Tìm được ngành học yêu thích, nhận ra bản thân đã ‘nhầm’
Năm 2021, trượt đại học vì thiếu 0,25 điểm, Trịnh Thị Thanh Hoà (SN 2002) kể: "Lúc đó em rất buồn và cũng nhận ra do bản thân quá chủ quan".
Sinh ra trong một gia đình trí thức ở Hải Phòng khi có cả bố mẹ và chị gái đều là giảng viên đại học, Thanh Hoà được gia đình rất kỳ vọng, đặc biệt là trước ngưỡng cửa đại học.
Thanh Hoà chia sẻ: "Trong những năm học THPT, em rất thích ngành Du lịch. Thậm chí, ngay từ khi học lớp 11, em đã tìm hiểu về ngành học này và đặt nguyện vọng của mình vào trường ĐH KHXH&NV. Trong năm cuối của THPT, nguyện vọng và mong muốn của em chỉ hướng vào khoa Du lịch của Trường ĐH KHXH&NV thôi".
Thanh Hoà đang là sinh viên năm nhất theo học ngành Quản trị Thương hiệu của Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC
Lúc đó mọi sự quyết tâm của Hoà đều hướng vào khoa Du lịch của ĐH KHXH&NV. Dù thi được điểm khá cao nhưng do sơ sẩy một chút, Hoà đã trượt vì thiếu 0,25 điểm.
Do đặt mục tiêu cùng sự kỳ vọng cao vào ĐH KHXH&NV, Thanh Hoà bỏ qua cơ hội ở các trường đại học khác.
"Em đặt hết hy vọng vào khoa Du lịch của ngôi trường mà em mơ ước nên bỏ qua các nguyện vọng ở các ngôi trường khác. Em rất buồn vì trượt đại học, nhưng lúc đó cũng nhận ra do bản thân quá chủ quan", Thanh Hoà nhớ lại.
Thời điểm ĐH KHXH&NV công bố điểm, dù rất buồn nhưng Thanh Hoà đã quyết tâm thi lại thêm một lần nữa. Dù vẫn trúng tuyển vào ngành Du lịch tại ĐH Hải Phòng, nhưng Hoà chia sẻ nguyện vọng muốn thi lại với gia đình và nhận được sự ủng hộ của bố mẹ và chị gái.
Do bố mẹ đều là giảng viên đại học, cởi mở và gần gũi với con cái nên quyết tâm thi lại đại học cũng như việc chọn ngành học theo đuổi sau này của Hoà đều được bố mẹ ủng hộ.
"Bố mẹ tạo điều kiện cho em tự chọn ngành học, không bao giờ áp đặt vì đây là việc người học sau này là em và người sẽ đi làm với nghề nghiệp lựa chọn cũng là em. Do đó, tâm lý của em lúc đó khá thoải mái", Hoà vui vẻ chia sẻ.
Từ đó, Hoà duy trì việc học ở ĐH Hải Phòng, đồng thời tích cực ôn luyện để thi lại đại học vào năm sau. Tuy nhiên, vừa học vừa ôn thi quả thực không hề dễ dàng.
Có khoảng thời gian, Hoà từng muốn bỏ cuộc và đứng trước lựa chọn dừng học năm nhất đại học để chuyên tâm vào việc ôn thi. Cụ thể, vào tháng 1/2021, Hoà đang ôn luyện thi IELTS để xét tuyển, nhưng cùng lúc đó cũng đang diễn ra kỳ thi học kỳ 1 tại ĐH Hải Phòng.
"Hai kỳ thi cùng diễn ra trong vòng 1 tuần. Do đó, em cảm thấy rất căng thẳng vì quá tải. Đôi lúc em còn từng nghĩ rằng mình bỏ tất cả, theo học một trường cao đẳng nào đó với chuyên ngành Du lịch để bắt đầu lại. Nhưng sau đó nhờ thầy cô động viên, em vẫn vượt qua được khi cố gắng hoàn thành kỳ thi học kỳ 1, đồng thời nỗ lực thi IELTS", Hoà nhớ lại thời gian khó khăn từng khiến em muốn bỏ cuộc.
Sau khi thi xong học kỳ 1, tháng 1/2021, Hoà quyết định bảo lưu kết quả học tập tại ĐH Hải Phòng để tập trung thi lại.
Trong thời gian ôn thi lại, Thanh Hoà vô tình ‘like’ fanpage của ĐH Quốc gia Hà Nội. Một lần tình cờ thấy giới thiệu về ngành Quản trị Thương hiệu của Khoa Các khoa học liên ngành, Hoà bị hấp dẫn bởi chương trình đào tạo với những môn học thu hút.
"Em liên tục theo dõi các hoạt động, chia sẻ trên fanpage này và từ đó thay đổi quyết định thi lại vào ngành Du lịch. Một phần vì lý do dịch bệnh kéo dài, cùng với nhiều lời khuyên, em quyết tâm chọn ngành Quản trị Thương hiệu của ĐH Quốc gia Hà Nội trong mùa thi vào năm 2021 và nhận được những giải đáp từ thầy cô của Khoa Các khoa học liên ngành", Hoà cho biết.
Sau 1 năm ôn luyện, Thanh Hoà đã đỗ vào Khoa Các khoa học liên ngành với chuyên ngành Quản trị Thương hiệu tại ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ấn tượng với Hoà ngay từ những ngày trao đổi với em trên fanpage, ThS Vũ Thanh Ngọc, phụ trách Phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: "Riêng Hoà là 4 bộ hồ sơ vây toàn bộ các ngành của Khoa để chắc nhất khả năng đỗ. Đến giờ, bạn ấy vẫn thường chia sẻ với các bạn cùng lớp và các em học sinh đang hỏi tư vấn là: Chị chọn cách "bao thầu trọn gói" Khoa Các khoa học liên ngành".
"Thi đỗ được vào một ngôi trường top như ĐH Quốc gia Hà Nội khiến em rất vui. Trong năm học qua, em cảm thấy rất phấn khích khi được học chuyên ngành yêu thích, tiếp xúc với những bạn học giỏi, và từ đó biết mình ở đâu, ở chỗ nào để tiếp tục rèn luyện", Hoà vui vẻ chia sẻ.
Thi đỗ ĐH top đầu vẫn ở nhà ôn lại 1 năm
Lựa chọn ngành học theo đam mê hay chạy theo số đông là vấn đề khiến nhiều học sinh và phụ huynh băn khoăn. Ảnh: SISVNU
Cũng tương tự như Hoà, có một trường hợp sinh viên khiến chị Ngọc nhớ nhất vì quyết tâm theo đuổi ngành học đam mê đúng lúc, ngay cả khi đã đỗ một trường đại học thuộc top đầu. Chị Ngọc chia sẻ, bạn H. (SN 2002) là thủ khoa tại trường THPT của mình (ở Hưng Yên). Dù đã đỗ đại học vào 1 trường thuộc nhóm top đầu, nhưng bạn ấy quyết định không học, vì đó không phải là ngành bạn thực sự yêu thích, khẳng định đỗ và học sẽ không thấy hứng thú. Bạn H. quyết định bỏ qua và ở nhà ôn lại 1 năm.
Trong năm 2020, bạn biết tới 2 ngành của Khoa Các khoa học liên ngành. Lúc đầu H. chọn Quản trị Thương hiệu và tìm hiểu rất kỹ. Gần như ngày nào H. cũng dành ra 1-2h để nói chuyện với admin fanpage của Khoa, chia sẻ quan điểm, hỏi kinh nghiệm học tập, đặt nguyện vọng… Rồi đến khi bạn được chia sẻ thêm về ngành Quản trị Tài nguyên di sản.
H. thực sự reo lên: "Em bị mê ngành rồi ạ. Đây là điều em tìm kiếm. Em muốn làm điều gì đó vì di sản của quê em. Nhưng em mới chỉ nghĩ tới làm thương hiệu thôi. Giờ em mới biết em có thể học sâu hơn và làm được nhiều hơn".
H. tâm sự những khủng hoảng tâm lý khi quyết định từ bỏ cơ hội đỗ ĐH năm 2020 để thi lại vào đúng ngành mình yêu thích, bị gia đình nặng nhẹ trách móc, bị bạn bè nói ngông, thầy cô thì tiếc nuối… Nhưng H. nói: "Em không thể ép bản thân học thứ mình không thích và không nắm bắt được nó. Em biết mình học tốt, vậy tại sao em không được phép tự cho em 1 cơ hội làm tốt hơn".
Vốn là một thủ khoa THPT, đam mê với khối C, trong kỳ thi năm 2021, H. đạt điểm cao và đỗ vào ngành Quản trị Tài nguyên di sản. Hiện nay, H. đang là sinh viên năm nhất của Khoa Các khoa học liên ngành (ĐH Quốc gia Hà Nội) và cũng là một trong những sinh viên được các thầy cô quý mến bởi sự tìm tòi, học hỏi của mình.
Tách mình ra khỏi trào lưu
Dám đi ngược lại định kiến, không "chạy ào ào" theo trào lưu để tự phân tích cho tương lai của mình, có lẽ là một hành trình đầy thú vị của chàng trai trẻ Vũ Xuân Hiếu (SN 2003), quê Yên Bái, sinh viên năm nhất khoa Quản trị Tài nguyên di sản - Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Xuân Hiếu chia sẻ, bố mẹ định hướng cho bạn phải đi theo ngành Luật, vì bố mẹ có nhiều cơ hội hỗ trợ xin việc cho các con sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, lực học của Hiếu không quá tốt và lại thường... phản kháng với những gì bố mẹ sắp đặt. Từ giáo viên chủ nhiệm tới bố mẹ đều tin rằng Hiếu không đỗ đại học, khuyên Hiếu chỉ có thể vào cao đẳng.
