Soi thuế phí cao ngất ngưởng của các siêu xe tại Việt Nam
Gần đây, người dân không ít lần choáng váng với thông tin những chiếc siêu xe nhập khẩu về Việt Nam có giá hàng chục tỷ đồng, trong khi với các thị trường chuyên sản xuất siêu xe như Mỹ, Anh, Đức… thì những chiếc xe này chỉ có giá tính theo VND chỉ khoảng vài tỷ đồng.
Đơn cử như chiếc Rolls-Royce Cullinan, dung tích 6,7 lít, nhập Mỹ vừa về Việt Nam có giá lăn bánh đến tay đại gia Hà Nội lên đến hơn 45 tỷ đồng.
Anh Trần Nghĩa, người trực tiếp nhập khẩu chiếc xe cho biết: “Tại Mỹ, tôi mua theo áp giá MSRP (Manufacturer’s Suggested Retail Price) – giá bán lẻ đề xuất ở Mỹ. Đây là mức giá mà hãng sản xuất xe gợi ý đại lý bán ra cho khách hàng.
Thông số này được in hẳn lên sticker đầu xe để khách hàng tiện tham khảo khi xem xe tại đại lý và cũng là yêu cầu bắt buộc theo luật pháp”.
Rolls-Royce Cullinan bản tiêu chuẩn 7,4 tỷ ở Mỹ về Việt Nam đội giá tăng gấp 5-6 lần.
“Tuy nhiên, giá của xe sẽ bị đẩy lên rất nhiều lần khi về Việt Nam. Ngoại trừ giá CIF gồm giá xuất xưởng (Cost), phí bảo hiểm hàng hoá (Insurance) và cước phí vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam (Freight) thì khi về Việt Nam, phải cộng thêm 3 loại thuế phí cơ bản đó là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT”, anh Nghĩa cho biết thêm.
Khi được hỏi về giá CIF của Rolls- Royce Cullinan, anh Nghĩa dù không tiết lộ nhưng cũng cho biết, bản tiêu chuẩn của mẫu xe này ở thị trường Mỹ sẽ có giá niêm yết 325.000USD (khoảng 7,4 tỷ đồng).
Với mức thuế nhập khẩu ô tô từ Mỹ về Việt Nam là 80% (đối với xe con dung tích xy lanh trên 6.0 lít), chiếc Rolls – Royce Cullinan từ giá "gốc" 7,4 tỷ sẽ phải chịu thuế nhập khẩu của chiếc xe sẽ là 5,92 tỷ đồng, đẩy giá xe sau thuế nhập khẩu tăng lên thành 13,32 tỷ đồng.
Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tính dựa trên giá xe đã cộng thuế nhập khẩu. Theo biểu thuế TTĐB kể từ ngày 1/7/2016, Rolls Royce Cullinan có dung tích xi lanh từ 6.7 lít phải chịu thuế 150%, tức 19,98 tỷ đồng (150% của mức giá 13,32 tỷ).
Lúc này giá sau thuế tiêu thụ đặc biệt của xe tiếp tục đẩy lên là 33,3 tỷ đồng. Cuối cùng, thêm 10% thuế VAT là 3,33 tỷ, giá xe đã tăng thành 36,63 tỷ.
Kèm theo đó, Rolls Royce Cullian sẽ gánh thêm hàng loạt các chi phí khác như: phí trước bạ tại Hà Nội là hơn 4,2 tỷ (12% của mức 7,4 tỷ), bảo hiểm xe 1,77 tỷ (5% của mức 7,4 tỷ), phí đăng kiểm 270.000 đồng, phí bảo trì đường bộ 135.000 đồng một tháng, phí cấp biển số 20 triệu đồng, bảo hiểm trách nhiệm 490.000 đồng.
Để "lăn bánh" chiếc xe nêu trên, người mua phải mất thêm hơn 6 tỷ đồng nữa, khiến tổng chi phí của xe lên tới 42,3 tỷ thành, gấp 5,7 lần giá gốc và gấp đôi giá chiếc Cullian tại Thái Lan hiện nay.
Đó là chưa cộng thêm chi phí ở khâu phân phối bao gồm chi phí vận chuyển nội địa, kho bãi, thêm trang bị cho xe, chi phí tài chính, duy trì hệ thống bộ máy đơn vị nhập khẩu, marketing, bảo hành, dự phòng rủi ro, lợi nhuận…
Tương tự, siêu xe Porsche 911 GT2 RS 2019 dung tích 3.7 lít của đại gia cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ từng gây sốt khi có giá niêm yết chính hãng tại Việt Nam là 20,19 tỷ. Phiên bản đi kèm option đầy đủ có thể lên đến 22 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu giá bán tại thị trường Mỹ của siêu xe này là 293.200 USD (khoảng 6,8 tỷ).
