Siêu xe tăng T-14 Armata Nga
Điều gì làm nên sức mạnh của xe tăng chiến đấu chủ lực?
Trong các cuộc xung đột gần đây cho thấy xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng, là "nắm đấm thép" - phương tiện đột kích không thể thay thế trong tác chiến lục quân hiện đại. Bất chấp các loại phương tiện chống tăng phát triển như vũ bão, nhất là tên lửa có điều khiển, MBT vẫn đang hiện diện một cách nổi bật.
Vậy điều gì làm nên sức mạnh của xe tăng chiến đấu chủ lực?
- Sức mạnh hoả lực: là vũ khí chính, quyết định sức mạnh hỏa lực của xe tăng, thể hiện qua số lượng, chất lượng, cỡ nòng của pháo trên xe, bao gồm nhiều thông số như tốc độ bắn nhanh, độ chính xác, tầm bắn xa nhất, tầm bắn gần nhất, sức công phá của đạn...
Hiện nay pháo tăng có những tiến triển vượt bậc, tầm bắn xa, xác suất trúng đích cao, uy lực mạnh, đủ để tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau.
- Sức cơ động: Là tính năng rất quan trọng quyết định hiệu quả chiến đấu của xe tăng, bao gồm các thông số như tốc độ tối đa, tốc độ chiến đấu trên các địa hình, khả năng vượt vật cản, khả năng vượt dốc, khả năng vượt sông, tầm hoạt động xa nhất, tính việt dã...
Trên các dòng chiến tăng vừa ra đời gần đây, động cơ, hệ thống treo đang có những bước tiến mới, giúp xe hoạt động hiệu quả hơn trên mọi loại địa hình khác nhau.
- Khả năng phòng hộ: đây là thông số về tính chất tự bảo vệ của xe gồm các yếu tố về số lượng, chất lượng, độ dày, vật liệu, hình dáng và vị trí bố trí của các lớp vật liệu vỏ thép để bảo vệ xe...
Cuộc đua "mâu và thuẫn" giữa các loại vũ khí chống tăng với xe tăng đang trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết.
Giờ đây, để sống sót trong những trận mưa tên lửa chống tăng có điều khiển hiện tại thì xe tăng đã và đang được tăng cường khả năng phòng hộ, với nhiều lớp cả chủ động và thụ động, đảm bảo phát hiện sớm và tiêu diệt mối đe dọa từ xa, giảm xác suất bị trúng đạn và giảm thiểu thương vong cho kíp lái khi vỏ giáp xe bị xuyên thủng.
Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, một trong những đặc tính làm nên sức mạnh mà "cỗ máy chiến tranh" này cần phải có, đó là:
- Tác chiến kết nối mạng. Các xe tăng thế hệ mới bắt đầu được tích hợp các khí tài thông tin liên lạc hiện đại, các phương tiện định vị, dẫn đường, hệ thống thông tin - điều khiển chiến đấu và chỉ huy tự động hóa ở các cấp với tính năng bảo mật cao, truyền dữ liệu trong hệ thống mạng trung tâm, cung cấp đầy đủ tham số kỹ thuật của xe cũng như toàn cảnh chiến trường.
Siêu xe tăng T-14 Armata Nga đã có đối thủ cứng là KF51 của Đức.
Siêu xe tăng T-14 Armata Nga đã có đối thủ "cứng cựa"
Đức vừa gây bất ngờ lớn với việc chính thức cho ra mắt dòng xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới KF51 Panther (Báo Đen) tại Triển lãm vũ khí quốc tế Eurosatory ở Paris, Pháp.
Giới chuyên gia quân sự nhận định KF51 được thiết kế không chỉ để thay thế cho dòng xe tăng Leopard 2 có trong biên chế quân đội Đức mà còn làm đối trọng với siêu xe tăng T-14 Armata của Nga.
Với những thông tin cơ bản mà hãng chế tạo Rheinmetall tiết lộ thì T-14 Armata đã có đối thủ "cứng cựa".
Các nhà chế tạo Đức đã thành công khi ứng dụng những tinh hoa công nghệ tiên tiến nhất, đáp ứng đầy đủ tất cả các yếu tố làm nên sức mạnh của xe tăng chiến đấu chủ lực tương lai. Cụ thể:
- Hỏa lực cực mạnh, tự động hóa cao. KF51 Panther được trang bị pháo cỡ nòng tới 130mm, với những tính năng vượt trội hoàn toàn so với các loại pháo 120mm phổ biến trên các dòng xe tăng của Đức nói riêng và phương Tây nói chung.
Phải nhấn mạnh rằng các kỹ sư Đức đã giải quyết hoàn hảo một vấn đề rất khó đó là tích hợp thành công khẩu pháo cỡ nòng lớn nhưng không làm tăng trọng lượng xe, thậm chí Panther còn giảm được 5 tấn, xuống chỉ còn 65 tấn so với 72 tấn của dòng Leopard 2A7 đời chót.
Nặng nề là điểm yếu cố hữu của xe tăng phương Tây nhưng nay đã được giải quyết tương đối hoàn hảo.
Trong khi đó, Nga cũng đang nghiên cứu pháo cỡ nòng lớn tới 135 hoặc 152mm để trang bị cho T-14 Armata, nhưng tới thời điểm này họ vẫn chưa hoàn tất việc phát triển.
Pháo thủ được trang bị kính ngắm đa kênh quang ảnh nhiệt hoạt động bất kể ngày hay đêm, cho phép tự động theo dõi mục tiêu và thiết bị đo xa laser.
Trưởng xe có khí tài quan sát toàn cảnh 360 độ, cho phép giám sát toàn không gian chiến trường, phát hiện và xác định mục tiêu và đánh dấu để xạ thủ khai hỏa tiêu diệt.
Kính màn hình quan sát Head – up cho phép trưởng xe sử dụng trạm súng máy điều khiển từ xa để tiêu diệt các mục tiêu trên không và phía sau xe.
Ảnh đồ họa xe tăng KF-51 Panther của Đức
- Động cơ mạnh mẽ. Mặc dù KF51 được cho là dùng động cơ có công suất 1.500 mã lực, tương đương với loại lắp trên Leopard 2, nhưng do trọng lượng giảm mạnh nên tỷ lệ công suất riêng (mã lực / tấn) càng cao, cho phép nó đạt tốc độ tối đa và khả năng vượt mọi địa hình tốt hơn.
- Hệ thống phòng hộ hoàn hảo. Xe tăng Panther mới được trang bị 3 hệ thống bảo vệ cùng lúc nhờ sự kết hợp giữa các công nghệ phòng thủ chủ động, thụ động và giáp phản ứng nổ.
Về giáp trụ, KF51 có lớp giáp mới dày hơn gồm các tấm giáp thụ động dạng module dọc theo mặt trước và hai bên.
Nhưng điểm vượt trội của nó chính là hệ thống bảo vệ chủ động AMAP (Advanced Modular Armor Protection), do công ty ADS Gesellschaft für Aktive Schutzsysteme cũng của Đức phát triển. Các cảm biến sẽ phát hiện đầu đạn tấn công, tính toán và ra quyết định đánh chặn với thời gian phản ứng là 0,56 ms, đủ để tiêu diệt mọi loại đạn chống tăng.
Để chống đạn xuyên giáp đột nóc, KF51 sử dụng hệ thống các camera hoạt động trong phạm vi hồng ngoại và tia cực tím, có khả năng phát hiện đạn và tên lửa bằng bức xạ hồng ngoại.
- Tiên phong sử dụng UAV. "Báo đen" được tích hợp một bệ phóng máy bay không người lái trong tháp pháo có thể phóng 4 chiếc drone trinh sát kiêm tấn công cảm tử cho phép xe tăng tiến hành trinh sát từ xa (tới 40km, bất kể ngày hay đêm) hoặc thực hành tiêu diệt mục tiêu bằng đầu đạn HEAT 3,5 kg lượng nổ mạnh.
Như đã phân tích ở trên, với những đặc tính kỹ thuật hoàn hảo như vây, chắc chắc KF51 sẽ sống sót tốt hơn trước cơn mưa hỏa lực chống tăng, kể cả khi tham chiến ở một chiến trường khốc liệt.
Xe tăng KF-51 Panther của Đức