Tám sinh viên ở bang New South Wales (NSW) đã trở thành mục tiêu của các vụ lừa đảo "bắt cóc ảo" trong năm nay. Người thân của họ đã phải trả tổng cộng 2,3 triệu USD tiền chuộc, cảnh sát nói trong một tuyên bố.
Cha của một sinh viên Trung Quốc 22 tuổi đang học ở Sydney đã phải chi 1,4 triệu USD sau khi nhận được một đoạn video cho thấy con gái ông bị trói ở một địa điểm không xác định.
Một gia đình khác ở Trung Quốc đã trả hơn 14.000 USD sau khi nhận được video ghi lại cảnh con họ bị trói và bịt mắt thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat. Cô gái đã được cảnh sát NSW tìm thấy an toàn trong một phòng khách sạn.
Cảnh sát NSW nói những kẻ lừa đảo đã nhắm vào các thành viên dễ bị tổn thương trong cộng đồng gốc Hoa, chẳng hạn như sinh viên sống xa bạn bè và gia đình trong một môi trường xa lạ.
Hiện có khoảng 165.000 sinh viên Trung Quốc tại Úc, mặc dù con số này có thể thấp hơn do đại dịch coronavirus; Con số thường dao động trong khoảng 200.000 đến 210.000, theo số liệu của chính phủ Úc.
CNN dẫn lời giới chức Úc nói về mánh khóe của bọn lừa đảo: Đầu tiên, chúng thực hiện các cuộc gọi đến các số ngẫu nhiên, thường nói bằng tiếng Trung phổ thông. Việc này hoạt động như một loại bộ lọc - người Úc không hiểu tiếng Trung thường cúp máy, trong khi sinh viên Trung Quốc trả lời bằng tiếng Trung phổ thông.
Sau đó, những kẻ lừa đảo tự xưng là đại diện một cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc, chẳng hạn như một thành viên của đại sứ quán hoặc cảnh sát Trung Quốc. Kẻ lừa đảo nói nạn nhân có liên quan một tội ác ở Trung Quốc và cảnh báo nạn nhân sẽ có thể bị dẫn độ về Trung Quốc để đối mặt với các cáo buộc hình sự tại tòa án, hoặc thậm chí đe dọa khởi tố gia đình họ nếu không hợp tác.
Những kẻ lừa đảo thường sử dụng công nghệ để che giấu vị trí thực của chúng và lập trình số máy chủ, vì vậy có vẻ như cuộc gọi đến từ chính quyền Trung Quốc. Nếu nạn nhân tra cứu số điện thoại của người gọi, nó sẽ khớp với số cảnh sát Trung Quốc hoặc đại sứ quán, tiến sĩ Lennon Chang, giảng viên cao cấp về tội phạm học tại Đại học Monash của Úc nói.
Vụ lừa đảo sau đó có thể đi theo hai hướng. Trong một kịch bản, nạn nhân bị ép buộc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng nước ngoài.
Trong kịch bản khác, các nạn nhân bị thuyết phục tạo hiện trường giả một vụ bắt cóc mà sinh viên là nạn nhân, và gia đình của họ bị ép chi tiền. Trong trường hợp này, những kẻ lừa đảo ra lệnh cho nạn nhân ngừng liên lạc với gia đình và bạn bè, thuê một phòng khách sạn với lý do để bảo vệ an toàn của chính họ. Nạn nhân được yêu cầu chụp ảnh mình bị trói và bịt mắt - sau đó những hình ảnh này được gửi đến gia đình nạn nhân.
“Sinh viên quốc tế là nhóm dễ bị tổn thương bởi vì họ không có sự hỗ trợ thực sự ở đất nước này”, ông Chang nói. “Đối với loại lừa đảo này, (nạn nhân) không có nhiều kinh nghiệm với xã hội, vì vậy họ có thể tin rằng người gọi là “nhân viên đại sứ quán”.
Sinh viên quốc tế là những “con mồi ngon” vì họ có chỗ ở (tại Úc) và gia đình ở đất nước họ, ôngChang nói. Đối với những kẻ lừa đảo, một nạn nhân tốt là “người có mối liên hệ tốt với mọi người ở Trung Quốc, đã rời khỏi Trung Quốc trong một thời gian dài”.
Năm ngoái, đã có 1.172 báo cáo về các vụ lừa đảo qua điện thoại với cái mác “chính quyền Trung Quốc” trên khắp nước Úc. Các nhà chức trách nói những kẻ lừa đảo đặc biệt nhắm vào các sinh viên Trung Quốc, nhưng chúng cũng đã thử đối với sinh viên các nước không nói tiếng Anh khác. Các vụ lừa đảo tương tự nhắm vào sinh viên Trung Quốc cũng đã được báo cáo trên khắp nước Mỹ.