Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Uppsala, Đại học Copenhagen và Cơ quan Khảo sát địa chất Đan Mạch đã hé lộ với thể giới một trong những sinh vật được tiến hóa phức tạp đầu tiên của Trái Đất – những thứ vẫn đang gây tranh cãi vì không rõ là đã trưởng thành hay chỉ ở dạng phôi thai.
Các sinh vật cổ quái từ Hệ tầng Portfjeld - Ảnh: ĐẠI HỌC UPPSALA
Trong những tảng đá 570-560 triệu năm tuổi ở Hệ tầng Portfjeld, Bắc Greenland, các nhà cổ sinh vật đã tìm thấy những sinh vật bé nhỏ quái dị này. Chúng được bảo quản tốt đến nỗi có thể phân tích từng tế bào riêng lẻ và thậm chí là các cấu trúc nội bào. Ước tính chúng sống ở vùng biển nông quanh Greenland trong thời kỳ Ediacaran, khoảng 635-541 triệu năm trước.
Phát hiện này thực sự gây choáng váng, bởi người ta tin rằng trước "vụ nổ sinh học" kỷ Cambri, sinh vật Trái Đất vẫn là những dạng đơn bào sơ khai. Nhưng các vi sinh vật này phức tạp hơn suy nghĩ. Chúng mang hình dạng phôi thai và có thể chính là phôi thai của một dạng sống phức tạp hơn. Điều này có nghĩa sự sống phức tạp đã lan rộng khắp hành tinh lâu hơn chúng ta tưởng cả trăm triệu năm. Và đây chính là loài chuyển giao giữa những vi sinh vật khó định hình và những loài được coi là động vật thực sự.
Theo tiến sĩ Sebastian Willman từ Đại học Uppsala, đây có thể là lớp sinh vật đa bào đầu tiên của Trái Đất. Các tác giả cũng hé lộ một thứ gì đó tương tự đã được phát hiện ở Hệ tầng Doushantuo, miền Nam Trung Quốc. Điều này cho thấy lớp "vi sinh vật hình phôi thai" này đã phân tán khắp thế giới.
Có thể nói, phát hiện này đã làm thay đổi lịch sử cổ sinh vật học. Việc tìm thấy chúng được xem như đào được kho báu vĩ đại, bởi các sinh vật hàng trăm triệu tuổi của Trái Đất hầu hết đã bị xóa sổ bởi các cuộc đại tuyệt chủng. Sau mỗi lần đại tuyệt chủng, lớp sinh vật sau tuy vẫn mang tính kế thừa nhưng gần như khác biệt hẳn với lớp sinh vật từ "thế giới đã mất".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Communications Biology.