Sinh viên đi thuê trọ có rất nhiều điều oái oăm phải đối mặt hàng ngày. Nếu không phát điên vì thói ki bo, tính toán chi ly của bạn cùng phòng thì cũng gặp phải vô vàn nỗi thống khổ khi đối mặt với những chủ nhà "tai quái".
Thế mới nói, đi ở trọ là những câu chuyện chẳng bao giờ kể hết!
Cô sinh viên bị chủ trọ "chém đẹp" 11 triệu đồng sau khi trả phòng?
Nhiều sinh viên đã xác định khi đi thuê trọ thì "quyền lực" sẽ nằm trong tay chủ trọ. Dù đúng dù sai thì trên danh nghĩa của kẻ đi thuê, nhiều bạn vẫn không thể cãi lại được những khoản "luật rừng" mà chủ nhà đưa ra.
Dẫu biết là thế, nhưng khi nghe chuyện một nữ sinh phải chịu cảnh "chặt chém" những... 11 triệu đồng trả phòng sau 2 năm thuê trọ khiến nhiều người phát hoảng.
Dòng trạng thái kèm tờ giấy liệt kê các khoản đền bù khiến nhiều sinh viên phát hoảng. Nguồn: Facebook
Bức ảnh chụp lại 1 tờ giấy liệt kê các khoản tiền đền bù "hỏng và sửa chữa", mà nhìn thoáng qua chẳng khác gì một tờ... sớ.
Trên đó chỉ ra 10 đề mục nhỏ với giá thấp nhất là 100.000 đồng cho... 1 chiếc cốc đánh răng và cao nhất lên đến 6 triệu đồng tương ứng với phí dịch vụ chung cư.
Ngoài ra còn có đủ thứ chi phí khác như thay ổ khóa, thay kính, dọn tủ lạnh, sơn lại tường, thay ghế sofa,...
Ngay sau khi được chia sẻ, câu chuyện trên đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, nhất là các bạn sinh viên cũng đang phải đi thuê trọ.
Bên cạnh thái độ cảm thông, cho rằng chủ nhà đã cố tình "làm khó" nữ sinh với mức giá đền bù "trên trời", nhiều người cũng lên tiếng rằng khoản tiền đó là hợp lý vì giá thuê chung cư không hề rẻ và đây cũng là cách để chủ trọ "làm mẫu" cho những trường hợp ở trọ không có ý thức giữ gìn.
Nhiều sinh viên thường chọn các dãy trọ nối dài san sát nhau với giá cả phải chăng.
Chưa vội phán xét ai đúng ai sai trong chuyện này nhưng những rắc rối mà nhiều sinh viên đi thuê trọ gặp phải vẫn đang diễn ra thường xuyên.
Đây cũng không phải là lần đầu những cú "bóc phốt" chủ trọ được "bày ra trước thiên hạ" thông qua các trang mạng xã hội.
Nhiều sinh viên khi đi thuê trọ thường không ký hợp đồng với chủ nhà, mọi thứ liên quan đều chỉ thỏa thuận, giao kèo bằng miệng.
Do đó đến lúc muốn chuyển đi, mọi việc xoay quanh hợp đồng cùng những khoản đền bù kéo theo khiến nhiều bạn sinh viên "dở khóc dở cười".
Căn phòng nhỏ nhắn khá đầy đủ thiết bị dành cho hai bạn sinh viên.
1.001 chuyện tai quái "từ trên trời rơi xuống" chỉ chủ trọ mới nghĩ ra!
Quỳnh Mai (SV năm 3, Đại học Ngoại Thương Hà Nội) thuê trọ cùng bạn thân ở phố Chùa Láng cho biết, ngày mới thuê phòng giữa 2 bạn và chủ nhà có ký với nhau 1 bản hợp đồng quy định khá chi tiết các điều khoản liên quan.
Được hơn 2 năm, Mai cùng bạn muốn chuyển nhà đã gặp phải chuyện mà chẳng bao giờ "muốn nhớ lại".
"Chúng mình có báo chuyển đi trước 1 tháng nhưng khi xuống nói chuyện thì cô chủ không hợp tác lắm.
Cô bắt tụi mình phải tìm được người thuê thay thế, nhưng sau cô tự tìm được rồi thì ép chúng mình phải chuyển đi mau.
Cô cũng bảo là dù báo trước nhưng sẽ không được hoàn lại đủ tiền đặt cọc như trong hợp đồng, ngoài ra còn phát sinh khoản đền bù 500.000 rất vô lý nữa".
Trong câu chuyện với Mỹ Linh (sinh viên năm nhất, ĐH Thương Mại), nữ sinh cho biết dù mới ra Hà Nội sinh sống gần 1 năm nay nhưng đã cùng bạn thân chuyển nhà đã 2 lần.
Mỗi lần chuyển đến phòng mới đều ký hợp đồng cẩn thận với chủ nhà nhưng cũng không tránh được tình trạng "chặt chém" vô tội vạ.
"Trước khi thuê phòng chúng mình có 1 bản kê khai tài sản, trong đó có 1 chiếc máy hút bụi ghi giá hơn 10 triệu nhưng trong quá trình sinh sống, hai đứa mình chưa hề đụng đến.
Ngày thanh lý hợp đồng, cô chủ nhà yêu cầu chúng mình đền bù khoản tiền 10 triệu đó vì máy hút bụi kiểm tra có dấu hiệu hỏng hóc.
Thực sự làm sao biết được nó có hỏng trước khi 2 đứa mình chuyển đến hay không?".
Những sinh viên có hợp đồng thuê trọ hẳn hoi còn bị "chặt chém" không thương tiếc thì với trường hợp không có bất kỳ 1 loại giấy tờ pháp lý nào thì câu chuyện còn "bi đát" hơn thế.
Tất cả các loại tài sản giá trị như bộ bàn ghế, điều hòa,...
... máy giặt đều được kê khai trong hợp đồng thuê nhà.
"Hồi mình đến thuê phòng không có ký hợp đồng gì hết, tiền điện nước bà chủ tự thông báo với mỗi phòng hàng tháng.
Khi thấy số tiền giữa các phòng chênh lệch nhau, mình mới thắc mắc thì bà chủ bảo là do có... 2 nguồn nước khác nhau", Anh Tuấn (SV năm cuối ở Hà Nội) chia sẻ.
Và còn đó nào là chuyện giá dịch vụ cao "ngất trời" mà thực sự chất lượng lại cực tỷ lệ nghịch, những khoản tiền phạt vô lý "từ trên trời rơi xuống",...
Sự thật là dù có hợp đồng hay không, nhiều bạn trẻ vẫn rơi vào những tình cảnh "éo le" như thế. Bình thường thì không sao nhưng hễ các bạn muốn chuyển nhà thì đều phải đối mặt với những khoản đền bù "trời ơi đất hỡi".
Đọc kỹ bản hợp đồng cho thuê trước khi đặt bút ký!
Ở trọ và bắt đầu cuộc sống tự lập chưa bao giờ là dễ dàng đối với bất kỳ bạn sinh viên nào, ngay cả với những người đã đi làm.
Vì vậy trước khi ở trọ các bạn nên tìm hiểu kỹ địa điểm rồi mới thuê. Đừng thuê nhà quá vội vàng mà hãy dành khoảng thời gian quan sát kỹ về nơi ở và nấu ăn, phơi quần áo, để xe cộ trong khu nhà bạn muốn thuê, vấn đề an ninh cũng rất quan trọng.
Nhiều sinh viên khẳng định rằng hợp đồng là vô cùng cần thiết, trên đó cần kê khai chi tiết mọi điều khoản và được sự thỏa thuận giữa 2 bên.
Để có thể, trong những trường hợp xấu nhất đó sẽ là "lá bài" bảo vệ sinh viên trước những khoản "chặt chém" phụ thêm của chủ nhà.
Nếu không may rơi vào hoàn cảnh "trớ trêu" như các bạn sinh viên trên, xin đừng im lặng! Hãy thông báo ngay với gia đình, bố mẹ hay người thân để tìm cách giải quyết thỏa đáng với phía chủ trọ.
Thường 1 bản hợp đồng thuê nhà sẽ dẫn chiếu đến nhiều nguồn luật khác nhau nhằm xử lý các tranh chấp nếu có.
Nghĩa vụ và quyền lợi các bên được nêu ra hết sức rõ ràng.
Cam kết cũng được 2 bên thỏa thuận và ký phát.
Việc phải đối phó với hàng loạt những chiêu trò của chủ trọ tuy không vui vẻ gì cho cam nhưng cũng là những bài học đầu đời, là những kinh nghiệm xương máu cho các bạn sinh viên khi bắt đầu cuộc sống tự lập.