Sữa non là gì và cơ chế tiết sữa non như thế nào?
Sữa non là chất lỏng, sánh, màu vàng trong, được hình thành từ quý II của thai kỳ và được tiết ra khi em bé ngậm, bú, mút vú mẹ.
Ngoài lượng dinh dưỡng dồi dào, sữa non còn có các kháng thể tự nhiên làm tăng khả năng miễn dịch, bảo vệ đường tiêu hóa và ngăn chặn những tác nhân gây bệnh cho trẻ sơ sinh.
Cơ chế tiết sữa non phụ thuộc vào hai hormone chính là prolactin và oxytocin. Hormone prolactin được tiết ra từ thùy trước tuyến yên, có vai trò kích thích các tuyến sữa để sản xuất sữa ở nữ giới.
Sữa non cung cấp nguồn dinh dưỡng quý giá và nhiều kháng thể tự nhiên giúp tăng hệ miễn dịch cho trẻ.
Sau khi người phụ nữ sinh con, nhau thai rời khỏi cơ thể, nồng độ estrogen và progesterone giảm xuống, cho phép prolactin kích thích các tuyến sữa trong vú để tạo ra sữa mẹ. Vài ngày đầu sau sinh, prolactin làm tăng mạnh lượng sữa, nên thường gây ra sự căng tức sữa khi sữa non chuyển tiếp thành sữa trưởng thành.
Trong khi đó, oxytocin giúp kích thích các cơ trơn xung quanh nang sữa, đẩy sữa từ nang sữa theo các ống dẫn sữa ra ngoài.
Chính nhờ sự liên kết giữa hai hormone prolactin và oxytocin mà quy trình sản xuất sữa non và sữa trưởng thành ở mẹ sau sinh được hoạt động trơn tru, giúp trẻ nhận được nguồn dinh dưỡng quý giá trong những năm tháng đầu đời.
Mẹ sinh mổ sữa non về chậm?
Theo bác sĩ Đoàn Ngọc Minh – Phó Khoa Sản Phụ khoa, phụ trách chương trình "Nuôi con bằng sữa mẹ" của Bệnh viện Hồng Ngọc, quan niệm mẹ sinh mổ sữa về chậm, con bỏ lỡ 72 giờ vàng sữa non là hoàn toàn không chính xác.
Bởi như đã phân tích ở trên, cơ chế tiết sữa non phụ thuộc vào hai hormone chính là prolactin và oxytocin. Trong đó, hormone oxytocin được tiết ra nhiều trong quá trình chuyển dạ. Đối với các mẹ sinh thường thì oxytocin được tiết ra rất nhiều và ngay sau sinh các mẹ đã thấy sữa được đẩy ra đầu vú cho bé sẵn sàng ti.
Để kích thích sữa nhanh về, trẻ cần được da kề da với mẹ ngay sau khi sinh và được bú mẹ càng sớm càng tốt.
Còn đối với các mẹ sinh mổ thì quá trình chuyển dạ ngắn, thậm chí nhiều mẹ xin mổ chủ động nên lượng oxytocin này rất thấp khiến nhiều mẹ lầm tưởng rằng mình không có sữa non. Chính vì vậy, các mẹ cần cho con da kề da càng sớm càng tốt. Đồng thời, trong 72 giờ đầu sau sinh nên cho con bú sớm và nhiều hơn nhằm kích thích các rễ thần kinh ở hai bên bầu vú, kích thích não bộ tiết nhiều oxytocin, từ đó, sữa sẽ về nhiều hơn.
Theo dõi thêm thông tin được bác sĩ Đoàn Ngọc Minh tư vấn dưới đây:
Cũng theo bác sĩ Minh, do cơ chế tiết sữa non phụ thuộc vào hormone nên các tác động vật lý như nặn, ép vú không giúp ích cho việc tiết sữa non. Hơn nữa, các mẹ sau khi nặn ép vú không thấy có sữa thì lo lắng, thất vọng và căng thẳng.
Chính những trạng thái tâm lý này sẽ ức chế việc sản sinh ra các hormone giúp tiết sữa, khiến sữa non về chậm hơn. Bên cạnh đó, lượng sữa non trong ngày đầu không làm vú mẹ cương lên khiến nhiều mẹ hiểu lầm rằng mình chưa có sữa và bỏ lỡ 72 giờ vàng sữa non. Do vậy, mẹ đừng chờ đến khi có sữa hoặc vài ngày sau mới cho con bú mà bỏ lỡ những giọt sữa quý giá này.
Với những thông tin trong bài viết trên, hy vọng các mẹ sinh mổ đã có thêm kinh nghiệm để con yêu được hưởng trọn vẹn những giọt sữa non quý giá đầu đời. Chúc các mẹ thành công trên hành trình nuôi con bằng sữa mẹ.