Xuân Hiếu hiện đang là sinh viên năm nhất ngành Quản trị Tài nguyên di sản, Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, vô tình một lần Hiếu xem được đề án tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội, và thấy có Khoa Các khoa học liên ngành - một khoa mới. Từ đó, Hiếu bắt đầu tìm hiểu về các ngành của Khoa và nhận thấy đây đều là những ngành mới, có nhu cầu tuyển dụng cao, nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Hiếu đã chủ động đi đọc hết các thông tin nghề nghiệp liên quan tới 2 ngành của Khoa, đồng thời tự lập một bảng phân tích các ngành giống hệt/tương tự 2 ngành của Khoa, về học phí, về phương thức tuyển sinh và môn học, và sau đó đi hỏi tư vấn của từng đơn vị.
"Môi trường học tập ở ĐH Quốc gia Hà Nội cũng là một trong những nơi top đầu của cả nước nên bố mẹ khá ủng hộ vì em tự lựa chọn được ngành học phù hợp với bản thân mình. Vả lại, mình là người học chứ không phải bố mẹ mình là người học", Hiếu cười.
Sau khi tìm hiểu, Hiếu chia sẻ bản thân em rất mê ngành học này. Rất thích đi đây đi đó và yêu thích môn lịch sử ngay từ cấp 2, nên lựa chọn ngành Quản trị Tài nguyên di sản là phù hợp với em.
Ngoài ngành Quản trị Tài nguyên di sản, Hiếu cũng lựa chọn thêm các phương án dự phòng trong kỳ thi Đại học năm 2021. Đó là ngành Chính trị học tại ĐH KHXH&NV và ngành Luật của ĐH Công đoàn và đều đỗ.
"Em cố gắng sắp xếp các nguyện vọng với phổ điểm từ trên cao xuống thấp để phù hợp và không trượt đại học.
Thời điểm biết tin mình đỗ vào ngành Quản trị Tài nguyên di sản của Khoa Các khoa học liên ngành, em cảm thấy rất vui vì đây cũng là mục tiêu của em trong kỳ thi năm 2021, đồng thời nhận được sự ủng hộ của gia đình sau khi thuyết phục", Hiếu nhớ lại.
Thay đổi từng ngày vì theo học ngành đam mê
Thanh Hoà chia sẻ, sau khi học đại học 1 năm, đồng thời tham gia vào nhiều hoạt động trong các CLB của Khoa và ĐH Quốc gia Hà Nội, em trở nên năng động hơn, giao tiếp tốt hơn, đồng thời biết rõ bản thân mình đang thiếu gì và cần phải trau dồi thêm những gì.
"Em dự định sau khi tốt nghiệp sẽ làm marketing cho các công ty. Tuy nhiên, hiện tại em vẫn đang học năm nhất và chặng đường phía trước em còn phải học hỏi rất nhiều. Sau 1 năm học, em cũng nghĩ đến hướng tự xây dựng thương hiệu cho bản thân sau này. Em muốn trau dồi khả năng giao tiếp và một số kỹ năng khác", Hoà vui vẻ chia sẻ về dự định của bản thân trong thời gian tới.
Từ một cậu học sinh khá nhút nhát, sống hướng nội, ít tham gia các hoạt động tập thể, Xuân Hiếu giờ đây trở thành chàng sinh viên năng động, hoạt động rất năng nổ trong các CLB của Khoa, hỗ trợ tư vấn tuyển sinh và rất tự tin vào ngành nghề của mình.
"Sau khi học ở đây 1 – 2 tháng và về quê thăm nhà, bố mẹ cũng nhận thấy sự thay đổi của em khi có tư duy mở hơn và khả năng giao tiếp tốt hơn", Hiếu kể.
Định hướng của Hiếu sau khi ra trường là sẽ làm việc theo ngành học của mình, đó là làm truyền thông về lĩnh vực di sản. "Trong thời gian tới, em sẽ cố gắng trau dồi khả năng tiếng Anh, cũng như tham gia thực tập ở những đơn vị chuyên về di sản để có thêm những kiến thức phục vụ cho ngành học và công việc sau này", Hiếu vạch rõ mục tiêu trong những năm học tiếp theo tại ngôi trường ĐH Quốc gia Hà Nội.
Chia sẻ về hành trình của bản thân đã trải qua, cả Thanh Hoà và Xuân Hiếu đều đồng nhất quan điểm và gửi lời nhắn nhủ tới các bạn học sinh đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học, đó là:
4 năm đại học không thể... học đại! Hãy mạnh dạn chọn ngành học phù hợp với sở thích, đam mê, tính cách của bản thân. Hãy tự tin, cố gắng hết mình và giữ tâm lý thoải mái nhất khi đi thi để đạt được kết quả tốt nhất.
Chọn Ngành Thông Thái là tuyến bài nhằm góp một phần nhỏ vào hành trình hỗ trợ hướng nghiệp cho các bạn trẻ trước ngưỡng cửa tương lai.
Những người thành công, hạnh phúc trong xã hội thường là những người quyết liệt theo đuổi đam mê, hiểu rõ sở trường sở đoản của mình, không ngừng lao động và vượt khó, nhằm tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp nhất cho bản thân, gia đình và xã hội. Mời độc giả theo dõi tuyến bài tại đây.