Theo số liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, số ca mắc STSS tại quốc gia này trong năm 2024 đã chạm mốc 977 tính đến ngày 2-6, vượt mức kỷ lục 941 ca của cả năm 2023.
Theo đài NHK, STSS chủ yếu do liên cầu khuẩn nhóm A (GAS) gây ra và ảnh hưởng đến người từ 30 tuổi trở lên. Bệnh nhân có thể bị hoại tử chân tay và suy đa tạng. Việc nhiễm trùng này diễn tiến nhanh chóng và có thể gây tử vong. Những người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
"Sưng tấy có thể xuất hiện ở bàn chân vào buổi sáng, lan sang đầu gối vào buổi trưa và phần lớn bệnh nhân thiệt mạng trong vòng 48 giờ" - chuyên gia Ken Kikuchi của ĐH Y khoa Phụ nữ Tokyo (Nhật Bản) nhận định với hãng tin Bloomberg ngày 15-6.
Theo ông, vi khuẩn STSS thường được cho là xâm nhập cơ thể thông qua vết thương hở nhưng trong một số trường hợp không thể xác định chính xác được nguyên nhân lây nhiễm.
Bên cạnh việc sưng tấy, sốt cao kèm mê sảng cũng là dấu hiệu cần được chăm sóc y tế tức thì, theo chuyên gia Ken Kikuchi. Với đà tăng hiện tại, ông cho rằng số ca nhiễm STSS tại Nhật Bản có thể chạm ngưỡng 2.500 trong năm nay, với tỉ lệ tử vong lên đến 30%.
Chuyên gia này kêu gọi người dân giữ gìn vệ sinh tay và điều trị mọi vết thương hở. Ông cũng lưu ý vi khuẩn "ăn thịt người" có thể dễ dàng lây lan qua vết thương ở bàn chân.
Các quốc gia khác cũng đã trải qua những đợt bùng phát STSS gần đây. Vào cuối năm 2022, ít nhất 5 quốc gia châu Âu thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về xu hướng gia tăng số người mắc bệnh liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn (iGAS), trong đó có STSS. WHO cho rằng xu hướng này diễn ra sau khi lệnh hạn chế dịch COVID-19 được gỡ bỏ.