Giới khoa học tên lửa Trung Quốc đề xuất phát triển một loại tên lửa EMP siêu thanh có tầm bắn 3.000 km (Ảnh: Shutterstock)
Các nhà khoa học tên lửa Trung Quốc mới đây đề xuất phát triển một loại vũ khí siêu thanh cực kỳ nguy hiểm.
Được thiết kế để phát ra xung điện từ cường đại có khả năng quét sạch nguồn cung năng lượng và trang thiết bị liên lạc của địch thủ, thứ vũ khí này còn có tầm bắn lên tới 3.000 km – bằng khoảng cách từ bờ biển phía Đông Trung Quốc tới đảo Guam – và với vận tốc gấp 6 lần vận tốc âm thanh, nó di chuyển trong quãng đường trên chỉ trong vòng 25 phút.
Không giống như các tên lửa đạn đạo, vũ khí này có thể ở lại bầu khí quyển của Trái đất để né tránh các hệ thống cảnh báo sớm đặt trên không gian, cùng lúc sử dụng công nghệ tàng hình để tránh sự phát hiện của hệ thống radar dưới mặt đất; theo nhóm nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Phương tiện Phóng (CALT) ở Bắc Kinh.
Và khi vũ khí này phát nổ ở phía trên khu vực mục tiêu, con người sẽ không chịu rủi ro gì.
Thay vào đó, các đợt sóng điện từ được sản sinh ra sẽ “gây ra hiệu ứng đốt cháy các thiết bị điện tử quan trọng trong mạng lưới thông tin của địch thủ trong vòng bán kính 2 km”; nhà khoa học Sun Zheng và các đồng nghiệp tại CALT viết trong một bản báo cáo công bố trên tạp chí Công nghệ Tên lửa Chiến thuật trong tháng này.
Các loại vũ khí xung điện từ (EMP) trước đây đòi hỏi phải có một đầu đạn hạt nhân mới có thể sản sinh ra năng lượng xung, và điều đó khiến cho phạm vi ứng dụng của nó bị hạn chế. Trong khi đó, vũ khí EMP siêu âm mà CALT đang nghiên cứu lại sử dụng chất nổ hóa học.
Một vụ nổ hóa học sẽ đè nén một nam châm điện có tên gọi “máy phát điện nén thông lượng”, giúp chuyển hóa năng lượng va chạm thành những đợt bùng nổ vi sóng ngắn nhưng cực kỳ mạnh.
Một trái bom EMP phi hạt nhân thường rất nặng và cồng kềnh bởi nó cần phải mang một khối lượng lớn pin để dự trữ đủ điện năng để kích hoạt vụ nổ. Kiểu bom này thường được ném từ một chiếc máy bay.
Vào năm 2017, Mỹ từng cân nhắc về việc sử dụng một tên lửa hành trình cỡ lớn với đầu đạn EMP để làm tê liệt các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên; theo các nhà nghiên cứu thuộc Không quân Mỹ. Tuy nhiên kế hoạch này không được thực hiện, một phần là do lo ngại Triều Tiên có thể phát hiện ra tên lửa đang bay đến và tung đòn trả đũa, rất có thể là tên lửa hạt nhân.
Ông Sun cùng các nhà nghiên cứu tại CALT nói rằng, bước tiến lớn trong thứ vũ khí mới của họ chính là, địch thủ không hề biết là thứ vũ khí này đang bay đến.
Khi một vật thể di chuyển qua không khí với độ xoáy cực cao, các phân tử không khí bị ion hóa bởi nhiệt độ và hình thành nên một lớp mỏng plasma xung quanh bề mặt của vật thể đó. Lớp áo plasma này có thể hấp thụ tín hiệu radar, dù không phải tất cả.
Để đạt được mức độ tàng hình toàn phần, thứ vũ khí mới này được đội ngũ của ông Sun thiết kế sao cho có thể chuyển hóa nhiệt lượng môi trường (thường ở mức trên 1.000 độ C) thành điện năng, và sử dụng lượng điện năng đó để cấp năng lượng cho vô số các bộ phát plasma đặt ở nhiều khu vực khác nhau trên thân của tên lửa.
Một nhà nghiên cứu công nghệ siêu thanh tại Nam Kinh, không tham gia vào dự án này, nói rằng ý tưởng của nhóm nghiên cứu ở CALT là hoàn toàn khả thi, bởi sự chuyển hóa nhiệt và công nghệ sản sinh plasma vốn đã được ứng dụng để giảm lực cản trong các chuyến bay vượt âm.
Để mẫu tên lửa mới đạt được mức trọng lượng nhẹ đủ để bay với vận tốc siêu thanh, nó sẽ không được mang bất kỳ loại pin nào; theo nhóm nghiên cứu CALT.
Thay vào đó, nó sẽ được lắp đặt các siêu tụ điện với mức độ tập trung năng lượng lớn gấp 20 lần pin. Các bộ tụ điện này sẽ được sạc trong lúc bay, sử dụng năng lượng từ các bộ chuyển hóa nhiệt sang điện năng lắp trên tên lửa.
“Nó có thể sạc 95% năng lượng chỉ trong vòng 10 giây” – đội nghiên cứu viết.
Loại tên lửa này vẫn còn đang trong giai đoạn khái niệm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc tự tin rằng “với sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ và trang thiết bị, thứ vũ khí này có thể đóng vai trò nền tảng” trong việc phát triển các hệ thống vũ khí thế hệ tiếp theo của Trung Quốc.