Mấy tháng nay, cuộc sống của Nguyễn Phương Nga (sinh viên năm 2, Trường ĐH Mỏ Địa chất) vất vả hơn vì cái gì cũng tăng giá từ tiền nhà trọ cho đến tiền xăng, tiền thức ăn hàng ngày.
Nữ sinh này cho biết: "Ngày trước, em hoàn toàn có thể chi tiêu với khoản sinh hoạt phí tầm 4 triệu đồng/tháng bao gồm cả tiền thuê trọ và tiền xăng xe, ăn uống. Khoảng 3 tháng nay khi xăng dầu tăng giá liên tục kéo theo tiền thuê trọ, tiền thực phẩm hàng ngày cũng tăng... với số tiền đó em chỉ có thể chi tiêu trong khoảng 20 ngày là hết tiền”.
Nga kể, ngoài đi học ban ngày thì cô đi làm thêm tại quán cafe từ 5h chiều đến 10h đêm, đa số cô ăn cơm ngoài hàng và rất ít khi nấu nướng trừ hôm nào được nghỉ. Ngày trước, chỉ khoảng 40 nghìn đồng là nữ sinh này có một bữa ăn tàm tạm nhưng giờ giá ship cũng đẩy cao, giá cơm cũng tăng nên nếu đặt lẻ sẽ tốn khoảng 60 nghìn/ bữa.
Sinh viên có thói quen mua cơm ngoài hàng cũng phải tính toán để tiết kiệm hơn.
“Ngày nào bận quá không nấu được, ăn cơm ngoài thì em dành thời gian săn mã khuyến mãi. Hôm nào mưa, phí giao hàng tăng lên nhiều thì em chọn ăn tạm bánh mì hoặc mì tôm, cũng có những hôm ngồi tìm cả nửa tiếng mới chọn được quán khuyến mãi với giá phải chăng. Đặt càng nhiều càng giảm nên em thường đặt một lần 2 phần cho cả ngày ăn, và khi lấy đồ ăn không hết em để tủ lạnh để đảm bảo thức ăn không ôi thiu", Nga nói.
Để thích nghi với tình hình "bão giá", không ít sinh viên phải tiết kiệm ăn uống và cho biết sẵn sàng thay đổi thói quen để tiết kiệm chi phí.
Nguyễn Quang Long - sinh viên năm 3 trường Học viện Báo chí &Tuyên truyền cho biết bản thân đi làm thêm và đi học cả ngày nên đã quá quen với việc đặt mua đồ ăn trên mạng. Thế nhưng thời điểm này nam sinh buộc phải chọn cách tính toán chi tiêu, đi chợ nấu ăn để tiết kiệm một chút chi phí trong sinh hoạt.
Quang Long quyết định "ăn ghép" với bạn hàng xóm để tiết kiệm chi phí. |
“Ngày xưa em thường mua thức ăn bên ngoài và rất ít khi nấu ăn kể cả bữa sáng. Thế nhưng hiện nay mọi thứ đều đắt đỏ, nếu đặt qua ứng dụng giao hàng thì có những ngày em mất thêm 50 nghìn do phí ship khá cao, đồ ăn cũng tăng. Vì thế, để tiết kiệm em quyết định nấu ăn ở nhà, sáng thì ăn xôi hoặc ăn mì thay vì ăn bún phở và hôm nào thừa đồ ăn thì mang bảo quản tủ lạnh để hôm sau dùng tiếp.
Nếu em đến chỗ làm thì sáng em nấu đồ ăn mang đi, để tủ lạnh công ty rồi trưa ăn cho tiết kiệm”, Long nói.
Sinh viên này cũng lập bảng tính toán chi tiết để bản thân không chi tiêu quá đà, thậm chí sẵn sàng chuyển chỗ trọ hoặc tìm người ở ghép để tiết kiệm được cả chi phí ăn uống và chi phí thuê trọ.
Ngoài ra, Long còn tranh thủ săn mã giảm giá trên các sàn mua bán điện tử để được mua hàng với ưu đãi. Từ nước giặt, gia vị, vật dụng trong gia đình... nam sinh đều lên chợ mạng để tìm mua, mong tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.
Tuy vậy, nam sinh cũng không ít lần lâm vào cảnh “cháy túi” do lỡ tay tiêu quá đà vì mỗi lần đi ăn uống, cà phê với bạn bè cũng mất ngay mấy trăm nghìn đồng.
Giống như các trường hợp trên, Vũ Diễm Ngọc - sinh viên khoa Luật, Đại học Luật Hà Nội cũng phải điều chỉnh chi tiêu của mình khá nhiều.
Vũ Diễm Ngọc - sinh viên khoa Luật, Đại học Luật Hà Nội |
“Mặc dù em có may mắn hơn các bạn sinh viên khác là được ở cùng bố mẹ nên không phải lo lắng về khoản ăn uống, điện nước hằng ngày, tuy nhiên em cũng phải hạn chế việc ăn vặt cũng như đi chơi của mình lại.
Ví dụ như trước kia 1 tuần em sẽ “đóng họ” đều đặn cho quán cà phê khoảng 3-4 lần thì bây giờ thèm lắm em mới dám đi uống. Nhất là vừa rồi quán cà phê này còn tăng giá đồ uống từ 10 - 18% làm em cũng đắn đo.
Tuy nhiên thì việc tăng giá này không có nghĩa là em hạn chế gặp bạn bè hay tụ tập, chỉ là nếu có tụ tập bọn em sẽ chọn tự nấu hoặc ăn ở nhà nhau cho đỡ tốn chi phí khác”, Ngọc cho hay.