Bạn đọc Nguyễn Quỳnh Lê (35 tuổi, lenguyen7…@gmail.com), hỏi: Tôi đọc báo thấy mỗi dịp Tết con nít về quê, ở nhà lạ hay tiện tay lấy chai này chai kia uống đại, dẫn đến uống nhầm hóa chất , từ chất tẩy rửa đến xăng, dầu, dấm.... Tôi rất lo vì Tết này định dẫn cả 3 con (4, 5 và 9 tuổi) về quê. Tôi có tham khảo trên mạng nhiều cách xử trí tại chỗ nhưng không biết đúng sai: cố uống thứ gì đó để trung hòa (ví dụ uống phải xà bông thì pha ít dấm vào nước uống), nặn chanh vô miệng, cố làm cho nôn ra… Cách sơ cứu cho trẻ hay người lớn bị uống nhầm hóa chật vậy có đúng không?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), trả lời:
Hóa chất có 2 loại bay hơi và không bay hơi. Chỉ có các chất không bay hơi mới có thể "gây ói an toàn", còn chất có bay hơi như xăng, dầu, các axit… nếu gây ói chỉ khiến hơi hóa chất có cơ hội tấn công cơ thể nặng nề hơn, nhất là tấn công vào đường thở.
Cách uống nhiều nước cũng vậy, có 2 mặt. Ví dụ uống nhầm ít dấm, cổ họng không bị tổn thương nặng thì uống nước cho dấm loãng ra cũng được. Nhưng lỡ là hóa chất khác, cổ họng bị thương tổn, nếu bắt trẻ/người bị nạn uống nước, có khi gây sặc, viêm phổi hít còn nguy hiểm hơn.
Phương án nặn chanh càng nên tránh, vì chẳng có tác dụng gì, chỉ khiến nạn nhân dễ sặc, viêm phổi hít và làm chậm trễ việc cấp cứu.
Vì vậy, tốt nhất vẫn là nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất. Không làm gì cả, nhất là khi chưa rõ trẻ uống nhầm cái gì, không biết nó có bay hơi hay không, là axit hay baz…
Nên lưu ý cả những hóa chất mà mọi người hay tưởng là "nhẹ" như xà bông hay dấm, cũng phải đưa trẻ đi viện, bởi uống trực tiếp như thế, dù nó chỉ đi vào đường tiêu hóa vẫn có thể ăn mòn, gây viêm loét cần điều trị.
Đặc biệt, đừng bao giờ dùng những chai từng đựng nước uống để đựng hóa chất.
Đa số các trường hợp uống nhầm chúng tôi tiếp nhận đều là trẻ thấy cái chai nước suối, nước ngọt, trà xanh, cứ tưởng trong đó là nước uống được nên mới uống nhầm. Các loại chai có màu càng nguy hiểm, người lớn cũng dễ nhầm.