Quân đội Mỹ đang rất cần cải thiện các mạng lưới chỉ huy và điều khiển để chống lại tấn công mạng và chia sẻ lượng lớn dữ liệu giữa các lực lượng không gian mạng, vũ trụ, không quân, hải quân và lục quân khi tiến hành các chiến dịch hỗn hợp.
Trong khi Lầu Năm Góc bơm hàng tỷ USD vào các dự án chế tạo máy bay, xe tăng, tàu chiến thế hệ mới, thượng nghị sĩ Mark Warner, Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nói rằng, còn một dạng thức chiến tranh nữa mà Mỹ đang bị thua.
Đó là cuộc chiến kỹ thuật số vô hình, chỉ gồm các dãy số 1 và 0. Theo ông, nhiều quốc gia đang thể hiện sức mạnh của mình thông qua chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, hơn là thông qua vũ khí, khí tài truyền thống.
Các tướng lĩnh quân đội Mỹ và nhiều chuyên gia tuần trước cảnh báo rằng, Mỹ đang bị một số nước ngoài qua mặt ở “vùng xám” giữa hợp tác hòa bình và chiến tranh mở - nơi chương trình tuyên truyền trực tuyến và hacking thường đóng vai trò lớn hơn các lực lượng mặc đồng phục. Phía nước ngoài thường sử dụng mạng xã hội để phát tán tin sai, tin giả.
Ông Warner (từng là giám đốc điều hành công ty viễn thông trước khi vào Thượng viện) đặc biệt nhằm vào Google vì hãng này mới đây rút khỏi các dự án của Bộ Quốc phòng Mỹ với lý do chống quân phiệt, đồng thời làm việc với Bắc Kinh để phát triển cỗ máy tìm kiếm (search engine) do chính phủ kiểm soát để kiểm duyệt thông tin.
Dự án kiểm soát, kiểm duyệt thông tin online của Trung Quốc được gọi là Dự án Chuồn chuồn.
“Đây chính là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã cố gắng thành công, đã tuyển dụng được các công ty phương Tây phục vụ nỗ lực kiểm soát thông tin của họ. Tôi ngạc nhiên khi thấy rằng Google đang trông chờ làm việc với phía Trung Quốc để phát triển phiên bản bị kiểm duyệt của search engine”, thượng nghị sĩ Warner nói.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân lên tiếng
Tháng trước, đại tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, thăm Silicon Valley vài lần và cũng có ý chỉ trích Google. “Tôi không chắc người của Google sẽ tận hưởng trật tự thế giới được sinh ra từ các quy tắc, tiêu chuẩn của Nga hay Trung Quốc”, ông nói.
“Tôi không thể hiểu nổi việc chúng ta thỏa hiệp để gia tăng lợi nhuận ở Trung Quốc, nơi chúng ta biết rằng quyền tự do bị hạn chế, nơi chúng ta biết rằng Trung Quốc lấy mất quyền sở hữu trí tuệ của các công ty”, tướng Dunford tuyên bố.
Đầu năm nay, Google rút các kỹ sư của hãng khỏi dự án Maven – một chương trình của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm phát triển trí thông minh nhân tạo để giúp phân tích dữ liệu thu được từ máy bay không người lái. Trước đó, hàng ngàn nhân viên Google viết thư đề nghị lãnh đạo hãng dừng tham gia chương trình của Lầu Năm Góc.
Google cũng đã từ chối tham gia cuộc đua giành hợp đồng điện toán đám mây trị giá 10 tỷ USD của Lầu Năm Góc để phát triển hạ tầng chung để phòng thủ cho doanh nghiệp (JEDI). Trong khi đó, nhân viên Microsoft cũng gây sức ép để hãng này không làm việc với bên quân đội.
Đây không phải lần đầu tiên tướng Dunford bày tỏ sự thất vọng với Silicon Valley. Tại Diễn đàn An ninh Halifax hồi tháng trước, ông than phiền rằng, một số công ty công nghệ chần chừ khi làm việc với Lầu Năm Góc, dù là với các chương trình không liên quan gì tới hệ thống vũ khí quân đội Mỹ. “Vấn đề là không phải chúng ta làm điều gì đó phi đạo đức hay phi pháp. Vấn đề là đảm bảo rằng chúng ta có thể cùng nhau bảo vệ các giá trị mà chúng ta ủng hộ”, ông nói.