưởng tới người lớn, đặc biệt là người cao tuổi và người mắc bệnh hen, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) hoặc các vấn đề về hô hấp khác.
Ngay cả người khỏe mạnh cũng có thể bị cay mắt, hắt hơi, ho và kích ứng đường hô hấp khi tiêp xúc với những chất này.
*Theo Health