Ảnh minh họa
Một tối thứ 7 cách đây không lâu, Matthew (tên nhân vật đã được thay đổi) – một CEO công nghệ vì tò mò và buồn chán nên đã dùng thử một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mà anh mới biết đến.
Matthew thực hiện các bước như cách mà hầu hết mọi người tìm thông tin trên Internet: nhập tên công ty AI – Midjourney, vào thanh tìm kiếm của Google.
Không chút nghi ngờ, Matthew nhấp vào kết quả đầu tiên và sau vài cú nhấp chuột nữa, anh đã tải về và cài đặt ứng dụng thành công – hoặc đó ít nhất là những gì CEO này nghĩ mình đã làm.
Trên thực tế, thứ Matthew nhấp vào là một quảng cáo mà Google đã “vô tình” bán cho một bên lừa đảo đóng giả làm Midjourney. Điều đó có nghĩa là Matthew đã tự cài đặt một loại phần mềm độc hại có thể quét máy tính để tìm kiếm tên người dùng, mật khẩu và chuyển chúng cho hacker.
Chủ quan khi tìm kiếm trên Google, Matthew đã phải trả giá đắt (Ảnh minh họa: CNA).
Kẻ này đã truy cập vào ví tiền số, tài khoản mạng xã hội cùng nhiều dữ liệu quan trọng khác của Matthew. Cuối cùng, hậu quả là Matthew đã mất hàng trăm nghìn USD (tương đương hàng tỷ đồng) trong ví tiền số. “Chưa bao giờ tôi cảm thấy sợ hãi và dễ bị tổn thương như vậy”, Matthew chia sẻ với Bloomberg.
Matthew tự trách bản thân vì đã không cẩn thận hơn nhưng anh cũng trách Google vì để đường link lừa đảo xuất hiện ở đầu trang kết quả tìm kiếm. Không ít người đã trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo không mấy mới mẻ này.
“Tai nạn” của Matthew đặt ra câu hỏi về việc gã khổng lồ thống trị thị trường tìm kiếm như Google lại không có khả năng kiểm soát các trò lừa đảo.
Đến cuối tháng 7, quảng cáo lừa đảo mà Matthew nhấp vào đã biến mất nhưng vẫn có những trang web giả mạo Midjourney xuất hiện gần đầu kết quả tìm kiếm của Google.
Ông nói: “Việc chúng vẫn xuất hiện là điều vô lý. Tôi đã tin tưởng họ và có vẻ như tôi đã đặt niềm tin sai chỗ”. Chỉ đến khi Bloomberg phản ánh về vấn đề trên, danh sách trang web lừa đảo đó mới biến mất trên Google.
Về phần mình, Google từ chối bình luận về sự việc đồng thời cho biết công ty đã xóa 5,2 tỷ quảng cáo vào năm ngoái vì vi phạm chính sách. Phát ngôn viên của Google chia sẻ: “Tuy có những kẻ xấu tìm cách phá vỡ các biện pháp bảo vệ nhưng hệ thống của Google vẫn có hiệu quả trong việc hiển thị thông tin chất lượng cao cũng như chống lại quảng cáo rác và nội dung độc hại”.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, không cần đến một hệ thống chống lừa đảo tinh vi để phát hiện ra rằng quảng cáo mà Google hiển thị cho Matthew là lừa đảo. Và anh đã mắc phải sai lầm chí mạng là không kiểm tra kỹ thông tin trang web.
Google vẫn đang là công cụ tìm kiếm trực tuyến thống trị (Ảnh: SEJ).
Hóa ra, đường link lừa đảo đã thay chữ “o” trong tên của Midjourney bằng số 0. Đây không phải trò lừa mới nhưng vẫn có rất nhiều người vì chủ quan nên phải trả giá đắt. Hơn nữa, Midjourney thậm chí còn không có ứng dụng để tải xuống mà người dùng sẽ phải truy cập nó thông qua ứng dụng trò chuyện Discord.
Mike Blumenthal, đồng sáng lập của công ty marketing kỹ thuật số Near Media, cho biết: “Những vụ lừa đảo như vậy đã xảy ra hàng năm trong 15 năm qua. Google từ lâu đã để xã hội phải trả giá cho những trò gian lận đó”.
Thủ đoạn lừa đảo giờ đây càng trở nên tinh vi hơn. Thậm chí, nhiều trang kết quả tìm kiếm đầu tiên của Google bị lấp đầy hoàn toàn bằng những đường link rác, khiến người dùng phải sử dụng một số thủ thuật để lọc ra kết quả không hữu ích.
Chính vì vậy, một bộ phận người dùng đã chuyển sang TikTok để nhận được kết quả đáng tin cậy hơn khi tìm kiếm thông tin về nhà hàng, công thức nấu ăn hoặc mẹo đi du lịch.
Về phần Matthew, sau sự cố, anh đã cảnh báo bạn bè và người thân cẩn thận hơn khi tìm kiếm trên Google. Với sự giúp đỡ của FBI, anh đã lấy lại được gần như toàn bộ số tiền đã mất và sau đó gửi tiền vào ngân hàng để tạo sự an toàn.
Mặc dù vậy, anh vẫn lo ngại rằng mọi người vẫn sẽ mắc phải sai lầm tương tự. “Ở thời điểm này, tôi cho rằng Google có đủ năng lực để nếu tôi tìm kiếm một thứ đơn giản như Midjourney, họ sẽ trả về kết quả hàng đầu là trang web chính chủ”, Matthew cho biết.