Siêu trực thăng tấn công Raider-X đọ sức với Invictus: Ai sẽ chiến thắng?

Hồng Anh |

Trực thăng tấn công Raider-X của Lockhead Martin sẽ đọ sức với trực thăng Bell 360 Invictus trong vòng loại cuối cùng của chương trình FARA.

Quân đội Mỹ vừa lựa chọn 2 công ty Lockheed Martin and Bell làm ứng viên cuối cùng để tham gia vòng chung kết chế tạo Máy bay Trinh sát tấn công tương lai, hay còn gọi là FARA. Mỗi công ty sẽ chế tạo một nguyên mẫu và người chiến thắng sẽ được lựa chọn vào năm 2023.

Quân đội Mỹ muốn nhanh chóng phát triển loại khí tài này để lấp đầy khoảng trống quan trọng khi trực thăng trinh sát OH-58D Kiowa Warrior sắp được cho nghỉ hưu.

FARA sẽ bay cùng với trực thăng tấn công Apache AH-64E Apache Guardian để định vị và xác định đội hình xe tăng cùng các đơn vị khác của đối phương.

Sau khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát, FARA sẽ huy động các máy bay trực thăng chiến đấu Apache được trang bị tên lửa chống tăng Hellfire, thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa và đạn pháo để phá hủy mục tiêu.

Máy bay trinh sát tấn công trong tương lai được hình dung là loại máy bay trực thăng hạng nhẹ có sự kết hợp giữa khả năng trinh sát và khả năng tấn công để hỗ trợ trực thăng của quân đội và lực lượng bộ binh.

FARA sẽ là một máy bay trực thăng 2 người lái, có bề ngoài tương tự như trực thăng tấn công nhưng nhỏ hơn và nhanh hơn.

Nhiệm vụ của chúng chủ yếu là xác định vị trí và quan sát các lực lượng của đối phương, đặc biệt là xe tăng, sau đó truyền thông tin cho lực lượng pháo binh, máy bay trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu và các lực lượng dưới mặt đất.

Siêu trực thăng tấn công Raider-X đọ sức với Invictus: Ai sẽ chiến thắng? - Ảnh 2.

Trực thăng trinh sát OH-58D Kiowa Warrior thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Getty.

Quân đội Mỹ muốn 1 máy bay FARA tầm xa, có khả năng trinh sát khu vực rộng lớn dưới mặt đất để tìm kiếm kẻ thù. Bên cạnh đó, FARA phải mang được một khẩu pháo nhỏ nhằm đảm bảo khả năng tự vệ và được tích hợp tên lửa chống tăng để tấn công khi có cơ hội.

Chẳng hạn một máy bay trực thăng trinh sát có thể theo dõi tiểu đoàn xe tăng của đối phương, nhanh chóng vô hiệu hóa các phương tiện này, khiến chúng dễ bị tổn thương bởi hỏa lực phòng không.

Defense News cho biết, sản phẩm cạnh tranh của Lockheed Martin là Raider-X do Sikorsky – công ty con của tập đoàn thiết kế. Trực thăng Raider-X có hai cánh quạt nâng quay đồng trục ngược chiều nhau và cánh quạt đẩy ở phía sau.

Trong khi đó, sản phẩm cạnh tranh của Bell là Invictus có cấu tạo mang tính truyền thống hơn với cánh quạt chính và cánh quạt đuôi.

Cả 2 đều được trang bị khẩu pháo tự động có cỡ nòng nhỏ, tên lửa chống tăng cùng các loại vụ khí khác, có thể qua mắt được radar, mặc dù tính năng tàng hình không nằm trong danh sách yêu cầu của quân đội.

Trực thăng Invictus sử dụng hệ thống Air Launched Effects (viết tắt ALE) để tìm kiếm, xác định và tiêu diệt lực lượng của đối phương trên một khu vực rộng lớn trong khi có thể tránh được nguy hiểm.

Để chứng minh cho khả năng tấn công và trinh sát của Invictus, nhà sản xuất đã công bố đoạn video mô phỏng khả năng hủy diệt trận địa tên lửa phòng không S-400. Trong đoạn video, Invictus đã phóng ra một loạt máy bay không người lái tìm kiếm và phá hủy hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400.

Lockheed Martin cũng phát hành một video tương tự cho thấy sức mạnh của trực thăng Raider X. Quân đội Mỹ sẽ bắt đầu đánh giá năng lực của cả 2 thiết kế nói trên vào cuối năm 2023.

Mỹ tung video trực thăng Bell 360 "phá hủy" hệ thống S-400 của Nga


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại