Sở GTVT trình UBND TPHCM đề án liên quan đến cấm xe máy vào trung tâm

M.Q |

Sở GTVT TPHCM vừa trình UBND TPHCM đề án “Tăng cường vận tải giao thông công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TPHCM”. Theo đó TPHCM có thể hạn chế và tiến tới cấm xe máy tại một số quận vào năm 2030.

Đề án do Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Viện chiến lược) thực hiện. Viện chiến lược đề xuất phương án hạn chế tiến tới cấm hẳn xe máy đi vào khu vực trung tâm TPHCM gồm quận 1, 3, 5 và 10 vào năm 2030.

Hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng sẽ đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực cấm xe máy.

Cụ thể, theo đề xuất của Viện chiến lược, từ nay đến 2020 sẽ hạn chế xe máy trong giờ cao điểm trên đường Trường Sơn (Q.Tân Bình) và đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1).

Đồng thời, hạn chế xe máy từ 7h đến 19h trên đường Pasteur (từ Lý Tự Trọng đến Điện Biên Phủ) và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ Điện Biên Phủ đến Lý Tự Trọng).

Giai đoạn 2021 - 2025, hạn chế xe đi vào quận 1 được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Văn Kiệt - Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ.

Từ 2026-2030, hạn chế tiến tới cấm hẳn xe máy đi vào khu vực trung tâm TPHCM gồm quận 1, 3, 5, 10 được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Châu Văn Liêm - Hồng Bàng - Lý Thường Kiệt - Bắc Hải - Cách Mạng Tháng Tám - Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng.

Cùng với hạn chế xe máy, đề án cũng đề xuất kiểm soát việc đỗ xe ôtô trong khu vực trung tâm TPHCM, xây dựng khung giá dịch vụ giữ xe theo giờ và theo khu vực.

Hạn chế cấp phép giữ xe trên lòng đường, vỉa hè, đặc biệt là khu vực trung tâm, tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô đến 9 chỗ...

Ngoài ra, đề án còn đề xuất thu phí “ùn tắc giao thông” vào giờ cao điểm đối với các loại xe ôtô vào khu vực trung tâm TPHCM.

Theo Viện chiến lược, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong thời gian này giữ vai trò chủ đạo cho đến khi hệ thông vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn (metro, monorail) hình thành theo quy hoạch đến 2030.

Về giải pháp phát triển xe buýt, Viện chiến lược đề xuất đến năm 2020 xe buýt đáp ứng được 8,9-12,2% nhu cầu đi lại của người dân TPHCM, trong đó đáp ứng 25-30% nhu cầu đi lại ở khu vực trung tâm.

Để thực hiện điều này cần phát triển thêm 55-120 tuyến xe buýt, nâng tổng số toàn mạng lưới xe buýt lên 192-255 tuyến với khoảng 4.200-4.800 xe buýt hoạt động.

Theo Viện chiến lược, cuộc khảo sát năm 2017 với hơn 21.000 phiếu thăm dò cho thấy 62,6% ý kiến cho rằng cần phải hạn chế lưu thông ôtô, xe máy cá nhân.

Trong đó, 40,7% đồng ý hoàn toàn hạn chế xe cá nhân và 21,86% đồng ý hạn chế xe cá nhân có điều kiện. 61,1% số người khảo sát cho rằng nên ngưng xe máy tại các quận nội thành trước 2030.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại