Tuyên bố cứng rắn của Iran về việc sẵn sàng phong tỏa eo biển Hormuz bất ngờ trở thành hiện thực vào ngày 13-5, khi tàu chở dầu Kokura Courageous tuyên bố bị tấn công. Đây là sự việc tiếp sau hàng loạt tuyên bố tàu chở dầu bị tấn công khi đi qua eo biển Hormuz trước đó.
Dù sự việc sau đó đã được giải quyết với cáo buộc của Mỹ và phương Tây rằng Iran đứng sau vụ tấn công. Tuy nhiên, những bằng chứng được Mỹ đưa ra không có tính thuyết phục cao.
Vấn đề quan trọng khác là Iran liệu có dám phiêu lưu thực hiện những vụ tấn công ở Hormuz để khiêu khích không chỉ Mỹ và đồng minh, mà còn gần như cả thế giới?
Khiêu khích hay cờ giả?
Điều quan trọng khi tiếp cận vụ tấn công nêu trên là Iran sẽ được gì sau vụ tấn công và nó có đáng để Tehran thực hiện hành động phiêu lưu có thể dẫn tới xung đột quân sự tại Trung Đông.
Đường hàng hải quốc tế qua eo biển Hormuz chịu trách nhiệm vận chuyển 1/5 tổng lượng dầu cho toàn thế giới và bất kỳ gián đoạn nào của con đường hàng hải này đều ảnh hưởng tới nền kinh tế nhiều quốc gia, không chỉ có Mỹ và phương Tây.
Một vấn đề khác cần nhìn nhận sự kiện trên xảy ra trong thời điểm quan hệ giữa Iran với Mỹ và đồng minh đang trong giai đoạn đỉnh cao căng thẳng.
Việc Mỹ tiếp tục duy trì hàng rào cấm vận, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân P5+1, cũng như căng thẳng với hàng loạt quốc gia đồng minh của Mỹ tại Cận Đông liên quan tới vấn đề Syria… đủ để hiểu Iran đang trong cảnh "thập diện mai phục".
Tàu dầu bị tấn công, Iran đang bị Mỹ cáo buộc là thủ phạm.
Vậy trong tình huống như vậy, Tehran liệu có thực hiện vụ tấn công tàu chở dầu trên eo Hormuz để leo thang căng thẳng và có thể là hành động can thiệp quân sự sau đó. Đó thực sự không phải là hành động khôn ngoan trong bối cảnh hiện tại của Iran
Ngoài ra, ngay sau vụ tấn công tàu chờ dầu Kokura Courageous treo cờ Panama thuộc sở hữu một công ty Nhật Bản, Mỹ đã nhanh chóng đưa ra chứng cứ về sự hiện diện của xuồng tuần tra của Iran tiếp cận tàu vận tải này trong đêm tối với những dấu hiệu nhận biết đặc trưng, nhưng không treo cờ.
Kết hợp với những tuyên bố chính thức của Nhà Trắng sau đó, Mỹ rõ ràng muốn cáo buộc Iran liên quan tới sự kiện này.
Sự nhanh nhậy "quá mức" của Washington đã khiến cộng đồng quốc tế nghi ngờ, thậm chí là các quốc gia đồng minh của Mỹ. Trong khi đó, Tehran lên tiếng phủ nhận có dính líu tới sự việc.
Xem xét diễn biến sự việc thì Mỹ dường như đang muốn có thêm một cái cớ để đẩy cao căng thẳng với Iran. Vụ việc tàu Kokura Courageous bị tấn công liệu có giống như sự kiện Vịnh Bắc Bộ hay vũ khí hóa học của Irag hay không sẽ được thấy rõ ràng trong thời gian tới.
Ai là người được lợi sau vụ việc?
Không khó để nhận ra, Mỹ và đồng minh chính là những quốc gia được lợi nhất sau sự kiện vừa xảy ra trên vịnh Homus và thậm chí là về dài hạn.
Đầu tiên, tình hình bất ổn tại eo biển Homus sẽ khiến con đường vận chuyển dầu mỏ từ vùng Vịnh ra toàn thế giới bị ảnh hưởng và dