Sáng 9.4, ông Đỗ Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng cho biết: Liên quan đến việc Trường THPT Kiến Thụy đưa hiện tượng Khá Bảnh vào đề thi môn Văn, Sở đã nhận được báo cáo của Trường THPT Kiến Thụy về việc này.
Theo đó, vào ngày 4.4, Trường THPT Kiến Thụy tổ chức thi học sinh giỏi môn Văn cho khối 11 với mục đích chọn học sinh giỏi đi thi cấp thành phố vào đầu năm 2019 – 2020.
Có 12 thí sinh tham dự kì thi học sinh giỏi môn văn của trường THPT Kiến Thụy đợt này. Trong đề thi này có trích dẫn bài báo đề cập đến hiện tượng Khá Bảnh và nhận được nhiều dư luận trái chiều về nội dung đề thi.
Đề thi học sinh giỏi văn lớp 11 đưa Khá “bảnh” vào đề thi.
Trước đó, Khá Bảnh trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi tung lên các clip phản cảm, nhưng lại có lượng fan hùng hậu. Sau đó, Khá Bảnh bị cơ quan công an Bắc Ninh bắt giữ vì hành vi tàng trữ ma túy.
Do đó, khi Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) đưa Khá Bảnh vào đề thi, đã gây “hot” trên mạng xã hội.
Cô giáo Phạm Thị Hằng (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho rằng, đề thi này đã đi trúng mục tiêu là giúp học sinh nhận ra đây là nhân vật phản cảm, vi phạm pháp luật, cảnh tỉnh cho các bạn trẻ dễ lầm tưởng về văn hóa thần tượng.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến tranh luận gay gắt trên mạng xã hội cho rằng đưa hình ảnh Khá Bảnh vào đề thi khiến nhân vật này được nhắc đến quá nhiều, gây phản cảm. Nhân vật hiện đang bị xử lý, nên việc đưa vào đề thi chưa phù hợp, trong khi đang cần nêu lên những nhân vật người tốt, việc tốt đáng nhân rộng hiện nay.
Theo ông Đỗ Văn Lợi, đây là kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, do đó yêu cầu về nhận thức xã hội của các học sinh phải cao hơn bài của học sinh đại trà.
Thông qua việc này, nhà trường muốn biết được sự nhìn nhận của các em đối với vấn đề tiêu cực của xã hội, trong đó có hiện tượng một bộ phận giới trẻ đang có cái nhìn lệch lạc trong văn hóa thần tượng và lệch lạc trong nhận thức về giá trị đích thực của con người, để từ đó hướng tới giáo dục học sinh có những suy nghĩ, hành động đúng đắn.
“Trên thực tế, 12 bài viết của các em thi học sinh giỏi đều thể hiện rõ sự nhận thức đúng đắn về vấn đề được đề cập” – ông Lợi nói.
Mặc dù khẳng định việc ra đề thi mở để học sinh phát biểu suy nghĩ, thể hiện cách nhìn là rất cần thiết, nhưng ông Lợi cũng cho rằng, việc đưa nhân vật Khá Bảnh vào đề thi ở thời điểm hiện tại là khá nhạy cảm.
Nếu đề thi chỉ nêu về hiện tượng nhận thức lệch lạc trong một phận giới trẻ với những “thần tượng” kiểu như Khá Bảnh rồi để học sinh tự viết lên suy nghĩ thì có lẽ không tạo dư luận như mấy ngày qua.
Theo ông Lợi, Sở đã chỉ đạo nhà trường và tổ chuyên môn rút kinh nghiệm, khi ra những đề thi dạng mở về nhận thức xã hội cần phải lưu ý đến những vấn đề, nhân vật nhạy cảm, tránh việc gây ra những tranh luận trái chiều như trên.