Theo Reuter đưa tin thì mới đây, Singapore đã trở thành quốc gia đầu tiên ban hành lệnh cấm phát quảng cáo dành cho các loại nước ngọt có gas chứa hàm lượng đường cao. Lý do? Vì đó là những đồ uống "có hại cho sức khỏe" - theo lời Edwin Tong, bộ trưởng Bộ Y tế Singapore.
Không chỉ nước ngọt, lệnh cấm còn được áp dụng với mọi loại nước giải khát, và thậm chí là cả nước trái cây đóng chai và cafe hòa tan nữa. Theo đó, các sản phẩm này sẽ không còn được xuất hiện trên truyền hình, bảng quảng cáo, các sản phẩm in ấn và mạng xã hội.
Ngoài ra, ông Tong cho biết bao bì các sản phẩm này sẽ phải dán nhãn cảnh báo việc không có lợi cho sức khỏe, và đồng thời cũng là bước đầu để tiến hành các biện pháp nghiêm khắc hơn là tăng thuế tiêu thụ và cấm hoàn toàn với một số sản phẩm (dù hiện mới chỉ đang là dự thảo mà thôi).
Với lệnh cấm này và trong trường hợp các dự thảo trên được thông qua, nước ngọt tại Singapore sẽ có "vị thế" giống thuốc lá: bị hạn chế tiêu thụ cực kỳ nhiều. Nhưng tại sao họ lại có động thái quyết liệt với các sản phẩm nước giải khát đến như vậy?
Đại dịch tiểu đường - Quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao nhất thế giới
Ở Singapore, cứ 9 người lại có 1 người mắc bệnh tiểu đường, và 1/3 số đó có nguy cơ mang bệnh suốt đời. Đây là tỷ lệ cao nhất thế giới, nằm trong bối cảnh dân số quốc gia này đang già nhanh và thói quen ăn uống theo văn hóa "tiện" của người dân.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Singapore, năm 2014 có 440.000 người trưởng thành tại Singapore mắc tiểu đường. Với tỷ lệ không đổi thì đến năm 2030, con số sẽ rơi vào khoảng 670.000, và lên 1 triệu vào năm 2050.
Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết tiểu đường hiện đang là một vấn nạn của cả thế giới. Từ năm 1975 đến nay, lượng người béo phì trên thế giới đã tăng gấp 3 lần. Trong đó, những người thường xuyên uống nước ngọt từ 1 - 2 lon mỗi ngày có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 tăng 26%.
Trước khi đưa ra lệnh cấm để chống lại đại dịch, Bộ Y tế Singapore đã khảo sát ý kiến của người dân. Kết quả, đã có hơn 70% đồng ý việc quản lý chặt chẽ quảng cáo nước ngọt, để tránh tác động đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Bộ trưởng Tong cũng kêu gọi các công ty sản xuất nước giải khát định hình lại sản phẩm để có lợi cho sức khỏe hơn trong khi vẫn giữ được hương vị của mình.
Tham khảo: CNN, Reuters