Sinh viên "bạt mạng" làm ca đêm 8 tiếng: Gặp khách say xỉn, khó ưa nhưng lương tháng 5 triệu liệu có đáng?

VÂN TRANG - DESIGN: KIM TRANG |

Một ca đêm thường kéo dài từ 22h đêm đến 6h sáng. Tất nhiên, đi kèm cũng là những câu chuyện "dở khóc dở cười" chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Không thể phủ nhận, cứ nhắc đến cụm từ "sinh viên đi làm thêm" là nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chạy bàn trong các quán hàng hay cửa hàng tiện lợi. Bởi công việc này không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần sức khỏe và sự chăm chỉ là được.

Để tăng thêm thu nhập, nhiều bạn trẻ thường chọn ca tối từ 22h đêm đến 6h sáng hôm sau. Tuy mất sức nhưng trải nghiệm đem lại cũng thú vị và… kịch tính không kém!

Để hiểu hơn về những ca việc này, chúng tôi đã buổi trò chuyện với bạn Thanh Bình (sinh viên năm 2 ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) và Ngọc Bảo (sinh viên năm 3, ĐH Khoa học Tự nhiên).

Hiện tại, Thanh Bình và Ngọc Bảo từng làm thêm ở cửa hàng tiện lợi với thời gian trung bình 8 tiếng/ngày, thu nhập từ 3 - 5 triệu/tháng. Và đây là những gì 2 bạn trẻ chia sẻ với chúng tôi.

Sinh viên bạt mạng làm ca đêm 8 tiếng: Gặp khách say xỉn, khó ưa nhưng lương tháng 5 triệu liệu có đáng? - Ảnh 1.
Sinh viên bạt mạng làm ca đêm 8 tiếng: Gặp khách say xỉn, khó ưa nhưng lương tháng 5 triệu liệu có đáng? - Ảnh 2.

Ngọc Bảo và Thanh Bình - từng làm công việc phục vụ thời sinh viên

Part-time ca đêm lương tháng 5 triệu, không yêu cầu bằng cấp

Để đăng ký trở thành nhân viên cửa hàng tiện lợi hay bất kỳ công việc kiểu "chạy bàn" nào, bạn đều cần nộp một số giấy tờ như: Photo CMND, giấy khám sức khỏe, bằng cấp hay chứng chỉ học vấn kèm theo. Với Ngọc Bảo, cậu bạn cần thêm dấu vân tay để được dùng máy châm công tính time-in (giờ vào làm) và time-out (giờ kết thúc).

Sau khi trải qua vòng đơn và vòng phỏng vấn, sinh viên sẽ có 3 ngày training các công việc như: Công thức đồ uống, quy chuẩn chào hỏi khách hàng, giá cả… Với thủ tục tương đối đơn giản, nhiều sinh viên có thể kiếm đủ tiền trang trải cho bản thân, mà còn góp được chút vốn liếng gửi về cho gia đình.

Ngọc Bảo tâm sự: "Mình làm part-time với lương 21,5 nghìn/giờ. Thông thường sẽ có 3 ca: Ca 1 từ 6h - 14h, ca 2 từ 14h - 22h, ca 3 từ 22h - 6h. Làm part-time nên không cố định giờ giấc, có hôm chỉ làm 4-6 tiếng/ca.

Nếu làm full-time thì cần đủ 6 ngày/tuần, cộng thêm lương cứng là khoảng 3,5 triệu đồng. Ca tối thì sẽ được tăng thêm 30% lương. Như vậy tùy vào cấp độ full-time và số ngày làm ca đêm mà tiền lương sẽ khác nhau".

Làm phép tính nhanh, trung bình mỗi ca được 21,5 nghìn x 8 giờ = 172 (nghìn). Nếu làm chăm chỉ thì tiền lương rơi vào khoảng 3,4 - 5 triệu đồng/tháng.

Sinh viên bạt mạng làm ca đêm 8 tiếng: Gặp khách say xỉn, khó ưa nhưng lương tháng 5 triệu liệu có đáng? - Ảnh 3.

Mỗi ca làm thường kéo dài 6 - 8 tiếng, với tiền lương 20 - 25 nghìn đồng/giờ (Ảnh minh họa)

Khách hàng say xỉn, khó tính; nhiều hôm phải bù tiền nhiều hơn cả lương ca

Nhìn chung các bạn trẻ chọn làm ca đêm vì đó là khoảng thời gian rảnh rỗi nhất trong ngày. Ngoài ra, thu nhập cao hơn ca ngày hoặc muốn trải nghiệm cũng là yếu tố khiến nhiều bạn trẻ cân nhắc.

Với Thanh Bình và Ngọc Bảo đều chọn ca tối vì thường học nguyên ngày. Cả hai đều không gặp khúc mắc vấn đề lương vì đều có máy chấm công đúng thời gian, đồng thời được quản lý cho xem trước bảng chốt lương mỗi tháng.

Khó khăn đầu tiên khi làm ca đêm, tất nhiên là vấn đề sức khỏe. Làm ca đêm đồng nghĩa phải thay đổi nhịp sinh học, làm liên tục 6 - 8 tiếng/ngày. Sau khi kết thúc ca làm việc, nhiều bạn trẻ mới lái xe lên giảng đường học bài. Hôm nào học chiều còn thoải mái chút, sẽ được ngủ nguyên nửa ngày lấy lại sức. Còn không cứ tiếp tục guồng quay vừa học vừa làm đến hết ngày.

Điều này rất dễ khiến sinh viên mất sức, ảnh hưởng khả năng tiếp thu kiến thức, không thể học bài hay ôn thi. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn bị mắc chứng mất ngủ một thời gian sau khi làm việc vì lệch nhịp sinh học, chưa kịp thích nghi với thời gian ngủ như người thường.

