Khi các nhà tổ chức của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tìm kiếm địa điểm, thì một yếu tố đơn giản là một căn phòng với nhiều cửa.
Theo giao thức truyền thông, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un không nên bước vào phòng họp qua cùng một cánh cửa, để tránh suy nghĩ rằng người này đến trước và đang phải "chờ đợi" người còn lại. Đây chỉ là một trong nhiều điều phức tạp của việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái.
Những vấn đề được đặt trên bàn đám phán bao gồm thỏa thuận phi hạt nhân hoá, thêm vào đó hội nghị cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm với nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Với những yếu tố đặc biệt đến vậy, thì những chi tiết nhỏ nhất cũng là cực kỳ nhạy cảm và điều tối quan trọng là phải đạt được sự xuất hiện ngang bằng của hai nhà lãnh đạo.
Tuy vậy, các chuyên gia về ngoại giao nhận định nếu quốc gia nào có thể đáp ứng được những yếu tố ấy thì đó chính là Singapore - một quốc gia "dày dặn" kinh nghiệm trong việc tổ chức các cuộc gặp mang tính lịch sử, ví dụ như cuộc gặp giữa Trung Quốc và Đài Loan năm 1993 và 2015, Đối thoại thường niên Shangri-La và cuộc họp các của nước ASEAN.
Về vấn đề này, Nhà Trắng đã giải thích lý do tại sao Singapore có thể "vượt qua" những địa điểm tiềm năng khác, như Thụy Sĩ hay Mông Cổ, để được vinh dự trở thành quốc gia chủ nhà tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh.
Một quan chức của Nhà Trắng cho hay: "Singapore được lựa chọn bởi họ sẵn sàng tổ chức cuộc gặp, và bởi họ có mối quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Triều Tiên, là một trong số ít các quốc gia có mối quan hệ với cả hai nước."
Hội nghị được Singapore tổ chức như thế nào?
Ngày 12 tháng 6 năm 2018, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, sự kiện mang tính bước ngoặt, chính thức được tổ chức tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore.
Đây là một khách sạn 5 sao được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Anh, Norman Foster, với 111 phòng và 1 phòng tổng thống. Vị trí của khu resort này rất tách biệt, được các chuyên gia đánh giá cao về tính an toàn đối với sự kiện này.
Theo Strait Times, sự kiện này thu hút hơn 2500 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới. Để đảm bảo sự kiện diễn ra một cách hoàn hảo nhất, có tới hơn 7400 người đã tham gia vào công tác chuẩn bị và thực hiện, bao gồm 5000 người của Bộ Nội vụ, 2000 người của Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF), hơn 300 nhân sự trong lĩnh vực thông tin liên lạc và 80 nhân viên của Bộ ngoại giao.
Khoảng 5 triệu USD đã được Singapore sử dụng cho việc thuê tòa nhà F1 Pit, thường phục vụ cho các giải đua xe Công thức 1, để làm trung tâm truyền thông cho các nhà báo quốc tế.
Ngày 10 tháng 6, các quan chức cùng nhân viên sân bay Changi của Singapore chào đón nhà lãnh đạo Kim Jong Un tới tham dự cuộc gặp lịch sử.
Nhằm đảm bảo an ninh tuyệt đối cho nhà lãnh đạo, Bình Nhưỡng đã cử đi 3 máy bay và không ai biết ông Kim đi máy bay nào. Chiếc máy bay hạ cánh đầu tiên là máy bay chở hàng hóa và vật phẩm liên quan, sau đó là một chiếc máy bay của Air China và cuối cùng mới là máy bay của ông Kim.
Nhà lãnh đạo được Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan tiếp đón tại sân bay, Singapore còn cung cấp một số xe bọc thép cho phái đoàn Triều Tiên, hộ tống ông về khách sạn St Regis.
Ông Kim Jong Un và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tại sân bay Changi hôm 10 tháng 6.
Khoảng 8 giờ 20 tối ngày hôm đó, chuyên cơ của Tổng thống Donald Trump đã xuống Quốc Đảo sư tử, nhưng không phải tại sân bay Changi mà là căn cứ không quân Paya Lebar, và nghỉ tại khách sạn Shangri-la.
Sau đó, ông Trump và ông Balakrishnan cũng có một cuộc gặp song phương. Ngày 11 tháng 6, ông Trump đột ngột thúc giục các trợ lý sắp xếp lịch cho cuộc họp với ông Kim sớm hơn 1 ngày và nhiều ý kiến cho rằng hội nghị lần này sẽ thất bại bởi sự thiếu tin tưởng giữa hai quốc gia.
Nhưng sau đó, nhờ sự thuyết phục của các quan chức cấp cao, ông Trump đồng ý giữ nguyên kế hoạch ban đầu là ngày 12 tháng 6.
Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan đón tiếp ông Trump và các quan chức cấp cao của Mỹ.
Ngoại trưởng Balakrishnan cho biết Singapore đã trả toàn bộ chi phí khách sạn cho ông Kim Jong Un cùng đoàn tùy tùng. Ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin BBC: "Đó là tinh thần hiếu khách của chúng tôi, và như ông Kim đã nói, rằng ông vẫn muốn tới thăm Singapore dù hội nghị thượng đỉnh không diễn ra." Trong khi đó, Mỹ lại tự thanh toán khoản chi phí này.
Theo giới chức của Singapore, quốc gia này đã chi khoảng 20 triệu SGD, tương đương 15 triệu USD, cho cuộc gặp lịch sử này. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết: "Đó là những gì chúng tôi rất sẵn lòng để thực hiện." Ông nói thêm, hội nghị thượng đỉnh sẽ mang lại những lợi thế cho Singapore, đặc biệt về danh tiếng, vị thế của quốc gia và "cái nhìn của quốc tế về đất nước chúng tôi."
Ngoài các thủ tục tiếp đón và an ninh, thì việc chuẩn bị thực đơn cho "bữa trưa ngoại giao" cũng cực kỳ quan trọng. Thực đơn này phải được lựa chọn kỹ lưỡng, mang phong cách ẩm thực của cả phương Tây, Đông Nam Á cũng như Triều Tiên. Các món khai vị bao gồm: cocktail tôm với salad bơ, kerabu xoài xanh (một loại salad của Malaysia), dùng với bạch tuộc và nước sốt chanh mật ong, hoặc món dưa chuột nhồi của Hàn Quốc.
Các món chính trong bữa tiệc gồm có sườn bò dùng kèm khoai tây Dauphinois, bông cải xanh hầm và sốt rượu vang đỏ. Món thứ hai là cơm chiên Dương Châu với thịt lợn rán giòn chua ngọt và sốt XO đặc biệt, hoặc một lựa chọn khác là cá tuyết Hàn Quốc với các loại rau củ đặc trưng của châu Á.
Cuối cùng, kết thúc bữa ăn, hai nhà lãnh đạo và các quan chức hai bên sẽ tráng miệng với bánh tart sốt socola đen, kem vani của Häagen-Dazs kèm sốt cherry và bánh tart Tropezienne.
Được biết, số tiền mà chính phủ nước này chi phần lớn là để phục vụ hoạt động tác nghiệp của hơn 2500 nhà báo trên thế giới đến đưa tin về sự kiện tại tòa nhà F1 Pit. Tại đó, khoảng 300 sĩ quan cảnh sát đã túc trực suốt ngày đêm trong vòng 3 ngày diễn ra cuộc gặp.
Về việc Singapore chi trả toàn bộ chi phí ăn ở cho đoàn Triều Tiên, thủ tướng Lý Hiển Long cho hay: "Nếu bạn tính toán về giá cả của mọi thứ trên thế giới này, bạn sẽ bỏ qua thứ thực sự quan trọng. Và ở trường hợp này, điều quan trọng là việc hội nghị thượng đỉnh được tổ chức và chúng tôi là nước chủ nhà. Với cân nhắc về chi phí, chúng tôi đảm bảo mọi yêu cầu trong quá trình tổ chức đều được đáp ứng."
Các hoạt động an ninh được đảm bảo ở mức cao nhất
Khi hai nhà lãnh đạo đặt chân tới Singapore, mọi công tác an ninh đều phải được thực hiện chặt chẽ. Thậm chí người dân đến gần những khu vực liên quan đều có thể bị kiểm tra tại chỗ và được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân chi tiết.
Hàng rào bảo vệ được Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF) thiết lập trong suốt 3 ngày diễn ra hội nghị. (Đồ hoạ: Strait Times).
Singapore được gì sau hội nghị thượng đỉnh?
Lim Siew Khee, một nhà nghiên cứu của CIMB-GK Securites, nhận định hội nghị thượng đỉnh để lại nhiều ảnh hưởng tích cực đối với ngành nhà hàng – khách sạn, dịch vụ và văn phòng của Singapore.
Ông cho biết, số lượng khách đến Singapore trong khoảng thời gian 5 ngày trong và xung quanh sự kiện đã tăng lên hàng nghìn người, trong đó bao gồm phái đoàn chính phủ, đoàn an ninh tùy tùng đi theo hai nhà lãnh đạo và khoảng 2500 nhà báo quốc tế.
Ông Lim lưu ý, mỗi khách du lịch đến Singapore đóng góp khoảng 1500 USD vào tổng doanh thu ngành du lịch trong trung bình 3,5 ngày. Trước khi sự kiện này diễn ra, các doanh nghiệp Singapore đã "chìm" trong "cơn sốt" hội nghị thượng đỉnh, họ kiếm bộn tiền từ các hoạt động tổ chức sự kiện và bán đồ lưu niệm.
Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Du lịch Singapore (STB), sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, lượng khách du lịch tới quốc đả này đã tăng 6,2% lên 18,5 triệu lượt và doanh thu từ du lịch tăng 1% lên 27,1 tỷ USD.
Cơ quan này cho biết, thông tin về hội nghị thượng đỉnh thu hút 2,36 tỷ lượt xem, cùng 8000 bài viết có đề cập tới quốc gia của họ. Tính riêng ở Mỹ, 1 ngày trước khi hội nghị diễn ra, từ khóa "Singapore ở đâu" đạt 2 triệu lượt tìm kiếm trên Google.