Thượng đỉnh cấp cao Nga - Ấn Độ ở New Delhi diễn ra sau cuộc gặp 2+2 giữa Mỹ và Ấn Độ, nơi quan chức ngoại giao, quốc phòng hàng đầu của 2 nước bàn thảo về nhiều vấn đề như thương vụ S-400, cấm vận đối với Iran và đáng chú nhất là hợp tác quân sự.
Trong khi chính quyền Trump tìm cách "lấy lòng" giới lãnh đạo Ấn Độ, cân nhắc khả năng bỏ qua cấm vận và coi New Delhi như "đê chắn sóng" trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ vẫn tiếp tục gắn bó với chiến lược ngoại giao của mình và thúc đẩy mối quan hệ đối tác lâu năm với Nga.
Amrita Dhillon, chuyên gia phân tích chính sách ngoại giao của Ấn Độ đã có cuộc trao đổi với Sputnik về vấn đề này.
Tháng 9/2018, Ấn Độ và Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán 2+2. Tuy nhiên, có vẻ như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thất bại trong nỗ lực thuyết phục New Delhi từ bỏ quan hệ hợp tác với Nga và cấm dầu thô Iran mặc dù đe dọa cấm vận.
Ông dự đoán gì về nỗ lực nhằm đưa Ấn Độ vào vòng kiểm soát của Mỹ? Điểm khác biệt chính trong cách tiếp cận Ấn Độ giữa Nga và Mỹ là gì?
Amrita Dhillon: Kể từ thời Liên Xô, Nga đã là một trong những đồng minh thân cận nhất của Ấn Độ, đáp ứng nhu cầu quốc phòng của nước này. Mức độ hiểu biết lẫn nhau [giữa các nước] thì cao hơn nhiều [so với New Delhi và Washington]. Ấn Độ là đất nước duy nhất thuê tàu ngầm hạt nhân từ Nga.
Thậm chí Washington cũng hiểu điều đó và có vẻ nước này sẽ không làm tê liệt các mối quan hệ bằng cách thực hiện một số bước đi mà New Delhi coi là không thân thiện, khi mà một trong những cột trụ chính về chính sách châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, của Washington xoay quanh Ấn Độ.
Tính hai mặt trong chính sách của Mỹ có thể thấy được qua thương vụ S-400, khi họ áp cấm vận nhằm vào Trung Quốc vì Bắc Kinh quyết định mua S-400 từ Nga, trong khi Ấn Độ lại chưa hề hấn gì.
Vốn đã đối mặt với nhiều khác biệt về Iran với EU, chính quyền Trump sẽ muốn hành xử một cách cẩn trọng, và tôi tin rằng chấp nhận các lệnh Miễn trừ Giảm Đáng kể (SRE) đối với Iran là một phần trong đó.
Theo một nghiên cứu gần đây của Pew Research, khi Mỹ bị sụt giảm về mặt hình ảnh quốc tế, đặc biệt là trong mắt các đồng minh lâu năm như Đức thì họ sẽ phải đưa ra những lựa chọn sáng suốt cho châu Á và không nên phô trương sức mạnh.
India Today cho rằng New Delhi và Moscow đóng vai trò cân bằng toàn cầu trong mâu thuẫn quân sự, kinh tế, chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông có đồng tình với lập trường này không? Ông nghĩ gì về vai trò địa chính trị của bộ đôi Nga - Ấn Độ?
Amrita Dhillon: Tôi đồng ý rằng Ấn Độ và Nga là hai láng giềng xa, cùng chia sẻ một lập trường tương tự nhau về chủ nghĩa khủng bố.
Cả hai đều là thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), và giữa mâu thuẫn Mỹ - Trung về các vấn đề chính trị, kinh tế và quân sự, Ấn Độ với Nga chắc chắn có thể đóng vai trò như một yếu tố cân bằng toàn cầu trong tình huống sự tập trung hướng về Mỹ, Trung Quốc.
Chúng ta thậm chí có thể nói rằng: Thật ra 2+2 không phải về chính sách của 2 nước Mỹ, Ấn Độ, mà là 6 nước - Nga, Trung Quốc, Pakistan, Iran là những nhà quan sát. Những động thái ngoại giao sáng suốt hơn từ hai nước có thể đóng vai trò cân bằng, định hình bộ đôi Nga - Ấn trong quan hệ với Mỹ.