Sinh viên bạt mạng làm ca đêm 8 tiếng: Gặp khách say xỉn, khó ưa nhưng lương tháng 5 triệu liệu có đáng? - Ảnh 4.

Sinh viên tranh thủ ngủ gục trong những ca trực đêm (Ảnh minh họa)

Thứ hai, là vấn đề gặp khách khó tính. Làm việc ca tối sẽ có ít khách hơn, nhưng cũng sẽ dễ gặp những khách say xỉn sau các buổi tiệc, không có nơi ở nên đành trú tạm vào các quán ăn hay cửa hàng tiện lợi. Với các cửa hàng nhiều nhân viên thì không sao, nhưng trong quán cà phê thâu đêm mà chỉ 1 thành viên trông quán, có thể gặp những sự cố nguy hiểm như gặp cướp hay những người dùng chất kích thích, xăm trổ gây gổ, mua đồ mà không trả tiền…

Bạn Thanh Bình tâm sự: "Làm thêm tầm này thì mình gặp rất nhiều vị khách khó chịu. Có khi khách đông chen hàng, mình nhắc nhở xếp hàng thì tỏ thái độ khó chịu chửi bới. Có khách say xỉn đứng dưới nhìn mình chằm chằm từ trên xuống dưới xong nói khùng nói điên, làm mình sợ xanh mặt không dám nhắc nhở. Chỉ đến khi người ta chịu ra ngoài thì mới dám quay ra dọn dẹp".

Còn với Ngọc Bảo, cậu bạn cho biết khi đi làm ca tối là sẽ gặp được những kiểu khách hàng "khó tính, không giống ai": "Khi làm ca tối thì có rất nhiều chuyện chưa bao giờ xảy ra. Có 1 lần mình làm, khi đó có ông khách tới mua hàng xong ngồi lại vì đi khuya quá, không có chỗ để về. Một lúc sau ông kéo ghế ra ngoài và nằm ngủ ngon lành, ngáy như sét đánh ngang tai. Tụi mình đã bị tra tấn như vậy suốt ca mà không dám đánh thức khách".

Sinh viên bạt mạng làm ca đêm 8 tiếng: Gặp khách say xỉn, khó ưa nhưng lương tháng 5 triệu liệu có đáng? - Ảnh 5.

Rất nhiều câu chuyện éo le sinh viên có thể đối mặt khi làm ca tối (Ảnh minh họa)

Và cuối cùng, còn đến từ vấn đề của chính bản thân nhân viên. Nhiều bạn trẻ làm ca đêm buồn ngủ nên việc thanh toán không hợp lý, dẫn đến kiểm tiền thiếu nên phải tự "móc ví" bù tiền.

Bạn Ngọc Bảo chia sẻ kỷ niệm thanh toán tiền lỗi cho khách: "Chuyện này diễn ra vào những ngày đầu làm việc. Mình còn nhớ lần mình làm ca 2, khi mình nhận thu tiền hộ anh Grab thì nhập lộn số ID (mã tài xế). Mình quên không xác nhận lại mã ID với khách. Sau khi thanh toán xong, anh vừa quay đi vừa coi lại bill thì mới phát hiện sai ID. Thế là anh mắng mình 1 trận giữa nơi đông người dù đã cố gắng giải thích rằng có thể gửi mail giải quyết và hủy giao dịch".

Có nên hi sinh giấc ngủ để kiếm 5 - 7 triệu lương tháng làm ca tối?

Tuy có nhiều bất lợi nhưng làm ca đêm cũng là cơ hội để sinh viên tăng khả năng thích nghi với cuộc sống, mở rộng vốn hiểu biết và hiểu hơn về chính bản thân mình.

Điều đầu tiên để làm được ca đêm, là bạn cần có sức khỏe và duy trì lịch làm việc hợp lý. Không nên làm ca đêm quá 4 - 6 ngày/tuần vì rất hại sức khỏe, đồng thời làm lâu dài có thể gây nên những bệnh lý nguy hiểm cho sức khỏe.

"Theo mình thì với những chuỗi cửa hàng, muốn chạy theo ca đêm cần phải hiểu rõ sức khỏe bản thân có tốt hay không. Vì công việc part-time nên việc nghỉ ngơi cũng rất khó. Mình chỉ làm ca đêm khi nào cửa hàng thiếu nhân viên, nếu phải làm quá gần ngày nhau thì sẽ xin quản lý cho đổi với những bạn nhân viên khác" - Ngọc Bảo tâm sự.

Sinh viên bạt mạng làm ca đêm 8 tiếng: Gặp khách say xỉn, khó ưa nhưng lương tháng 5 triệu liệu có đáng? - Ảnh 6.

Phục vụ bàn hay bán hàng chỉ là công việc làm thêm thời sinh viên (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, giới trẻ cần xác định rõ đây chỉ là công việc làm thêm thời sinh viên, không để ảnh hưởng đến chuyện học. Làm thêm trong cửa hàng sẽ giúp sinh viên kết thêm bạn bè, có nhiều mối ăn chơi. Vừa kiếm tiền, vừa chơi với bạn bè nên nhiều người đã quên luôn việc học, "tặc lưỡi" học không được hôm nay thì mai. Rồi tiền làm thêm chẳng đủ bù tiền học cải thiện, lại phải đi làm thêm, cứ thế vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Bất kỳ công việc nào trong đời đều sẽ mang lại trải nghiệm nào đó. Làm ca tối đồng nghĩa lương cao hơn, nhưng lại đòi hỏi sức khỏe và sức chịu đựng cũng cao hơn. Vậy nên bạn cần biết bản thân và sức khỏe cho phép đến đâu trước khi quyết định gắn bó lâu dài với những công việc làm thêm ca tối này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại