Siêu tên lửa mạnh nhất thế giới của Mỹ 'gặp đại hạn': Cỗ máy 2.875 tấn bất động!

Trang Ly |

Siêu tên lửa mạnh nhất thế giới SLS của Mỹ đang liên tiếp gặp phải những trục trặc kỹ thuật vài ngày qua.

THỬ NGHIỆM SLS HOÃN 2 LẦN

Sau khi NASA hoãn cuộc thử nghiệm tiếp 2,6 triệu lít thuốc phóng siêu lạnh cho siêu tên lửa SLS (Hệ thống Phóng Không gian, hay còn gọi mà Siêu tên lửa Mặt Trăng) tại bệ phóng thuộc Trung tâm Vũ trụ Kennedy ngày 3/4/2022 và lên lịch thử nghiệm lại vào ngày 4/4 thì một sự cố lại xảy ra khiến cho cuộc thử nghiệm ngày 4/4 tiếp tục bị hoãn.

Lý do lần hoãn này là do một thiết bị mặt đất bị kẹt. [Lý do hoãn lần thứ nhất là do hệ thống sử dụng quạt để tạo áp suất cho bệ phóng di động và ngăn chặn các khí độc hại đã thất bại].

Cụ thể, NASA cho biết, một van thông hơi bị kẹt ở trên cao trên cấu trúc bệ phóng di động hỗ trợ SSL đã buộc NASA phải dừng lại để kiểm tra trước khi tiếp nhiên liệu để thực hiện cuộc thử nghiệm cuối cùng của thử nghiệm tiền phóng cho SLS, tên lửa nặng 2.875 tấn của NASA.

Jeremy Parsons, Phó giám đốc phụ trách hệ thống mặt đất của NASA, đã viết trong một bản cập nhật trên Twitter sau cuộc kiểm tra này: "Do những trục trặc về van thông hơi, giám đốc vụ phóng đã ngừng thử nghiệm ngay trong ngày. Nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị giảm tải LOX (oxy lỏng) và sẽ bắt đầu thảo luận về tốc độ quay của động cơ SLS cho lần thử tiếp theo".

Siêu tên lửa mạnh nhất thế giới của Mỹ gặp đại hạn: Cỗ máy 2.875 tấn bất động! - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa SLS phóng lên vũ trụ.

Van thông hơi bị kẹt nằm ở độ cao 49 mét của bệ phóng di động, đóng vai trò vừa là giàn vừa là bệ phóng cho SLS - Jeremy Parsons cho biết.

Nỗ lực tiếp nhiên liệu hôm 4/4 là nỗ lực thứ hai của NASA để lấp đầy tầng lõi của tên lửa SLS cao 98 mét 2,6 triệu lít oxy lỏng siêu lạnh và chất đẩy hydro lỏng. 

Sau khi được phương tiện vận chuyển bánh xích khổng lồ Crawler-Transporter 2 đưa lên bệ phóng ngày 17/3/2022, siêu tên lửa SLS đã được nhóm phóng NASA kiểm tra rất kỹ lưỡng trước khi thực hiện tổng thể cuộc thử nghiệm cuối cùng trước khi SLS lên đường bay tới Mặt Trăng dự kiến trong mùa hè năm 2022.

NASA cho biết, trước khi cuộc thử nghiệm cuối cùng được hoàn thành, SLS phải đảm bảo không có bất kỳ sai sót nào xảy ra trong quá trình tiếp nhiên liệu và đếm ngược phóng.

Space cho biết, hiện chưa rõ NASA có sẵn sàng cho lần tiếp nhiên liệu lần thứ 3 vào ngày 5/4 hay phải dừng lại để bổ sung nguồn cung cấp thuốc phóng và cho phép các tổ lái và bộ điều khiển phóng của SLS có thời gian nghỉ ngơi. 

Sau khi cuộc thử nghiệm tiền phóng hoàn thành, NASA mới công bố thời điểm cho SLS lên đường thực hiện sứ mệnh Artemis 1 - thuộc Chương trình Artemis đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng. 

Chương trình Artemis gồm 3 giai đoạn tương ứng với 3 sứ mệnh Artemis 1-2-3. 

- Sứ mệnh Artemis 1 - dự kiến sẽ bắt đầu ngay sau khi cuộc thử nghiệm tiền phóng thành công - sẽ sử dụng tên lửa Hệ thống Phóng Không gian đầu tiên của NASA để phóng một tàu vũ trụ Orion chưa có người lái bay xung quanh quỹ đạo Mặt Trăng trong 3 tháng và sau đó trở về Trái Đất.

- Sứ mệnh Artemis 2 sẽ diễn ra khi Artemis 1 thành công. Năm 2024, NASA đặt mục tiêu phóng tàu vũ trụ Orion khi đó đã có người lái bay xung quanh Mặt Trăng.

- Sứ mệnh Artemis 3 dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2025, khi đó, hai phi hành gia (một nữ, một nam) sẽ đổ bộ lên bề mặt Mặt Trăng.

