SMA có cứu được liên minh Mỹ - Hàn?

Đình Tú |

Bộ Quốc phòng Mỹ cuối cùng cũng chấp nhận đề xuất của Seoul về mức tiền để trả lương cho nhân viên người Hàn Quốc theo Thỏa thuận về các biện pháp đặc biệt (SMA). Một lần nữa các nhượng bộ của 2 bên về SMA được cho là đã cứu nguy cho quan hệ Mỹ - Hàn.

Cái giá của 200 triệu USD

Lầu Năm Góc đã chấp nhận đề xuất để Hàn Quốc tài trợ chi phí lao động cho tất cả các nhân viên của USFK cho đến cuối năm 2020” - Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một thông cáo vào ngày hôm qua 3/6.

Theo đó, Hàn Quốc sẽ cung cấp hơn 200 triệu USD cho toàn bộ số lao động nước này đang làm việc cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) trong thời gian từ nay đến cuối năm 2020.”Quyết định này cho phép Hàn Quốc và Hoa Kỳ chia sẻ công bằng hơn về gánh nặng chi phí cho nhân viên”- Lầu Năm Góc nói với giới truyền thông.

“Quan trọng hơn, điều này tiếp tục thể hiện ưu tiên số một của Liên minh – vị thế phòng thủ kết hợp của chúng tôi”- phía Mỹ nhấn mạnh.

Trong khi đó, trong một tuyên bố sau khi thỏa thuận được ký kết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã coi hành động của phái Hàn Quốc là “việc nên làm và phải làm nếu muốn không phá vỡ một liên minh bền chặt giữa hai nước”.

“Hàn Quốc đã trả một số tiền đáng kể cho hoạt động quốc phòng và chúng ta đánh giá cao hành động đó của họ. Họ phải tôn trọng chúng ta bằng việc đóng góp” – Hãng tin Yonhap dẫn lời ông Trump.

Không chỉ “cứu nguy” cho liên minh Mỹ - Hàn, thỏa thuận này cũng là cứu cánh cho gần 9.000 nhân viên Hàn Quốc trong lực lượng USFK. Từ đầu tháng 4, họ đã phải nghỉ việc không lương vừa qua với lý do Thỏa thuận về các biện pháp đặc biệt (SMA) chưa được gia hạn.

Trong đó quy định khoản tài chính Seoul sẽ trả cho việc duy trì 28.500 lính Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc, bao gồm cả tiền lương của nhân viên Hàn Quốc. Phải đến cuối tháng, Hàn Quốc mới thông báo cho Mỹ về ý định trả tiền cho người lao động trước và sau đó khấu trừ số tiền từ bất kỳ khoản đóng góp tài chính nào mà hai bên đồng ý thực hiện theo SMA mới.

“Họ sẽ đi làm bình thường trở lại, chưa có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra cả” – truyền thông Hàn Quốc dẫn lời một quan chức chính phủ nước này cho biết.

Nhượng bộ lẫn nhau

Tuy nhiên, theo các chuyên gia chính trị về khu vực Đông Bắc Á, việc Hàn Quốc chi trả 200 triệu USD để cứu nguy liên minh Mỹ - Hàn cũng chỉ là biện pháp tạm thời cho đến khi SMA giai đoạn mới chính thức được ký kết sau khi hết hạn vào năm 2019.

Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ tài chính duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA, trong đó bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và một số hoạt động hỗ trợ khác.

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục kêu gọi các đồng minh, trong đó có Hàn Quốc đóng góp nhiều hơn nữa để chia sẻ chi phí quốc phòng với Washington.

Năm 2019, Seoul đã nhất trí với khoản đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm 2018. Nhưng đến đầu năm nay, Mỹ yêu cầu Hàn Quốc đóng góp 5 tỷ USD/năm để duy trì gần 30 ngàn lính Mỹ đồn trú, cao hơn 5 lần so với năm 2019.

Trong khi đó, vào tháng 2 vừa qua, Hàn Quốc đã đề xuất hai bên trước tiên giải quyết vấn đề tiền lương cho nhân viên USFK và sau đó sẽ đàm phán về SMA. Tuy nhiên, Washington phản đối ý tưởng này, tuyên bố điều đó sẽ “làm giảm đáng kể việc nhanh chóng đưa ra một SMA toàn diện và có thể chấp nhận được”.

Cho tới nay, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành 8 vòng đàm phán để gia hạn SMA song vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt. Các quan chức Mỹ đã nói với Reuters rằng trước cuộc bầu cử Quốc hội của Hàn Quốc vào tháng 4, Tổng thống Donald Trump từng từ chối lời đề nghị của Hàn Quốc về việc tăng mức đóng góp thêm ít nhất 13% so với hiệp định trước đó.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết sẽ làm việc với Mỹ để đạt được thỏa thuận SMA càng sớm càng tốtvề việc chia sẻ chi phí ở quy mô rộng hơn và “có tính chất ổn định hơn”. “Hoa Kỳ đã cho thấy sự linh hoạt đáng kể trong cách tiếp cận đối với cuộc đàm phán về SMA và đang yêu cầu Hàn Quốc làm điều tương tự”- đại diện Lầu Năm Góc nói với Reuters.

Tuy nhiên, để có một đồng thuận giữa Mỹ và Hàn, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xóa được khoảng cách và “độ vênh” trong quan điểm của cả 2 nước hay nói cách khác là cả 2 bên đều phải nhượng bộ lẫn nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại