Sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với người dân, từ 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy chính thức hết giá trị sử dụng.
Năm 1957, hai thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng tổ chức đăng ký nhân khẩu thường trú cho các gia đình, cơ quan, trường học… Đối với sổ hộ khẩu gia đình, chủ hộ thường là người cao tuổi; sổ hộ khẩu tập thể chủ hộ là thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Đến năm 2007, Luật Cư trú 2006 có hiệu lực, sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của họ. Sổ hộ khẩu được sử dụng rất phổ biến trong các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đăng kí kết hôn, khai sinh, xin đi học… và được coi như một thứ tài sản "vô giá" của mỗi gia đình.
Không thể phủ nhận những gì mà sổ hộ khẩu mang lại trong thời gian qua, nhưng cũng có bất cập diễn ra trong thực tế như tại các thành phố trực thuộc Trung ương có quy định riêng về điều kiện được nhập khẩu vào là phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 1 đến 2 năm trở lên, hay đăng ký vào quận ở Hà Nội phải tạm trú từ 3 năm trở lên…
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cư trú sửa đổi diễn ra tháng 8/2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã kể câu chuyện khi bị mất sổ hộ khẩu, đi làm lại vất vả… khai tới khai lui.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực quy định sau ngày 31/12/2022, sổ hộ khẩu giấy hết giá trị. Như vậy, từ 1/1/2023 cuốn sổ này sẽ chính thức bị "khai tử", người dân có thể bỏ đi hoặc lưu giữ làm kỷ niệm.
Vừa qua, Bộ Công an hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Dự thảo nêu rõ "Cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục, cung cấp dịch vụ; không được yêu cầu công dân phải nộp, xuất trình giấy tờ để chứng minh thông tin về cư trú".
Như vậy, từ 1/1/2023, người dân không phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính. Đồng thời, người dân, cơ quan chức năng sẽ khai thác, sử dụng thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cụ thể, sử dụng CCCD gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú; sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD gắn chíp; sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD.
Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch công để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch dân sự.
Hoặc sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch dân sự. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thời gian vừa qua, công an các đơn vị địa phương trong cả nước đồng loạt phát động đợt cao điểm “90 ngày, đêm” triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai thi hành Luật Cư trú 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022. Chỉ trong thời gian ngắn, một số đơn vị đã hoàn thành xuất sắc đợt cao điểm.
Điển hình, tại Hà Nội, sau hơn 7 ngày đêm, Công an phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm thực hiện 100% chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Đây là đơn vị đầu tiên hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu mà Công an TP Hà Nội đề ra.
Cũng trong đợt cao điểm, nhiều cách làm, giải pháp sáng tạo cũng được áp dụng như Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) để đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD gắn chip cho 100% công dân từ 14 tuổi trở lên.
Đơn vị áp dụng linh hoạt phương pháp "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng hộ" để tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân sử dụng phần mềm VNeID. Với phương châm "lúc dân cần, lúc dân khó, có công an", cán bộ chiến sĩ nỗ lực từng ngày, từng giờ, tăng ca, không quản ngày đêm, làm việc không có ngày nghỉ, ngày lễ, tăng thời gian thu nhận hồ sơ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cấp thẻ CCCD gắn chíp kích hoạt định danh điện tử cho người dân nhất là những người già yếu, tàn tật không thể tự đi lại.
Bởi việc sử dụng CCCD gắn chip kích hoạt định danh điện tử giúp họ không phải mang theo nhiều giấy tờ, giảm thủ tục hành chính khi đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế.
Để thực hiện các thủ tục hành chính như đăng ký thường trú, tạm trú, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên phần mềm VNeID của Bộ Công an hoặc thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, người dân có 2 cách để đăng ký tài khoản định danh điện tử. Đối với mức độ 1, người dân đăng ký thông qua thiết bị di động thông minh có kết nối mạng. Ở mức độ 2, người dân tới trực tiếp cơ quan công an, thông thường có thể làm cùng thẻ CCCD. Trường hợp đã có CCCD chỉ cần xuất trình cho cán bộ công an để làm hồ sơ.
Hiện nay, tài khoản định danh điện tử được đồng bộ các thông tin cơ bản về nhân thân như họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, giới tính, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, mã số thuế…
Người dân có thể dùng thông tin định danh điện tử để chứng minh nhân thân, thay cho CCCD gắn chip bản cứng và có thể thông báo lưu trú ở mọi nơi không cần phải liên hệ qua cơ quan công an thông qua ứng dụng VNeID.
Ngoài ra, người dân có thể đăng ký thường trú, tạm trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia có địa chỉ https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn và thực hiện các bước đăng ký tài khoản, đăng nhập, điền mật khẩu truy cập, xác thực nhập mã OTP được hệ thống gửi về điện thoại và làm theo hướng dẫn.