NGÂN SÁCH KHỔNG LỒ CỦA NASA

Trong bối cảnh liên quan, Theverge dẫn nguồn tài liệu ngân sách mới được Nhà Trắng công bố cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang yêu cầu Quốc hội chi 26 tỷ USD cho NASA trong năm 2023, nhiều hơn khoảng 2 tỷ USD so với số tiền mà cơ quan vũ trụ nhận được cho năm tài chính hiện tại. 

Nếu con số 26 tỷ USD được phê duyệt, một phần ba ngân sách đó (khoảng gần 9 tỷ USD) sẽ dành cho Chương trình Artemis của NASA - sáng kiến ​​đầy tham vọng của NASA nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng.

Khoản ngân sách 24 tỷ USD mà NASA hiện có trong năm 2022 đang sử dụng cho các chương trình sau:

Hiện, có khoảng 7,5 tỷ USD đang được dành cho Chương trình Artemis, nhằm mục đích đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên Mặt Trăng sớm nhất là vào năm 2025. Một phần của khoản tài trợ đó sẽ dành cho việc phát triển một tàu đổ bộ Mặt Trăng mới có khả năng đưa con người đến bề mặt Mặt Trăng và trở về Trái Đất.

Để đưa con người trở lại Mặt Trăng thế kỷ 21 (kể từ những lần đưa người lên Mặt Trăng thế kỷ 20 trong Chương trình Apollo), NASA đã xây dựng 3 công trình quan trọng: (1, 2) Hai cái đầu tiên bao gồm một siêu tên lửa được gọi là Hệ thống Phóng Không gian, hay SLS, và một tàu vũ trụ có người lái tên là Orion. Cặp đôi này đã được phát triển trong hàng thập kỷ qua và được thiết kế để làm việc cùng nhau để đưa con người đến Mặt trăng. (3) Vật phẩm quan trọng thứ ba cần thiết để hoàn thành cuộc hành trình là một tàu đổ bộ Mặt Trăng

Năm 2021, NASA đã trao cho SpaceX một hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD để phát triển phương tiện Starship mới của công ty thành tàu đổ bộ Mặt Trăng cho Chương trình Artemis.

Siêu tên lửa mạnh nhất thế giới của Mỹ gặp đại hạn: Cỗ máy 2.875 tấn bất động! - Ảnh 4.

Hình minh họa này do SpaceX cung cấp cho thấy thiết kế tàu đổ bộ của con người SpaceX Starship sẽ chở các phi hành gia NASA đầu tiên đổ bộ lên bề mặt Mặt Trăng theo Chương trình Artemis. Ảnh: SpaceX / NASA via AP

Tuy nhiên, mới tuần trước, NASA đã công bố kế hoạch hợp tác với một công ty thương mại khác để phát triển tàu đổ bộ Mặt Trăng thứ hai. Theo tài liệu ngân sách của NASA, khoảng 1,486 tỷ USD đang được phân bổ cho các hệ thống hạ cánh của con người.

Trong khi đó, khoảng 779 triệu USD được dành để phát triển Trạm vũ trụ Mặt Trăng tên là Lunar Gateway - quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng. Lunar Gateway được dùng như một trung tâm cho Chương trình Artemis, nơi các phi hành gia có thể sống và huấn luyện trước khi đi xuống bề mặt Mặt Trăng. Phần đầu tiên của Lunar Gateway dự kiến ​​sẽ ra mắt sớm nhất vào năm 2024.

Ngoài ra, NASA đang muốn phát triển các robot thăm dò trên Mặt Trăng nhằm giúp hiểu rõ hơn về địa hình của Mặt Trăng. Một trong những nhiệm vụ như vậy bao gồm máy thám thính VIPER để "điều tra các mỏ băng có thể cung cấp nhiên liệu và oxy cho các phi hành gia trong tương lai". 

Ngoài Chương trình Artemis, Nhà Trắng đang dành 224 triệu USD để khuyến khích phát triển các trạm vũ trụ thương mại mới ở Quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO), nơi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hiện đang di chuyển.

Cũng trong khoản ngân sách 24 tỷ USD này, gần 8 tỷ USD được dành cho khoa học, trong đó 2,4 tỷ USD dành cho khoa học Trái Đất và nghiên cứu biến đổi khí hậu với hệ thống vệ tinh đang bay trên quỹ đạo Trái Đất. 

Khoản ngân sách 822 triệu USD đang được dành cho NASA để thực hiện việc lấy lại các mẫu đất đá từ sao Hỏa. Năm 2021, NASA đã hạ cánh thành công robot tự hành Perseverance của mình lên Hành tinh Đỏ. 

Hiện tại, NASA đang làm việc với Lockheed Martin và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) để phát triển một bộ phương tiện có thể đưa những mẫu vật đó trở lại Trái Đất để các nhà khoa học có thể nghiên cứu chúng một cách chi tiết hơn và có khả năng hiểu được liệu sao Hỏa đã từng có sự sống hay chưa.

Nguồn: Space, The Verge

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại