"Báo Hoa Nam Buổi sáng" ngày 16/3 đưa tin, cảnh sát ở Thái Lan đã vào cuộc để giúp những người trồng sầu riêng của nước này đối phó với một vấn đề nhức nhối khi loại trái cây có mùi thơm nồng này ngày càng được ưa chuộng, gây ra một loạt vụ trộm cắp từ các đồn điền.
Ý tưởng bảo vệ sầu riêng được triển khai sau khi những tên trộm lấy đi số trái cây trị giá 1 triệu baht (684 triệu đồng) từ một đồn điền ở phía đông tỉnh Trat, giáp biên giới với Campuchia.
Theo "Báo Hoa Nam Buổi sáng", một đồn cảnh sát ở tỉnh Trat đã đưa ra ý tưởng này - được cho là lần đầu tiên được đưa ra ở Thái Lan - sau những lời phàn nàn của nông dân địa phương rằng, những tên trộm đã nhắm mục tiêu vào nông sản của họ và lấy cắp những quả sầu riêng chín vào ban đêm.
Chánh thanh tra Ariyachai Thima - người đã đưa ra ý tưởng bảo vệ sầu riêng - cho biết, những người nông dân trồng sầu riêng tại đây đã bị thiệt hại vài triệu baht (cả tỷ đồng), nên cảnh sát sẽ tăng cường giám sát các đồn điền đã tham gia kế hoạch bảo vệ sầu riêng, đặc biệt là vào ban đêm khi bọn trộm rình mò.
Theo kế hoạch - được đưa ra với sự hợp tác của nông dân, lực lượng cảnh sát sẽ tuần tra khu vực xung quanh các đồn điền sầu riêng từ 6 giờ chiều cho đến rạng sáng hàng đêm, và kế hoạch bảo vệ chỉ dừng lại khi tất cả trái sầu riêng đã được hái xuống và bán hết.
Ông Ariyachai hy vọng, việc tăng cường bảo vệ sầu riêng sẽ giảm bớt nỗi lo của những người nông dân đang bị "bủa vây" bởi các vấn đề khác gây hại cho mùa màng của họ, chẳng hạn như hạn hán.
Chánh thanh tra Ariyachai Thima - người đã đưa ra ý tưởng bảo vệ sầu riêng. Ảnh: The Nation Thailand
Theo "Báo Hoa Nam Buổi sáng", Thái Lan là nước trồng sầu riêng lớn nhất thế giới, xuất khẩu trái cây trị giá khoảng 100 tỷ baht (684 tỷ đồng) vào năm 2021 sang các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mặc dù có mùi nồng, nhưng sầu riêng được đánh giá cao vì thịt quả giống như sữa trứng kem ở Trung Quốc - quốc gia đã nhập khẩu hơn 875.000 tấn trái cây từ Thái Lan vào năm 2021.
Theo Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan, nhu cầu đối với loại "trái cây vua" này đang bùng nổ, khiến diện tích đất nông nghiệp ở Thái Lan được chuyển sang trồng sầu riêng tăng từ 960 km2 năm 2012 lên 1520 km2 vào năm 2019.
Việt Nam cạnh tranh với Thái Lan trên thị trường sầu riêng Trung Quốc
Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế (DITP) của Thái Lan cho biết, nước này có thể sớm phải cạnh tranh với Việt Nam cùng với Malaysia khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
DITP cho biết, từ tháng 9/2022, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, và khối lượng dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Trong nhiều năm, Việt Nam đã xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Và từ năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã chính thức hóa việc này bằng cách thiết lập 76 mã xuất xứ cho các đồn điền sầu riêng ở Việt Nam và 25 mã cho các công ty đóng gói.
Xe sầu riêng đầu tiên của Việt Nam di chuyển sang Cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) để làm thủ tục nhập khẩu vào Trung Quốc
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 821.600 tấn sầu riêng tươi vào năm 2021, trị giá 4,2 tỷ USD, tăng 82% so với năm 2020, là lượng nhập khẩu lớn nhất so với bất kỳ loại trái cây nào khác. Các chuyên gia ước tính, lượng nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Trong khi đó, tính từ tháng 9/2022 (thời điểm lô sầu riêng Việt Nam đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch) đến nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng đột biến. Thậm chí, vào tháng 10 ngoái, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc còn tăng khoảng 4.120% so với cùng kỳ năm 2021. Sầu riêng Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, giá bán cạnh tranh so với sầu riêng Thái Lan.
Tuy nhiên, DIPT nhận định, các nhà xuất khẩu Việt Nam đang phải đối mặt với một số trở ngại trong hoạt động xuất khẩu sầu riêng, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch chỉ có thể giữ trái cây tươi trong ba đến bốn ngày, khiến nó không phù hợp cho các hành trình dài hơn bằng tàu. Việt Nam cũng cần xây dựng thương hiệu sầu riêng mạnh tại Trung Quốc để cạnh tranh với các thương hiệu Thái Lan và Malaysia vốn đang thống lĩnh thị trường hơn 1,4 tỷ dân.
"Hơn nữa, thị trường sầu riêng Trung Quốc đang trở nên khốc liệt hơn do Lào, Campuchia và Philippines cũng đang để mắt tới, chưa kể đến việc các công ty Trung Quốc đang cố gắng tự trồng sầu riêng ở các tỉnh Vân Nam, Hải Nam và Quảng Tây", DIPT cho biết.