Huawei P20 Pro là một trong những chiếc smartphone mở đường cho công nghệ 3 camera trong tương lai. Tuy nhiên khi thị trường mới đang tập làm quen với camera kép không lâu, việc chuyển đổi quá nhanh sang 3 camera có thể là con dao hai lưỡi.
Công nghệ camera đang có sự chuyển dịch nhanh hơn bao giờ hết
Tất nhiên để thuyết phục được khách hàng, các hãng sản xuất smartphone phải biết cách biến tiềm năng của công nghệ 3 camera trở thành tính năng thực tế. Dưới đây là những tiềm năng ứng dụng của công nghệ 3 camera trên smartphone mà các hãng sản xuất nên để tâm tới.
Ảnh chụp cho chất lượng độ phân giải cao hơn
Một bức ảnh với độ phân giải lên tới 40MP chắc chắn sẽ có độ chi tiết cao hơn một bức ảnh 12MP hay 16MP. Đó là ý tưởng mà Huawei đã đưa lên chiếc P20 Pro.
Tuy ảnh độ phân giải cao có vẻ không cần thiết với mạng xã hội như Facebook vì quy định giới hạn dung lượng ảnh tải lên. Nhưng lợi thế của một bức ảnh độ phân giải cao giúp bạn dễ dàng chỉnh sửa, cắt ghép hay đơn giản là phóng to mà không cần lo vỡ ảnh. Với một bức ảnh có độ chi tiết cao, việc phải sắm ống kính tele có lẽ không còn cần thiết.
Một số model của Nokia trước đây có khả năng chụp ảnh siêu độ phân giải lên tới 41MP
Camera chụp ảnh độ phân giải cao hiếm khi xuất hiện trên smartphone, một phần bởi giới hạn kích thước cảm biến, số lượng điểm ảnh nhỏ, dễ gây hiện tượng noise và giảm độ phân giải hình ảnh.
Nhược điểm của cảm biến nhỏ còn khiến việc xử lý hình ảnh trong môi trường thiếu sáng kém hơn. Nhưng nếu smartphone có thêm cảm biến thứ ba đủ khả năng xử lý ảnh thiếu sáng, kết hợp với thuật toán thông minh, độ phân giải hình ảnh chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều.
Thay đổi được giữa nhiều khẩu độ khác nhau
Công nghệ chuyển đổi giữa nhiều khẩu độ khác nhau có thể là một cách hay để giúp smartphone xử lý hình ảnh tốt hơn trong mọi điều kiện ánh sáng. Đó cũng là cách Samsung đã áp dụng trên model Galaxy S9.
Galaxy Note9 cũng có tính năng thay đổi khẩu độ, giúp chụp ảnh dễ dàng hơn trong mọi điều kiện ánh sáng
Khẩu độ là yếu tố quyết định lượng ánh sáng tiếp xúc với cảm biến. Ảnh đủ sáng sẽ ít bị noise và hình ảnh cũng sáng hơn khi chụp trong môi trường tối. Khả năng thay đổi khẩu độ giúp smartphone có thể tạo nên được những bức hình nghệ thuật không khác gì máy ảnh chuyên nghiệp trong mọi điều kiện ánh sáng.
Tất nhiên nếu có sự kết hợp của nhiều cảm biến có thể thay đổi khẩu độ, khả năng chụp ảnh trong môi trường thiếu sáng sẽ tốt hơn, đồng thời tăng hiệu quả trong việc chụp ảnh qua ống tele hoặc ống góc rộng.
Zoom xa hơn như ống kính máy ảnh chuyên nghiệp
Khả năng zoom 2x gần như là thông số phổ biến trên nhiều mẫu smartphone trên thị trường hiện nay và P20 Pro là một trong số mẫu smartphone có zoom 3x.
Asus Zenfone Zoom là một trong những chiếc smartphone sở hữu khả năng zoom quang ấn tượng
Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có nên tích hợp thêm ống kính zoom quang để cung cấp thêm tùy chọn chụp hình xa hơn hay không. Việc có thêm ống kính zoom quang chắc chắn sẽ giúp tăng khả năng chụp hình từ xa, hỗ trợ chụp ảnh xóa phông tốt hơn.
