Một cuộc kiểm toán mới được công bố cho thấy NASA cần minh bạch hơn về chi phí và lịch trình liên quan đến siêu tên lửa Mặt trăng - Hệ thống Phóng Không gian (SLS).
SLS là tên lửa được NASA lựa chọn cho Chương trình Artemis, nhằm mục đích thiết lập sự hiện diện lâu dài, bền vững trên và xung quanh Mặt trăng vào cuối những năm 2020.
Tuy nhiên, mục tiêu đầy tham vọng đó có thể khó đạt được do chi phí cho SLS vốn đã vượt quá ngân sách hàng tỷ USD, theo cuộc kiểm toán do Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) thực hiện và công bố vào ngày 7/9.
Tên lửa SLS mạnh nhất của NASA phóng đi ngày 16 tháng 11 năm 2022. Ảnh: NASA
Theo báo cáo của GAO, được gửi tới các ủy ban quốc hội có thẩm quyền đối với ngân sách của NASA: "Các quan chức cấp cao của NASA đã nói với GAO rằng với mức chi phí hiện tại, chương trình tên lửa SLS là "không đủ khả năng chi trả" để khám phá lâu dài".
Trong khi GAO cho biết, chi phí cho SLS đang vượt quá mức cho một chương trình thám hiểm Mặt trăng.
Chi phí cho siêu tên lửa SLS quá đắt đỏ
NASA đã chi 11,8 tỷ USD kể từ khi bắt đầu phát triển SLS vào năm 2011. Tên lửa SLS được phóng vào ngày 16 tháng 11 năm 2022 cho sứ mệnh Artemis 1, đưa một tàu vũ trụ Orion không có người lái bay vòng quanh Mặt trăng và quay trở lại.
Tên lửa này rất cần thiết cho chương trình Mặt trăng của NASA (Artemis programe), với kế hoạch phóng Artemis 2 vào cuối năm 2024, sau đó là chuyến hạ cánh đầu tiên của phi hành đoàn lên bề mặt Mặt trăng vào đầu năm 2025 và một tên lửa SLS nâng cấp dự kiến được phóng vào năm 2028.
11,2 tỷ USD bổ sung đã được phân bổ trong yêu cầu ngân sách liên bang năm 2024 của Nhà Trắng cho công việc trong tương lai của SLS từ năm 2024 đến năm 2028. NASA có kế hoạch sử dụng số tiền này để phát triển các tầng lõi, động cơ tên lửa và các thành phần khác cho SLS, cuối cùng là tăng hiệu quả của phương tiện như cũng như số lượng hàng hóa có thể chuyển lên Mặt trăng cho Artemis.
Những thành phần này bao gồm các tầng lõi và động cơ RS-25 hiện đang được Aerojet Rocketdyne chế tạo. Mỗi lần phóng tên lửa cần bốn động cơ và hai tên lửa đẩy; một động cơ RS-25 hiện có giá sản xuất khoảng 100 triệu USD, Gizmodo thông tin.
Tuy nhiên, theo báo cáo, chi phí cơ bản và lịch trình cho công việc tương lai này vẫn chưa được thiết lập bất chấp những lo ngại kéo dài gần một thập kỷ của GAO.
Báo cáo của GAO được tổng hợp sau khi phỏng vấn các quan chức NASA và xem xét các hoạt động hiện tại, tài liệu SLS và kế hoạch tương lai của cơ quan vũ trụ này.
Báo cáo nêu rõ: "NASA không có kế hoạch tường tận về chi phí sản xuất để theo dõi khả năng chi trả cho tên lửa mạnh nhất của họ, SLS".
Bản sửa đổi năm 2021 trong chính sách của NASA đã cho phép cơ quan này tuân thủ các ước tính chi phí vận hành và sản xuất trong 5 năm sau khi SLS lần đầu tiên chứng minh được khả năng của mình và những ước tính đó phù hợp với ngân sách chung của NASA. Tuy nhiên, các ước tính này không thể thay thế ngân sách dự kiến của dự án trong một giai đoạn cụ thể.
GAO lưu ý rằng NASA đã không cập nhật các ước tính chi phí của mình, bao gồm cả chi phí ngày càng tăng, chẳng hạn như các chi phí do sứ mệnh Artemis 4 bị trì hoãn từ năm 2026 đến năm 2028.
Cơ quan vũ trụ đã trao một hợp đồng trị giá gần 2 tỷ USD để xây dựng các tầng lõi của SLS dành cho các nhiệm vụ Artemis 3 và Artemis 4, nhưng việc kiểm tra hợp đồng của GAO cho thấy "chi phí để sản xuất các tầng lõi liên tiếp đang tăng lên theo thời gian."
Nếu thiếu SLS, Chương trình Artemis của NASA sẽ gặp khó khăn. Ảnh: Internet
Đây không phải là lần đầu tiên chi phí SLS được xem xét kỹ lưỡng. Những lo ngại đó xuất hiện vào đầu năm 2014, chỉ ba năm sau khi công việc xây dựng SLS bắt đầu.
Để giám sát khả năng chi trả của chương trình, GAO đã yêu cầu NASA vào thời điểm đó phác thảo chi phí cho việc phóng SLS Block 1, được chế tạo cho Artemis 1, như một phần của các sứ mệnh Artemis 2 và Artemis 3 trong tương lai.
"NASA đã đồng tình một phần, nhưng vẫn chưa thực hiện khuyến nghị này", GAO cho biết hôm thứ Năm 7/9.
Vào cuối năm 2021, một báo cáo của Văn phòng Tổng thanh tra NASA cho thấy NASA có thể sẽ chi tổng cộng 93 tỷ USD cho Chương trình Artemis từ năm 2012 đến năm 2025 và mỗi lần phóng SLS sẽ tiêu tốn khoảng 4,1 tỷ USD.
Một phần lớn ngân sách được dành cho việc thuê các nhà thầu ở mọi bang của Mỹ và hơn 20 đối tác tương tự trên khắp châu Âu.
Báo cáo của GAO lưu ý một số bước gần đây được NASA thực hiện để tiết kiệm chi phí, bao gồm cả việc sử dụng các hợp đồng cụ thể gây rủi ro cho các nhà thầu thay vì chính phủ, "nhưng còn quá sớm để xác định tác động của các chiến lược đó", GAO cho biết trong phần kết báo cáo của mình.
Tham vọng Mặt Trăng của Trung Quốc
Tháng 7/2023, Trung Quốc - quốc gia vừa gia nhập Cuộc đua Vũ trụ 2.0 - lần đầu tiên công bố chi tiết kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào trước năm 2030, CNN thông tin.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh hàng không vũ trụ ở thành phố Vũ Hán, Zhang Hailian - Phó kỹ sư trưởng của Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) tiết lộ những chi tiết mới về kế hoạch của họ cho sứ mệnh Mặt trăng có người lái, khi Trung Quốc cố gắng trở thành quốc gia thứ hai (sau Mỹ) đưa công dân lên Mặt trăng.
Sứ mệnh dự kiến diễn ra trước năm 2030, đóng vai trò là một phần của dự án thành lập Trạm nghiên cứu quốc tế Mặt trăng - được Nga và Trung Quốc bắt tay thực hiện.
Tân Hoa Xã đưa tin, để chuẩn bị cho sứ mệnh này, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang bận rộn phát triển tất cả các thiết bị cần thiết bao gồm bộ quần áo Mặt trăng, tàu thám hiểm Mặt trăng có người lái, tàu vũ trụ có người lái và tàu đổ bộ Mặt trăng.
Sứ mệnh lên Mặt trăng là bước phát triển mới nhất trong nỗ lực thúc đẩy chương trình không gian của Trung Quốc, vốn đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc đột phá trong những năm gần đây.
Trung Quốc chậm chân trong cuộc đua vào vũ trụ - mãi đến năm 1970 họ mới đưa vệ tinh đầu tiên vào quỹ đạo, một năm sau khi Mỹ đưa phi hành gia đổ bộ Mặt trăng - nhưng Bắc Kinh đã nhanh chóng bắt kịp.
Năm 2013, Trung Quốc đã hạ cánh thành công tàu thăm dò lên Mặt trăng, trở thành quốc gia thứ ba làm được điều này.
Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD cho chương trình không gian đầy tham vọng của mình. Mặc dù không có số liệu công khai chính thức về khoản đầu tư của Bắc Kinh vào thăm dò không gian, công ty tư vấn Euroconsult ước tính khoản đầu tư này vào khoảng 5,8 tỷ USD vào năm 2019, CNN cho hay.
Năm 2019, Trung Quốc đã phóng một tàu thăm dò tới vùng tối của Mặt trăng. Sau đó vào năm 2020, nước này trở thành quốc gia thứ ba (cùng với Mỹ, Liên Xô) thu thập thành công các mẫu đá từ Mặt trăng.
Trung Quốc cũng đã dành vài năm qua để xây dựng Trạm vũ trụ Tiangong của riêng mình, hoàn thành vào tháng 11/2022.
Việc Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) dự kiến sẽ kết thúc hoạt động vào năm 2030 có thể khiến Trạm Tiangong trở thành tiền đồn duy nhất hoạt động trên quỹ đạo Trái đất.
Với hàng loạt thành tựu không gian của Trung Quốc, NASA nói riêng và Mỹ nói chung đang nóng lòng lập được kỳ tích trên Mặt trăng - đưa người tái đổ bộ rồi hiện diện lâu dài tại đó.
Cuộc đua chinh phục không gian giữa các cường quốc đang nóng hơn bao giờ hết.
Nguồn: Space, Gizmodo, CNN