Siêu tàu sân bay Trung Quốc
Trung Quốc đã hạ thủy siêu tàu sân bay đầu tiên vào ngày 17/6 tại nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển sức mạnh hải quân của nước này.
Tàu sân bay mới được đặt tên là Type-003 Fujian (Phúc Kiến), ước tính có lượng choán nước từ 85.000 đến 100.000 tấn, có khả năng mang theo khoảng 50 đến 70 máy bay.
Với khả năng như vậy, tàu sân bay Trung Quốc có thể sánh ngang với các tàu sân Mỹ lớp Ford và lớp Nimitz về kích thước và lượng choán nước.
Type-003 Fujian là tàu sân bay được chế tạo và phát triển trong nước đầu tiên của Trung Quốc có hệ thống phóng điện từ trường (EMALS), một bước tiến vượt bậc so với các tàu sân bay trước đó.
Các tàu sân bay trước đây của Trung Quốc sử dụng bệ phóng kiểu "trượt tuyết", giới hạn các loại máy bay có thể xuất kích cũng như nhiên liệu và vũ khí trang bị.
Hệ thống EMALS cho phép triển khai các biến thể cải tiến của J-15B, các phiên bản hải quân của máy bay J-20 và FC-31, máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AWACS) KJ-600 và máy bay không người lái.
EMALS cũng cho phép Trung Quốc thể hiện sức mạnh hải quân ở tầm xa hơn.
Tàu sân bay mới được đánh giá là thiết kế chuyển tiếp giữa một bên là tàu sân bay Type-001 và Type-002 chạy bằng năng lượng thông thường và một bên là siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Vào tháng 2/2018, Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC) tuyên bố đã bắt đầu phát triển tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân để giúp Hải quân PLA "thực hiện chuyển đổi chiến lược và khả năng sẵn sàng chiến đấu ở các vùng biển sâu và đại dương vào năm 2025".
Tàu sân bay mới cũng là một sự khác biệt đáng kể so với hai thiết kế tàu sân bay trước đây của Trung Quốc, dựa trên tàu Đô đốc Kuznetsov thời Liên Xô.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Type-001 Liêu Ninh, từng hoạt động với tên gọi Varyag trong biên chế Liên Xô, nhưng chưa bao giờ được hoàn thiện do Liên Xô rơi vào thời kỳ sụp đổ. Trung Quốc đã mua con tàu chưa hoàn thành vào năm 1998, nghiên cứu và cải biến kỹ lưỡng để sử dụng vào năm 2012.
Tàu sân bay thứ hai của nước này, Type-002 Sơn Đông, dựa trên Type-001 Liêu Ninh nhưng có những cải tiến đáng kể. Các bài học kinh nghiệm thu được từ việc hoàn thiện Type-001 Liêu Ninh và chế tạo Type-002 đã giúp ích cho việc chế tạo Type-003 Fujian, được triển khai chế tạo vào năm 2015.
Tham vọng vươn xa của Trung Quốc
Mặc dù Trung Quốc có thể sánh ngang với Mỹ về số lượng tàu sân khi nước này là quốc gia đóng tàu lớn nhất thế giới, nhưng Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để làm chủ các hoạt động của tàu sân bay, vì Mỹ đã có hơn một thế kỷ kinh nghiệm vận hành những tàu chiến tiên tiến như vậy.
Tuy nhiên, Trung Quốc có lợi thế ở việc dựa vào dữ liệu và quan sát về hoạt động của tàu sân bay Mỹ và của các nước khác, vì vậy họ không cần phải tuân theo phương pháp "mò mẫm" như Mỹ từng làm trước đó.
Việc hạ thủy Type-003 Fujian được giới quan sát đánh giá là để khẳng định vị thế tự hào của hải quân Trung Quốc.
Chủ nghĩa dân tộc cũng là động lực thúc đẩy chương trình của Trung Quốc, vì các tàu sân bay là biểu tượng mạnh mẽ của sức mạnh quốc gia và việc sở hữu những tàu chiến mạnh mẽ này trong lịch sử thường là các cường quốc.
Như vậy, Trung Quốc đang muốn xếp mình vào câu lạc bộ các cường quốc hải quân lớn vận hành tàu sân bay.
Chiến lược hải quân của Trung Quốc cũng tạo động lực cho chương trình tàu sân bay của nước này. Đến năm 2050, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành cường quốc hải quân toàn cầu, với lực lượng hải quân hoạt động ngang hàng với Mỹ. Cho đến nay, tốc độ đóng tàu hải quân của Trung Quốc đã theo kịp tiến trình.
Nước này hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới về số lượng, nhưng Mỹ vẫn dẫn đầu về trọng tải.
Chuyên gia Robert Farley nhận định trên tờ The Diplomat : "Nói một cách rõ ràng, đây sẽ là hàng không mẫu hạm lớn nhất và tiên tiến nhất từng được đóng bên ngoài nước Mỹ. Con tàu này đại diện cho tham vọng hàng hải của Trung Quốc và cho chúng ta thấy rằng Bắc Kinh coi trọng đại dương như thế nào".