Giả sử 6,8 tỷ là mức giá nhập thực thì khi cộng thêm mức thuế nhập khẩu 74% cho xe có dung tích trên 3.0 lít, thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe dung tích trên 3,0 lít là 60%, thuế VAT là 10% thì mức giá sau 3 loại thuế của chiếc xe này sẽ là hơn 20,79 tỷ tăng hơn 3 lần so với giá gốc tại Mỹ.
Kèm theo đó, với mức giá tính phí trước bạ được áp là 20,185 tỷ đồng (theo Bảng giá tính phí trước bạ tối thiểu của Bộ Tài chính quy định), đại gia siêu xe này phải chịu thêm 2,422 tỷ đồng kèm nhiều loại phí khác nhau mới có thể "chạy" ngoài đường.
Aston Martin DB11 (4.4 L) cũng là mẫu xe rất được cộng đồng mê xe sang chú ý khi tại Việt Nam, hiện mới chỉ có 3 chiếc được sở hữu bởi 3 đại gia. Hãng xe sang này cũng vừa ra mắt đại lý nhập khẩu chính hãng tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên, đại diện đại lý Aston Martin Việt Nam cho biết: “Aston Martin DB11 nhập khẩu trực tiếp ở thị trường Anh.
Xe có giá bán khởi điểm tại Anh bản tiêu chuẩn từ hơn 200.000 USD (khoảng 4,7 tỷ) nhưng vì thuế, phí, chiếc xe ra mắt tại thị trường Việt Nam với giá niêm yết từ 16 tỷ đồng cao hơn 3 lần so với giá gốc.
Ngoài ra, theo bảng tính giá lệ phí trước bạ mới nhất, Aston Martin DB11 được áp giá tính phí ở mức 14, 679 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc người mua xe ở Hà Nội phải chịu thêm 1,76 tỷ đồng phí trước bạ.
Thuế chồng thuế, dân Việt giàu có vẫn chịu chi
Trao đổi với PV xe VietNamNet, ông Đoàn Hiếu Minh bày tỏ: Sở dĩ giá Rolls-Royce Cullinan về Việt Nam cao hơn nhiều so với giá ở Mỹ bởi do ở Việt Nam áp dụng nhiều dạng thuế phí, thuế chồng thuế, là rào cản lớn cho các đơn vị nhập khẩu xe chính hãng như chúng tôi”.
“Chúng tôi chỉ mong Nhà nước xem ô tô là một loại hàng hóa thô"ng thường, không phải đóng quá nhiều loại thuế như vậy”, ông Minh chia sẻ.
Sau khi gành các loại thuế phí chiếc Mustang 2.3 Ecoboots có giá tăng từ 30.000 USD lên đến 130.000 USD.
Anh Trần Nghĩa, cá nhân trực tiếp nhập chiếc Cullinan trên nói: “Ở Việt Nam, thuế phí ô tô rất cao và sau nhiều năm trong nghề, tôi thấy thuế phí không có xu hướng giảm mà thậm chí còn tăng cao hơn cả Singapore”.
Anh Kiều Xuân Hiếu, đại diện một đơn vị nhập khẩu xe sang tư nhân ở Hà Nội cũng cho biết: “Vì phải gánh nhiều thuế nên hầu hết những mẫu xe sang tôi nhập về đều tăng giá cao đột biến. Ví dụ như chiếc Mustang 2.3 Ecoboots giá mua khoảng 30.000 USD nhưng về đến Việt Nam tăng lên 130.000 USD, tăng gấp 4 lần.
“Sau khi có Nghị định mới về siết chặt nhập khẩu ô tô chính hãng, bắt buộc phải có giấy ủy quyền chính hãng thì tư nhân mới được nhập khẩu ô tô, điều này cũng làm chi phí nhập xe tăng cao hơn vì phải nhập theo đường Việt kiều hồi hương”, anh Hiếu tiết lộ thêm.
Ngoài ra, sở dĩ xe sang nhập Mỹ, Anh... vào Việt Nam đội giá cao khủng khiếp như vậy bởi giữa Việt Nam và các nước EU, Mỹ chưa có các cam kết thương mại có ưu đãi thuế nào. Hiệp định Việt Nam- EU vẫn đang gặp nhiều trắc trở, chưa thành hiện thực.
Bên cạnh đó, theo chủ trương của Nhà nước, siêu xe được coi là sản phẩm xa xỉ, dung tích động cơ lớn, tiêu thụ nhiều nhiên liệu, không thân thiện với môi trường nên thuộc đối tượng phải chịu thuế cao.
Thế nhưng, dù chịu thuế cao ngất ngưởng như vậy, siêu xe, xe sang về Việt Nam vẫn tăng và đa dạng các thương hiệu. Điều đó cho thấy mức độ chịu chi của giới nhà giàu Việt.