Mặc dù vậy rõ ràng, việc chuyển đổi giữa các tùy chọn zoom sẽ trở nên vô cùng khó khăn trong ứng dụng chụp ảnh nếu như có quá nhiều ống kính zoom.
Thêm một lựa chọn để chụp ảnh góc rộng tiện lợi hơn
Nói về hãng có nhiều smartphone sử dụng camera góc rộng nhất không thể không kể đến LG với dòng G và V-series. Ống kính góc rộng có thể là một lựa chọn ít được quan tâm vì nó hướng tới chủ yếu là đối tượng thích chụp ảnh phong cảnh hoặc chụp nhóm đông.
Tất nhiên camera góc rộng vẫn được ứng dụng khá phổ biến nhưng chỉ ở mặt trước, nhằm phục vụ chụp ảnh selfie đông người.
Ống kính góc rộng hỗ trợ bạn chụp ảnh nhóm đông thuận tiện hơn
Nhưng ngay cả khi phải hy sinh trong việc lựa chọn cảm biến góc rộng hoặc tele, tại sao không thể đưa cùng lúc cả hai cảm biến đó lên smartphone. Ý tưởng đó hoàn toàn có thể trở thành sự thật nếu như máy có tới 3 camera.
Cảm biến thứ ba giúp tạo chiều sâu và bokeh mượt hơn cho ảnh
Nếu như DSLR nổi trội với khả năng tạo ra các bokeh mờ ảo và độ chuyển tiếp mượt mà thì smartphone đã và đang đần làm được điều đó nhờ cảm biến chiều sâu chuyên dụng.
Hẳn bạn sẽ còn nhớ chiếc HTC One M8 trang bị cảm biến đo chiều sâu 4MP xuất hiện hồi năm 2014. Đó có thể là một gợi ý tốt cho nhiều nhà sản xuất smartphone sau này. Không ngạc nhiên khi chỉ vài năm sau, chúng ta đã thấy có nhiều mẫu smartphone khác trang bị camera kép, trong đó có một cảm biến hỗ trợ chụp ảnh xóa phông bằng cách đo chiều sâu vật thể.
Nếu camera có thêm sự hỗ trợ của cảm biến thứ ba với khả năng lập bản đồ, chắc chắn bokeh và sự chuyển tiếp giữa chủ thể và phông nền sẽ trở nên tự nhiên, đẹp mắt hơn nhiều.
Chụp ảnh HDR và chụp thiếu sáng tốt hơn
Cảm biến thứ ba trên một chiếc smartphone đóng vai trò cải thiện độ nhạy sáng và khả năng xử lý hình ảnh trong môi trường thiếu sáng.
Nhiều smartphone đã làm được điều này khá tốt, có thể kể đến như dòng Huawei P-series trang bị cảm biến đơn sắc (monochrome) có độ nhạy sáng và dải động (dynamic range) cao. Với cảm biến này, hình ảnh sẽ trở nên sáng và rõ nét hơn đáng kể ngay cả khi chụp vào buổi tối.
Hoặc nếu không có cảm biến sở hữu độ nhạy sáng tốt, các hãng sản xuất hoàn toàn có thể tính đến việc tăng kích thước điểm ảnh để ánh sáng thu được nhiều hơn. Nếu bạn chưa biết thì máy ảnh DSLR full-frame với điểm ảnh lớn hơn luôn được đánh giá cao về độ nhạy sáng so với dòng crop.
Tương tự như vậy với smartphone, cảm biến thứ ba với kích thước điểm ảnh lớn hơn cũng là một cách hay để tăng chất lượng ảnh chụp thiếu sáng và cải thiện chế độ chụp HDR.
Hiện nay có một giải pháp được khá nhiều hãng áp dụng để tăng kích thước điểm ảnh đó là Pixel bining (Kết hợp điểm ảnh) Đơn cử như chiếc Huawei P20 Pro hay Xiaomi Mi A2 cũng đang áp dụng giải pháp này.
Trên đây là toàn bộ những tiềm năng của việc trang bị 3 camera trên smartphone. Dù không biết liệu các hãng đã từng nghĩ đến chúng hay chưa nhưng đây rõ ràng là những tham khảo rất hữu ích mà họ có thể cân nhắc tới.
Tham khảo Android Authority