Nhóm sinh viên Trường đại học Lạc Hồng thiết kế bộ sản phẩm mắt kính, cây chỉ đường cho người khiếm thị - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đây là một trong nhiều sản phẩm thú vị được hơn 100 sinh viên trên cả nước đem đến trình bày theo hình thức gọi vốn ở American Center, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM sáng 19-8.
Sự kiện là một phần trong dự án "Thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ" (BUILD-IT), được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Đại học Bang Arizona (ASU) và Chương trình STEM của Dow Việt Nam.
Với sáng chế trợ giúp người khiếm thị gửi đến những nhà đầu tư, sinh viên Trương Quốc Khánh - Trường đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), trưởng nhóm dự án - cho biết sản phẩm bao gồm 2 dụng cụ chính là mắt kính và cây chỉ đường.
Hai dụng cụ đều được tích hợp các bộ cảm biến, có thể hoạt động độc lập và dễ dàng nhận biết các vật cản phía trước mặt trong bán kính 70cm.
Cụ thể với kính đeo, sau khi phát hiện được vật cản, cảm biến sẽ truyền tín hiệu đến một phần đặc biệt trong bộ điều khiển. Mắt kính sẽ rung nhẹ nhằm cảnh báo cho người khiếm thị đeo kính có vật thể ở hướng phía trước.
Trong khi đó, cây chỉ đường có kích thước gọn nhẹ, khoảng 30cm. Người khiếm thị có thể cầm gọn gàng trên tay thay vì dùng những gậy dò đường "truyền thống". Công cụ được tích hợp bộ cảm ứng giúp phát hiện vật cản và có thể phát âm thanh cảnh báo nguy hiểm nếu có.
Mắt kính có cảm biến của nhóm sinh viên Trường đại học Lạc Hồng - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Khánh cho biết hiện tại chi phí để nhóm của bạn hoàn thiện một bộ thiết bị vào khoảng 500.000 đồng, khá tiết kiệm so với một vài dòng sản phẩm tương tự trên thế giới. Nhóm sẽ tiếp tục nâng cấp các phiên bản tiếp theo để tối ưu hóa chi phí.
"Nhóm tụi mình đã dành tặng một số bộ sản phẩm cho người khiếm thị ở Đồng Nai và nhận được phản hồi rất tốt. Ngoài chuyện kinh doanh, với những người khiếm thị cần sự trợ giúp, tụi mình sẽ hỗ trợ sản phẩm miễn phí" - Khánh cho biết.
Ngoài bộ mắt kính hỗ trợ người khiếm thị, buổi trình bày gọi vốn còn thu hút được nhiều dự án mới lạ.
Có thể kể đến như phiên bản áo mưa kết hợp áo phao cho ngư dân của nhóm sinh viên Trường đại học Cần Thơ, sản phẩm áo nổi ngăn trẻ em đuối nước của Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), hay máy đếm nhịp tim của Trường đại học Sư phạm - kỹ thuật TP.HCM…
Sản phẩm trà từ loài cây dại assamica của nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Sinh viên Nguyễn Long Hoàng cùng các bạn trong ngành kỹ thuật hóa học Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) trình bày trước những "nhà đầu tư" sản phẩm trà túi lọc từ hạt của cây lục lạc lá ổi dài (tên thương phẩm: trà assamica).
Hoàng chia sẻ tình trạng căng thẳng ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng, ngược lại những loại thuốc Tây an thần thường đi kèm với một số tác dụng phụ.
Trong một lần tham quan vùng dược liệu ở tỉnh Lâm Đồng, nhóm nhận thấy cây assamica được nhiều dân bản địa sử dụng nhưng số lượng các nghiên cứu khoa học về nó còn quá ít.
Nhóm lập tức nhóm bắt tay nghiên cứu thành phần và chiết xuất các tinh chất của cây assamica. Sản phẩm sau cùng nhóm thu được là một loại trà assamica có thể nhân rộng trên thị trường.
Hoàng cho biết sản phẩm đã được một số cơ quan chức năng cấp các giấy chứng nhận về sức khỏe. Nhóm đang khởi động chuyển sang bước thương mại hóa ra thị trường.
Nhóm sinh viên với sản phẩm áo nổi cho trẻ em từ Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Theo Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, dự án BUILD-IT đến nay đã tận dụng hơn 7 triệu USD do doanh nghiệp đóng góp để hỗ trợ các trường đại học Việt Nam đổi mới chương trình giảng dạy, áp dụng những công nghệ, dự án học tập mới,…
Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là đảm bảo các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp phát triển được những kỹ năng về kỹ thuật và kỹ năng mềm cần thiết để trở thành nguồn nhân lực giúp thúc đẩy Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới.