Sau 7 năm nỗ lực tái thiết châu Á để biến mình thành trung tâm, Trung Quốc đã vấp trở ngại khi quảng bá sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của họ, World Politics Review nhận định. Dự án kinh tế vĩ mô được coi là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh hiện đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố, trong đó bao gồm một kế hoạch do Mỹ khởi xướng.
Một số vấn đề của sáng kiến BRI là ở bề nổi, ví dụ như tên gọi của nó. Trước đây, dự án này vốn mang tên "Một Vành đai, Một con đường" - phiên bản rút gọn từ hai chiến lược đầu tư "Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa" và "Con đường Tơ lụa Trên Biển của Thế kỷ 21".
Tuy nhiên, về cơ bản, thì hầu hết các vấn đề của Bắc Kinh bắt nguồn từ những điều hữu hình như rác thải, lợi ích nhóm chính trị, và một loạt các dự án cơ sở hạ tầng quá tham vọng, khiến các quốc gia đối tác phải gánh những khoản nợ không bền vững.
Năm ngoái, Sri Lanka đã phải "gán nợ" một cảng biển được xây bằng tiền Trung Quốc do không đủ khả năng trả nợ. Tại Kazakhstan, một nhà ga xe lửa được thiết kế để biến đất nước này thành trung tâm vận chuyển ở Trung Á - hay còn gọi là "cảng trên cạn" - đã không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu, bởi giá vận tải biển vẫn rẻ hơn nhiều.
Và tới năm nay, Myanmar, Malaysia, Nepal và Pakistan đã đồng loạt cắt giảm hoặc hủy bỏ các dự án đắt đỏ thuộc BRI vì nỗi lo về các khoản nợ chất chồng.
Mỹ, Nhật Bản và Australia tranh thủ cơ hội
Trước những sai lầm của Bắc Kinh, Mỹ và hai trong số các đồng minh thân thiết nhất của nước này ở châu Á - Thái Bình Dương là Nhật Bản và Australia đã công bố một dự án phát triển thay thế cho BRI, có tên gọi là "Mạng lưới Điểm xanh" (BDN). BDN được kỳ vọng sẽ khỏa lấp được những thiếu sót của BRI, với cam kết sẽ minh bạch hơn và cung cấp các giải pháp theo nhu cầu của thị trường.
Sau một thập kỷ nhận tiền đầu tư đều đặn, các quốc gia châu Á vẫn cần tới 1.700 tỉ USD mỗi năm cho đến năm 2030 cho các dự án cơ sở hạ tầng, nhằm duy trì tốc độ phát triển bền vững và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Các tổ chức phụ trách dự án BDN - Tập đoàn Đầu tư Tư nhân ở Nước ngoài của Mỹ, Cục Đối ngoại và Thương mại của Australia, và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản - cho rằng các quốc gia châu Á cần số tiền này có thể làm điều đó theo cách tập trung hơn và an toàn hơn về tài chính, mà không cần phải dựa vào Trung Quốc hay đối mặt với nguy cơ phải trao quyền kiểm soát các dự án cơ sở hạ tầng của mình để "gán nợ" cho Trung Quốc.
Đầu tháng 11 vừa qua, khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross công bố về dự án BDN, ông này đã đề cập đến những nỗi lo của quốc gia về các khoản đầu tư đầy rủi ro của BRI và nhấn mạnh rằng BDN có thể giải quyết điều đó.
Ví dụ, ông Ross đã nhắc đến "việc xây dựng cơ sở hạ tầng dựa trên các nguyên tắc và phát triển kinh tế bền vững", hay tầm quan trọng của các quyền lợi mà người lao động bản địa được hưởng và chủ quyền của các quốc gia "về tài sản và tài nguyên" của họ. Trong khi đó, việc Bắc Kinh sử dụng lao động Trung Quốc và để các công ty Trung Quốc thầu dự án, hay điều đã xảy ra với Sri Lanka tiếp tục khiến nhiều nước lo sợ.
Những mục tiêu của dự án "Mạng lưới Điểm xanh".
Liệu "Mạng lưới Điểm xanh" có thực sự đủ sức cạnh tranh hay không?
Tuy nhiên, BDN vẫn đang trong quá trình xây dựng, và những người khởi xướng dự án này vẫn chưa công bố về hệ thống tiêu chuẩn hay nguồn ngân sách để đạt được các mục tiêu đề ra.
Cùng ngày dự án BDN được công bố, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tiết lộ một gói viện trợ trị giá 440 triệu USD dành cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó nêu ưu tiên là các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng. Thế nhưng gói viện trợ này dường như tập trung vào các dự án truyền thống, còn BDN được cho là sẽ tìm kiếm nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân cho các dự án bền vững của mình.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài khá cảnh giác khi đầu tư vào các khu vực châu Á, do lo ngại về tình hình bất ổn chính trị và tham nhũng ở nhiều nước. Liệu BDN có thể khiến họ thay đổi định kiến này hay không?
Về phần mình, Trung Quốc đã thừa nhận một số bất cấp mà dự án BDN đã nhắc tới, và có vẻ như họ đang nỗ lực sửa sai trong dự án BRI của mình. Hơn nữa, hiện nay kinh tế trong nước của Trung Quốc đang gặp khó do tăng trưởng chậm, do đó họ rất có thể sẽ cẩn trọng hơn trong việc vung tiền đầu tư vào nước ngoài.
Mặc dù vẫn còn những bất cập và thất bại, nhưng dự án BRI của Trung Quốc vẫn thành công trong việc thu hút sự chú ý của thế giới, và khiến nhiều lãnh đạo của các quốc gia đang phát triển cảm thấy hài lòng về kết quả đạt được. Hiện tại, BDN mới chỉ nằm trên giấy, nếu so về số tiền đầu tư hay tốc độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, thì BRI của Trung Quốc đã vượt trước rất xa.
Mặc dù vậy, việc một đối thủ mới của BRI ra đời cũng giúp các quốc gia đang lo ngại về Trung Quốc có thêm sự lựa chọn. Việc BDN có khả năng cạnh tranh hay thay thế các khoản đầu tư của Trung Quốc vẫn còn phải phụ thuộc nhiều vào quyết định của các doanh nghiệp và tập đoàn tư nhân. Nhưng nếu động cơ phát triển kinh tế của Trung Quốc tiếp tục chậm lại, và ngày càng có thêm nhiều dự án không diễn ra như ý, thì các quốc gia châu Á sẽ bắt đầu tìm kiếm một nguồn hỗ trợ khác, World Politics Review kết luận.