Tuần dương hạm hạt nhân mang Peter Đại đế (lớp Kirov) sẽ là chiếc tàu đầu tiên được Nga trang bị tên lửa siêu vượt âm Tsirkon (hay Zircon), biến nó trở thành pháo đài nổi bất khả xâm phạm.
Tuần dương hạm hạt nhân mang Peter Đại đế sẽ là chiếc tàu đầu tiên được Nga trang bị tên lửa siêu vượt âm Tsirkon (hay Zircon), biến nó trở thành pháo đài nổi bất khả xâm phạm.
Tuy nhiên, đây có thực sự là chiến hạm đáng gờm nhất trên biển hay không? Bài viết trên tờ Russia Beyond the Headlines đã đi tìm đáp án cho câu hỏi này.
Tuần dương hạm Peter Đại đế. Ảnh: periskop.livejournal.com
Theo đó, vào năm 2019, tuần dương hạm hạt nhân mang tên lửa Peter Đại đế sẽ trở về cảng để trải qua một chu trình hiện đại hóa toàn diện và tiếp nhận các hệ thống vũ khí mới nhất.
Peter Đại đế là chiến hạm chủ lực nhằm trong danh sách các "ứng viên" được trang bị Tsirkon – tên lửa siêu vượt âm đầu tiên trên thế giới.
Con tàu có lượng giãn nước 25.600 tấn, dài 250m và rộng 28.5m. Cần tới khoảng 760 người để vận hành và duy trì hoạt động cho con quái vật biển khổng lồ này.
Theo ông Dmitri Safonov, cựu chuyên gia phân tích quân sự tại tờ Izvestia, tàu Peter Đại đế "được trang bị nhiều hệ thống vũ khí, như 20 ống phóng để triển khai tên lửa chống tàu Granit, hệ thống phòng thủ S-300, các hệ thống phòng không Kinjal và Kortik".
Các tàu tuần dương thuộc đề án này (1144 Orlan) là các tàu hạt nhân duy nhất của Hải quân Nga được trang bị hệ thống động lực có khả năng đạt tới tổng công suất trên 100 Megawatt.
Nga hiện đang đóng thêm các tàu chiến và tàu phá băng hạt nhân mới để phục vụ kế hoạch mở rộng Tuyến đường Biển Bắc. Trong tương lai, hệ thống động lực của chúng sẽ có tổng công suất lớn hơn tàu Peter Đại đế.
Sức mạnh tuần dương hạm Peter Đại đế. Nguồn: LA MAGRA/You Tube
Có phần lép vế trước tuần dương hạm Mỹ...
Theo giới chuyên gia Nga, mặc dù trang bị nhiều vũ khí nhưng trước khi được hiện đại hóa sâu rộng, tàu Peter Đại đế vẫn sẽ yếu thế trước bất cứ đối thủ ngang cơ nào từ Mỹ.
"Hiện nay, Hải quân Mỹ được trang bị tuần dương hạm tên lửa lớp Ticonderoga. Con tàu này, giống như các thủy thủ thường ví von, là đến một quả táo rơi cũng không lọt, bởi nó được lắp đặt đầy ắp các loại vũ khí" – chuyên gia quân sự của hãng tin TASS Victor Litovkin cho hay.
Hiện Hải quân Mỹ có 22 tàu loại này. Chúng có lượng giãn nước 9.800 tấn, thấp hơn 2,5 lần so với tàu Peter Đại đế. Tuy nhiên, mỗi tàu có thể mang tới 122 tên lửa các loại, từ SM-2, SM-3 cho tới SM-6, cũng như tên lửa hành trình Tomahawk - loại có sức mạnh ngang ngửa dòng Kalibr "sát thủ" của Nga.
Tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ. Ảnh: Reuters
"Ngoài ra, các tàu của Mỹ có 8 ống phóng để triển khai tên lửa chống tàu và các cụm pháo cỡ lớn để tiêu diệt mục tiêu bay thấp. Vì thế, kích cỡ không phải là yếu tố quan trọng, cái chính là được trang bị các hệ thống công nghệ cao" - ông Litovkin nói.
Lợi thế then chốt của tàu lớp Ticonderoga trước tàu Peter Đại đế là có tầm bắn vũ khí lớn hơn và được trang bị tên lửa hành trình.
Trong khi đó, phải tới năm 2019, sau quá trình hiện đại hóa, tàu Peter Đại đế mới được trang bị tên lửa hành trình Tsirkon.
"Mỹ còn dự định tiến hành chương trình hiện đại hóa và tái trang bị vũ khí hiện đại cho các tàu tên lửa của họ. Tuy nhiên, Tổng thống và Quốc hội Mỹ vẫn phải quyết định xem nên dành 300 tỷ USD ước tính cho chương trình hiện đại hóa hải quân hay đóng tàu chiến mới" - ông Litovkin cho hay.
Theo vị chuyên gia, trong lúc Mỹ đang suy nghĩ về điều này, Nga sẽ nhân cơ hội xây dựng tàu chiến mạnh nhất thế giới, một con tàu được trang bị tên lửa hành trình và siêu vượt âm.
.... nhưng khiến khu trục hạm Anh phải "bó tay" nếu có Tsirkon
Khác với những nhận định có vẻ thận trọng về tuần dương hạm Mỹ, ông Litovkin cho rằng, sau khi tàu Peter Đại đế được hiện đại hóa và trang bị các tên lửa siêu vượt âm Tsirkon thì thậm chí một tàu chiến cỡ lớn độc đáo và hiện đại như khu trục hạm lớp Daring của Hải quân Hoàng gia Anh cũng không thể đối phó được nó.
Hiện tàu khu trục lớp Daring được đánh giá là lớp tàu có công nghệ tiên tiến nhất của Hải quân Hoàng gia Anh, chỉ sau tàu sân bay.
Khác với tàu Peter Đại đế và lớp Ticonderoga, các tàu khu trục Type 45 lớp Daring không được trang bị tên lửa chống tàu và tấn công mặt đất do mục tiêu hoạt động chính của nó trên biển là bảo vệ các tàu hải quân khác trước các đợt tấn công đường không.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu muốn, Hải quân Anh vẫn có thể sửa đổi tàu Daring để trang bị tên lửa hành trình Tomahawk.
Tàu khu trục HMS Daring của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Global Look Press
"Daring là một trong những lớp tàu chiến mới nhất được chế tạo trong thế kỷ 21. Về mặt công nghệ, nó đi trước tàu của chúng ta (Nga) và tàu của Mỹ nhờ hệ thống máy tính và radar tiên tiến" - ông Safonov nói.
Bên cạnh đó, theo ông Safonov, tàu lớp Daring được trang bị hệ thống phòng không có khả năng theo dõi cùng lúc 1.000 mục tiêu ở cự ly 250 dặm và bắn hạ đồng thời 16 mục tiêu trong số này.
"Tàu lớp Daring trang bị 48 tên lửa với tầm tấn công 75 dặm. Nhờ có những vũ khí này, cũng như thiết kế đặc biệt mà Daring là phương tiện hoàn hảo để bảo vệ tàu sân bay trước các tàu chiến và tàu ngầm tấn công của đối phương, cũng như là một phương tiện không thể thay thế để thực hiện các nhiệm vụ do thám, trinh sát" - ông Safonov kết luận.