Để trang trải cho việc học, nhiều sinh viên ngoại tỉnh vào các thành phố lớn thường tìm kiếm các công việc làm thêm.
Mức lương từ các công việc này sẽ giúp các bạn có thêm chi phí sinh hoạt, có tiền đóng học phí đỡ đần cho gia đình ở quê nhà. Thông thường, những công việc được các sinh viên lưu tâm là phục vụ trong các cửa hàng dịch vụ ăn uống như cà phê, tiệm bánh,..
Tuy chỉ là công việc part time, nhưng hẳn vẫn sẽ có những khó khăn bủa vây không thua kém những công việc full time khác. Những vấn đề phát sinh xoay quanh công việc từ đồng nghiệp, môi trường làm việc,... đôi khi sẽ trở thành rào cản cho công việc làm thêm của các bạn.
Mới đây, trên trang confession Bách - Kinh - Xây của các sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, một sinh viên năm nhất vừa mới chân ướt chân ráo lên Hà Nội, xin việc làm thêm đã gặp phải tình huống trớ trêu khi gặp cảnh "ma cũ bắt nạt ma mới".
Ảnh minh họa (Nguồn: Pinterest)
Nguyên văn đoạn chia sẻ như sau:
Em là sinh viên năm nhất mới lên Hà Nội để kiếm việc vừa học vừa làm. Đại đa số anh chị cũng đi làm thêm để kiếm chút thu nhập trang trải cuộc sống đúng không ạ?
Em không biết chỗ làm của mọi người có tồn tại tình trạng "ma cũ bắt nạt ma mới" như chỗ em làm không? Em tự hỏi đều là người cùng làm với nhau, đều xuất phát điểm là những sinh viên đi làm thêm mà tại sao nhiều người bây giờ vẫn còn cái tư tưởng "ma cũ bắt nạt ma mới" thế nhỉ?
Tất cả đều đảm nhiệm vị trí ngang nhau, đều làm từng ấy thời gian, lương cũng nhận bằng nhau mà bọn họ luôn sai em làm hết việc nọ tới việc kia, trong khi công việc duy nhất của họ là quơ quơ khua khoắng tí bụi bặm ở mấy cái bàn. Em mà nói lại là tất cả sẽ xúm vào chỉ trích nói này nọ đúng giọng "mẹ thiên hạ, bố thiên nhiên, bà nội vũ trụ" kiểu *** thích thế đấy còn *** không thích thì có thể nghỉ!
Rồi nói ông chủ cũng như không bởi dĩ nhiên là ông ấy tin tưởng lũ nhân viên cũ hơn 1 đứa mới vào như em rồi, vả lại 1 lời nói của em sao có sức thuyết phục bằng lời của cả 1 hội đồng.
Cay cú là thế mà em vẫn phải cố gắng cắn răng bám trụ để có tiền nộp học.
Rõ ràng cùng là những người đi làm công như nhau nhưng tại sao mọi người không thể thông cảm, giúp đỡ, chung sống hoà bình mà lại cứ có thói quen tị nạnh, bắt bẻ nhau từng tí thế ạ?
Ảnh minh họa (Nguồn: Pinterest)
Tình huống trên có lẽ là điều không hiếm gặp khi đi làm, nhất là đối với những bạn trẻ bắt đầu trải nghiệm cảm giác kiếm tiền thì điều này càng dễ xảy ra.
Qủa thật, tình trạng những nhân viên cũ đã gắn bó lâu năm với nơi làm việc thường được tin tưởng hơn và ít nhiều sẽ thân thiết với nhau, do vậy dễ hiểu khi chuyện lập hội chia nhóm diễn ra. Nhiều người tỏ ra đồng cảm với chàng tân sinh viên còn khá non nớt:
"Em còn có thể bỏ công việc ấy còn tôi thì là sinh viên năm cuối đang đi thực tập bị đàn chị trong nghề chèn ép đến mức tiến thoái lưỡng nan!"
"Ở đâu cũng có những thành phần đấy em ạ chứ không phải chỉ đi làm thêm mới gặp, chị ra trường mấy năm rồi giờ đi làm vẫn bị đè đầu cưỡi cổ đây!"
"Mình cũng đã từng trong hoàn cảnh ấy vấn đề mấu chốt là cả nhân viên cũ và quản lý cùng 1 phe nên bản thân thật sự khó sống. Lúc đấy cũng muốn cố gắng để lấy tý tiền trang trải. Cơ mà cuối cùng cố 4 tháng trời vẫn phải nghỉ!"
Ảnh minh họa (Nguồn: Pinterest)
Những sinh viên lần đầu bước chân vào đại học cần lưu ý, khi tìm việc làm thêm cần chú ý đừng ham việc nhẹ lương cao hay những JD công việc tưởng chừng xịn xò vì nó có thể đánh lừa các bạn.
Khi tìm thấy một công việc ưng ý, bạn có thể tìm hiểu môi trường và văn hóa làm việc thông qua các tài khoản mạng xã hội mà nơi ấy cung cấp hoặc tốt hơn, bạn có thể tìm hiểu từ những mối quan hệ quen biết đã từng có kinh nghiệm và từ những nhân viên cũ của nơi ấy để chắc chắn đó là chỗ thuận lợi để bạn vừa có thể làm thêm nhưng không bị chi phối bởi các vấn đề khác, gây xao nhãng việc học.