Hai giọt nước mắt ở Mỹ Đình
Hôm nay, đúng 1 năm và 1 tuần từ ngày Công Vinh tuyên bố giải nghệ sau khi ĐTVN bị Indonesia loại ở bán kết AFF Cup 2016. Có lẽ, Vinh vẫn chưa quên được những kỷ niệm cùng trái bóng, khi anh đang là Quyền chủ tịch CLB TP.HCM.
Công Vinh được AFF gọi là huyền thoại bóng đá Việt Nam. Điều ấy đủ nói lên 12 năm cống hiến cho ĐTVN của Vinh được ghi nhận rất lớn lao. Thành công trên sân cỏ cũng giúp Vinh trở thành cầu thủ kiếm nhiều tiền bạc và nổi tiếng nhất bóng đá Việt.
Tuy nhiên, vinh quang nhiều thì cay đắng cũng không ít. Một năm sau khi vô địch AFF Cup 2008, Công Vinh từng ngậm ngùi nhận định xét đời cầu thủ "bạc". "Bạc" ở đây là sự bạc bẽo, sự cay đắng và uất ức đi kèm nỗi buồn tột cùng mà đời cầu thủ phải trải qua trong sự nghiệp.
Cuộc đời của Công Vinh gắn với trái bóng chịu vô vàn đắng cay và có thể gói gọn trong hai lần anh khóc ở Mỹ Đình. Năm 2008, Vinh đánh đầu ngược tung lưới Thái Lan mang về chức vô địch AFF Cup cho ĐTVN. Vinh bật khóc, hàng triệu người hâm mộ cả nước bật khóc.
Công Vinh bật khóc ở Mỹ Đình. Ảnh: Thương Thương
Hôm ấy, những giọt nước mắt của Vinh và người hâm mộ là hạnh phúc, sung sướng. Tên Công Vinh được gọi khắp nơi, được tung hô như người hùng của Việt Nam.
Tám năm sau, Công Vinh đá trận bán kết với Indonesia ở Mỹ Đình. Vinh bật khóc nghẹn ngào ngay khi bóng chưa lăn. Vinh hiểu rằng nếu thất bại thì đây là lần cuối anh khoác áo ĐTVN, đứng hát quốc ca ở Mỹ Đình. Cảm xúc dâng trào đến mức không kèm được nước mắt.
Sau trận đấu, Vinh tuyên bố giải nghệ sau 12 năm khoác áo ĐTVN. Dư luận và một bộ phận lớn khán giả chẳng một chút tiếc thương, họ chỉ trích và cười cượi vào nỗi buồn của Vinh.
Thử hỏi rằng, cuộc đởi cầu thủ còn gì nghiệt ngã hơn thế? Sự đối nghịch ấy cũng hiểu được vì sao Vinh gọi đời cầu thủ bạc bẽo!
Và một Công Vinh ‘số khổ’
Công Vinh từng ví cuộc đời đi đá bóng của mình là số khổ. Khổ vì dư luận cứ nhắm vào Vinh, không buông tha anh. Đúng thì cất lời khen nhưng sai sót lập tức chỉ trích không thương tiếc.
Nhân vô thập toàn. Con người không thể không sai lầm. Cầu thủ đá bóng càng không thể hoàn hảo đến mức "sạch không tỳ vết". Giống như câu chuyện hôm qua, CLB TP.HCM thanh lý hợp đồng có cầu thủ U23 Việt Nam thì lập tức mọi người chỉ trích Công Vinh, dù sự thật cầu thủ này hết hợp đồng và sớm có CLB mới.
Công Vinh luôn bị soi mói.
Bóng đá cũng như cuộc đời. Một tờ giấy trắng bị vẩy lên một vết mực thì người ta sẽ nhìn chăm chăm vào vết mực ấy mà quên phần trắng sạch. Công Vinh thời cầu thủ có những vết gợn chứ không hoàn hảo, nhưng từ lúc lên làm Quyền chủ tịch CLB TP.HCM là một câu chuyện khác. Vinh là đại diện cho thế hệ lãnh đạo trẻ, dám nghĩ dám làm. Đó là cần ủng hộ để phát triển bóng đá Việt Nam.
Công Vinh là Chủ tịch đầu tiên ở V.League tận tay bán vé cho người hâm mộ. Công Vinh là Chủ tịch duy nhất dám dũng cảm đối diện để xin lỗi khán giả vì đội nhà đá thua bạc nhược. Vinh cũng tiên phong làm phòng thay đồ, phòng truyền thống, tuyên bố nói không với bóng đá quan hệ…
Công Vinh bán vé.
Tiếc rằng, mỗi bước đi của Vinh đang bị soi theo kiểu "dìm hàng", "ném đá" và đôi lúc nhìn lệch theo hướng tiêu cực như vụ CLB TP.HCM thanh lý cầu thủ. Bản thân Vinh cũng không mong ngợi ca mà chỉ cần được nhìn nhận khách quan, đánh giá công bằng. Nhưng gần như số phận Vinh không thể nào có được điều ấy, anh vẫn đứng giữa lằn ranh yêu - ghét như thời cầu thủ.
Đúng là số Công Vinh gắn với trái bóng khổ vì thị phi và dư luận!