Số hóa cố đô Huế

Văn Thắng |

Hệ thống di tích, hiện vật, tư liệu, lễ hội tiêu biểu ở cố đô Huế lần lượt được số hóa không chỉ góp phần lưu trữ kho tàng di sản, văn hóa truyền thống của dân tộc cho muôn đời sau mà còn phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo, cũng như phát huy giá trị qua kênh quảng bá, thu hút du khách bốn phương.

Số hóa cố đô Huế - Ảnh 1.

Du khách quét mã QR trên điện thoại thông minh để ngắm điện Thái Hòa qua tour du lịch thực tế ảo

Di tích điện Thái Hòa, ngôi điện quan trọng nhất nằm trong Đại nội Huế, là nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn (1802-1945) vừa hạ giải để trùng tu kéo dài từ năm 2022 đến 2025 nhưng du khách vẫn có thể ngắm di tích này qua tour du lịch thực tế ảo. Qua Ngọ Môn, nhân viên hướng dẫn quét mã QR trên điện thoại thông minh, khách tham quan khám phá điện Thái Hòa với kiến trúc theo lối “trùng thiềm điệp ốc” (mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhau), trang trí pháp lam, trên lợp ngói hoàng lưu ly, giữa đặt ngai vàng nằm dưới hệ thống bửu tán bằng gỗ thếp vàng... một cách chân thực bằng công nghệ 3D.

“Với 3 chế độ xem, góc nhìn 3D đa chiều xoay 3600, các bước di chuyển ngắn, liên tục và chi tiết nên chúng tôi chủ động tương tác trực tiếp không gian, màu sắc, hình ảnh sắc nét sống động về điện Thái Hòa. Đặc biệt, qua giọng đọc thuyết minh về lịch sử, kiến trúc, giá trị của ngôi điện, mọi người biết đây là công trình di tích tiêu biểu thuộc Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 1993”, anh Simon, du khách người Đức lần đầu tham quan, chia sẻ.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết, ngoài việc phục vụ khách tham quan, để giám sát và làm tư liệu gốc đối chứng sau khi hạ giải, tránh sai lệch xuyên suốt quá trình trùng tu điện Thái Hòa, đơn vị đã scan 3D toàn bộ dữ liệu thu thập từ bề mặt công trình; sử dụng thiết bị drone bay quét chi tiết, định dạng kích thước, họa tiết, hoa văn... rồi chuyển đổi dữ liệu thành các mô hình 3D ảnh thực qua phần mềm chuyên nghiệp trên máy tính. Từ đây, người quản lý lưu trữ dữ liệu kiến trúc cổ một cách vĩnh viễn, đối chiếu để điều chỉnh trong quá trình trùng tu, sửa chữa hoặc phục vụ công tác giáo dục, nghiên cứu khoa học về sau.

Sự bào mòn của thời gian và tác động từ môi trường khiến nhiều di tích Huế xuống cấp trầm trọng. Các công trình kiến trúc này hầu như không còn bản vẽ và nếu có thì dữ liệu, hình ảnh bị mờ gây nhiều khó khăn trong việc trùng tu, sửa chữa. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, địa phương lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong số gần 1.000 di tích được kiểm kê, có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh. Thừa Thiên - Huế còn có 3 di sản phi vật thể cấp quốc gia, 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, tỉnh có đến 7 di sản được UNESCO vinh danh. Do đó việc quản lý bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa cần có những công cụ, phương thức khoa học, hiện đại.

“Cùng với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan Di tích Huế, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR để tìm hiểu thông tin về hiện vật, công nghệ 3D xem hiện vật bằng tương tác, phục dựng Hoàng thành Huế bằng công nghệ số. Thư viện Tổng hợp tỉnh scan, số hóa 400.000 trang tài liệu Hán Nôm có giá trị (tương ứng khoảng 4.980 đầu tài liệu các loại) tại 187 làng, 923 họ tộc, phủ đệ và tư gia trên địa bàn… Đây là tiền đề trong lộ trình số hóa các di sản văn hóa tại địa phương thời gian tới”, TS Phan Thanh Hải chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số là cầu nối đưa các giá trị văn hóa, di sản Huế đến gần hơn với người dân và du khách, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, giá trị văn hóa Huế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại