Nhóm sinh viên gồm Lê Ngọc Tuấn Anh, Nguyễn Đình Chiến và Trần Tiến Anh (Khoa Cơ - Điện tử của Trường Đại học Lạc Hồng) đã chế tạo thành công xe đua Go-kart (F1 mini) chạy 2 loại nhiên liệu xăng và điện.
Công nghệ hybrid
Chế tạo xe đua F1 chỉ với 20 triệu đồng dường như là điều không tưởng. Đặc biệt hơn, thay vì chỉ chạy bằng xăng, nhóm sinh viên gồm Lê Ngọc Tuấn Anh, Nguyễn Đình Chiến và Trần Tiến Anh (Khoa Cơ - Điện tử của Trường Đại học Lạc Hồng) đã chế tạo thành công xe đua Go-kart (F1 mini) chạy 2 loại nhiên liệu xăng và điện.
Trưởng nhóm Lê Ngọc Tuấn Anh cho biết, chiếc Go-kart nhóm chế tạo sử dụng động cơ hybrid, trong đó máy xăng của xe Honda GX200, là loại xi-lanh đơn 4 thì, dung tích 196 phân khối.
Mô tơ điện là loại xoay chiều, công suất tối đa 1 kW. Xe đạt tốc độ tối đa 75 km/h. Chiếc xe do nhóm chế tạo đã chạy 68 km, tiêu hao hơn 3 lít xăng. Nguồn điện cho động cơ điện tích hợp trong pin lithium 48V thời gian sử dụng 40 phút.
Mô hình xe hybrid gồm các bộ phận như động cơ đốt trong, động cơ điện, hộp số CVT, hộp số lùi, cơ cấu lái, phanh, hệ thống điện, truyền tải... Khung xe, bệ đỡ động cơ làm bằng sắt, cơ cấu truyền động làm bằng nhôm, hộp đựng thiết bị điện làm bằng nhựa... được thiết kế giúp khả năng đạt tốc độ cao. Xe có chiều dài 1,5m, rộng 1m, cao 1,2m, nặng khoảng 200kg.
Tuấn Anh cho biết, hiện xe hoạt động hai động cơ cùng lúc. Động cơ hybrid hay còn gọi là động cơ xăng lai điện, nghĩa là kết hợp sử dụng 2 bộ truyền động, một động cơ chạy xăng và một mô tơ chạy điện.
Đây là một giải pháp để đáp ứng những đòi hỏi khắt khe ở các nước phát triển về tiêu chuẩn khí thải và đặc biệt là nhằm giảm tối đa mức tiêu thụ nhiên liệu.
Xe hybrid được chế tạo để kết hợp động cơ xăng và động cơ điện một cách hợp lý nhằm đạt được những yêu cầu khác nhau như: Cải thiện mức tiêu hao nhiên liệu, gia tăng sức mạnh hoặc cung cấp thêm năng lượng cho những thiết bị điện tử và tiện nghi trên xe...
Sắp tới, nhóm tiếp tục phát triển bộ điều chỉnh tự động theo vận tốc và thao tác người lái để luân phiên sử dụng động cơ xăng và điện tương tự các loại ô tô hybrid trên thị trường.
“Nhóm từng làm thử bộ điều chỉnh này nhưng nó không hoạt động theo ý muốn nên sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thời gian tới”, Tuấn Anh nói.
Việc kết hợp giữa động cơ đốt trong và động cơ điện sẽ giúp khởi động xe nhanh hơn, cũng như đạt tốc độ cao trong thời gian ngắn.
Theo tính toán, xe có giá khoảng 20 triệu đồng, trong khi một số sản phẩm cùng loại trên thị trường có giá khoảng 30 triệu đồng. Nhóm kỳ vọng mức chi phí hợp lý cùng với sự phát triển các đường đua tại Việt Nam, sản phẩm có thể đến với nhiều người đam mê trở thành tay đua F1.
Xe ít khói thải
Go-kart là xe đua bốn bánh nhỏ, xuất xứ ở Mỹ trong những năm 1950, sau đó phổ biến ở nhiều nước châu Âu. Đây được coi là loại xe “nhập môn” của những tay đua F1 khi họ sử dụng để tập luyện và lái trên đường đua.
Tại Việt Nam, vài năm trở lại đây đã hình thành những trường đua tại Bình Dương theo chuẩn quốc tế dành cho Go-kart.
Go-kart sở hữu các phiên bản đa dạng, từ những mẫu xe không động cơ cho đến những cỗ máy đua trang bị công suất lớn, có khả năng vượt cả mô tô hay ô tô trên các chặng đua đường dài.
Đua xe Go-kart còn được biết đến là một môn thể thao tốc độ có lịch sử lâu đời trên thế giới và đến nay vẫn liên tiếp được tổ chức cũng như nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giới yêu xe. Hiện nay, các giải đua xe này ngày càng phát triển với những quy mô khác nhau được tổ chức.
Theo TS Hoàng Ngọc Tân, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Lạc Hồng, công nghệ hybrid đã được phát triển trên nhiều dòng ô tô trên thị trường. Tuy nhiên, với dòng xe F1 mini chưa có nhiều đơn vị trong nước ứng dụng.
TS Hoàng Ngọc Tân cho rằng, việc nhóm đưa ý tưởng sử dụng công nghệ hybird trên xe F1 mini là rất đáng khích lệ. Việc sử dụng hai nguồn năng lượng giúp xe thải ít khói hơn, nhưng để đánh giá yếu tố tiết kiệm năng lượng so với xe chạy xăng thông thường cần có dữ liệu mới khẳng định được.
Sản phẩm xe đua Go-kart của nhóm vừa giành giải Nhất cuộc thi “Lac Hong Go-kart” do Trường Đại học Lạc Hồng tổ chức.
Những sinh viên có niềm đam mê với công nghệ ô tô, có thể “biến hóa” ra những chiếc xe đua F1 mini trên chính ngôi trường của mình đang học.
Giảng viên Ninh Thị Thúy, Đại học Lạc Hồng, cho biết, với mong muốn lồng ghép kiến thức học vào thực tiễn và giúp cho việc học trở nên mới mẻ, thu hút hơn, cuộc thi đã mang lại cho các thành viên tham dự rất nhiều kiến thức bổ ích.
Thông qua sân chơi này, các em đã chiến thắng chính mình, nỗ lực học tập nghiên cứu, trong khi bao người khác say mê với game, điện thoại.
Các bạn đã chiến thắng cái tôi của bản thân để hòa nhập và làm việc nhóm cùng nhau hiệu quả. Mục đích của cuộc thi không hướng đến phải đưa sản phẩm vào ứng dụng, mà qua đó giúp sinh viên nâng cao kỹ năng thực hành, sáng tạo.