Chỉ số IQ của Albert Einstein vào khoảng 160, của Issac Newton là 190 và ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg cũng đạt tới con số 152.
Họ đều là những thiên tài của thế giới. Tuy nhiên còn có người sở hữu chỉ số IQ đạt mức khủng khiếp từ 250 đến 300, theo ghi nhận trong sách tâm lý học "Psychology for the Millions" (1946).
William James Sidis (giữa) sở hữu chỉ số IQ cao nhất từng được ghi nhận. Ảnh: Wikimedia Commons
Chủ nhân của trí tuệ thiên tài này là William James Sidis, một nhà toán học cừ khôi. Ông còn thông thạo nhiều thứ tiếng và có tài viết lách thiên phú.
Dù vậy, hầu hết mọi người đều không nghe nói đến William hoặc có chăng cũng nhắc về ông với những niềm tiếc nuối.
"Siêu trí tuệ" nói được 8 thứ tiếng khi mới 8 tuổi, năm 11 tuổi vào Harvard
William sinh năm 1898 ở thành phố New York. Bố của ông, Boris, là nhà một nhà tâm lý học xuất chúng với 4 tấm bằng danh giá từ trường Harvard.
Mẹ của ông là bác sĩ đa khoa. Thừa hưởng sự thông tuệ của bố mẹ, từ nhỏ William đã là một thần đồng, hoàn toàn khác biệt so với tất cả mọi người.
Mới 18 tháng tuổi, William đã có thể đọc vanh vách báo New York Times. Lên 8, cậu bé tự rèn luyện các ngoại ngữ Latin, Hy Lạp, Pháp, Nga, Đức, Hebrew, Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia.
Bên cạnh đó, William còn sáng tạo nên một ngôn ngữ cho riêng mình gọi là "Vendergood".
Gia đình hết mực tự hào về William và cố gắng gửi con đến Đại học Harvard, nhưng nhà trường đã từ chối vì cậu bé mới 9 tuổi.
Hai năm sau (1909), Harvard đã đưa ra quyết định lịch sử khi chấp nhận William trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay.
William khi mới bước chân vào trường Harvard. Ảnh: Harvard
Năm 1910, khả năng toán học của William gây ngạc nhiên cho các giáo sư. Năm 16 tuổi, cậu hoàn thành các bằng cử nhân nghệ thuật.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng là một áp lực vô cùng mệt mỏi, đặc biệt khi người gánh vác nó chỉ là một cậu thiếu niên.
Nhiều lần William nói với phóng viên rằng cậu muốn sống một cuộc đời "hoàn hảo" mà theo cậu là lối sống ẩn dật. Ngoài ra, William không muốn kết hôn vì chẳng còn hứng thú với tình yêu.
Bên cạnh những phiền toái từ sự nổi tiếng quá mức, William còn là nạn nhân của chương trình giáo dục khắc nghiệt dành cho thần đồng ở Mỹ lúc bấy giờ.
Bố của cậu bé liên tục ép con tìm hiểu các kiến thức tâm lý học chuyên sâu - lĩnh vực mà ông nghiên cứu.
Dù William rất yêu thích việc học thời thơ ấu, cậu cảm thấy ngày càng mệt mỏi ở tuổi trưởng thành và trách cứ bố đã gây áp lực cho mình. Thậm chí khi bố qua đời năm 1923, William đã không về nhà đưa tiễn.
Cuộc sống ẩn dật và qua đời trong nghèo khổ
Sở hữu tài năng phi thường nhưng William lại chọn công việc văn thư để kiếm ăn từng bữa. Dù vậy, mọi người vẫn soi mói vị thiên tài được báo chí ca ngợi, khiến William càng muốn trốn tránh đám đông và liên tục nhảy việc.
Năm 1924, cánh phóng viên phát hiện thần đồng Harvard đang chạy việc vặt với mức lương 23 USD/tuần. Tin tức này xuất hiện khắp các mặt báo, với nhiều bình luận rằng thiên tài ngày nào đã mất đi ánh hào quang lẫn tài năng của mình.
Điều này không đúng, bởi William đã viết ra nhiều đầu sách có giá trị dưới các bút danh khác nhau.
William cho rằng người bố Boris (trái) đã quá tàn nhẫn khi ép mình vùi đầu học không ngừng. Ảnh: Harvard, sidis.net
Về sau, William là nhà hoạt động xã hội và lên tiếng phản đối Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Năm 1919, ông bị bắt giam trong một cuộc biểu tình dẫn tới bạo lực ở Boston và bị kết án 18 tháng tù.
Bố mẹ của William đã sắp xếp đưa con trai ra khỏi trại giam nhưng lại kìm chân ông trong viện điều dưỡng suốt 2 năm.
Sau đó, cuộc sống của thiên tài là chuỗi ngày hoàn toàn cô độc. Bị gia đình ghẻ lạnh, ông làm thợ máy để kiếm từng bữa ăn.
Năm 1944, với trí tuệ vốn dĩ có thể thay đổi lịch sử thế giới, William đã qua đời thầm lặng vì bị xuất huyết não ở tuổi 46.
Về sau, nhiều nhà giáo dục nhìn nhận cuộc đời William như "một thí nghiệm ép buộc", liên tục trải qua những đòi hỏi khắc nghiệt chỉ để đo khả năng trí tuệ của con người.
Có lẽ nếu không bị "chín ép", William đã đóng góp được nhiều hơn và cũng có cho mình một cuộc sống bình yên, hạnh phúc.