Năm 2017, Singapore ghi nhận 361 trường hợp tự sát, thấp hơn 15% so với con số 429 vụ năm 2016.
Trung tâm ngăn chặn tự sát Singapore (SOS) đã cung cấp một bản báo cáo phân tích và thống kê cho thấy, số người tự sát theo các nhóm tuổi đều giảm, trừ nhóm người già (trên 60 tuổi).
Số người trên 60 tuổi tự tử đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1991.
Bà Christine Wong, giám đốc điều hành SOS nói:
"Tình trạng này rất đáng quan ngại khi người cao tuổi cho rằng tự sát là sự lựa chọn cuối cùng của họ để chấm dứt một cuộc sống chật vật và đầy những nỗi đau, trong khi đáng nhẽ ra họ phải được nghỉ ngơi và hưởng thụ sau cả một đời lao động cống hiến".
"Hành vi tự sát có thể phòng tránh được. Điều quan trọng nhất là, người có hành vi này không hề muốn chết, họ rất muốn tiếp tục sống, nhưng cảm thấy quá bế tắc và không có phương hướng.
Họ nghĩ mình đã thử mọi cách rồi nhưng không giải quyết được vấn đề".
"Với việc dân số đang già đi nhanh chóng, tỉ lệ tự sát ở người cao tuổi được dự báo còn tăng theo thời gian".
Thống kê của đường dây nóng trung tâm ngăn chặn tự sát Singapore SOS, trong năm ngoái, số cuộc gọi từ những người cao tuổi giảm 18% từ 6904 cuộc năm 2016 xuống 5652 cuộc.
Bà Wong coi đó là một quan ngại: "Chúng tôi cần tìm ra giải pháp để giúp họ không tuyệt vọng đến mức phải nhờ đến sự trợ giúp cuối cùng là SOS, cần cho họ thấy rằng ngoài kia còn rất nhiều nguồn lực khác có thể giúp đỡ họ".
Người đại diện của Trung tâm dịch vụ cộng đồng Fei Yue phát biểu rằng phần lớn người già rất ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ người ngoài.
"Những người như vậy thường đã rất cao tuổi, bệnh tật, ít con cái, thậm chí không có gia đình để nương tựa và bị xã hội cô lập", người đại diện phát biểu.
"Lối sống độc lập khiến họ cảm thấy ngại khi trở thành gánh nặng của người khác, không muốn ai phải trông nom mình cả", bà Wang Jin, trợ lí giám đốc của Trung tâm tư vấn Hua Mei nói sự thay đổi trong văn hoá gia đình và ứng xử giữa các thế hệ là một nguyên nhân đóng góp vào tỉ lệ tự sát cao đột biến ở người già.
"Phần lớn người già, gia đình là chỗ dựa duy nhất.
Tuy nhiên, quy mô gia đình tại Singapore càng ngày càng nhỏ, số lượng người già chăm sóc nhau lại ngày càng tăng".
Bà cũng nói thêm rằng hầu hết con cái của người Sing đều bận rộn và không thể dành nhiều sự quan tâm cho cha mẹ. "Sự cô đơn của người già là nguyên nhân chính dẫn đến tự sát".
"Có người bầu bạn và chung sống không đảm bảo rằng họ không cảm thấy cô đơn hay bị tách biệt.
Sự tương tác và hỗ trợ về mặt cảm xúc là chìa khoá giúp người già cảm thấy hài lòng hơn với phần đời còn lại của mình" - Bà Wang cho biết.
Vai trò của cộng đồng và các nhóm hoạt động xã hội trợ giúp người cao tuổi là rất quan trọng, theo lời của các chuyên gia.
Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc chăm sóc đời sống cho người cao tuổi là một cách để sớm phát hiện các dấu hiệu trầm cảm, ý định tự sát hoặc thành lập các kênh kết nối người cao tuổi và các chuyên gia tâm lí để giải quyết các vấn đề của họ.
Bác sĩ chăm sóc sơ cấp cũng đóng một vai trò quan trọng, theo lời bà Wang, đồng thời, sự kết hợp giữa các nhân viên chăm sóc xã hội, chuyên gia tư vấn tâm lí, các dịch vụ dưỡng lão sẽ cùng nhau tìm ra những dấu hiệu tâm lí bất thường ở người cao tuổi, từ đó đánh giá mức độ và có kế hoạch phòng chống trầm cảm và tự sát.
Theo Straitstimes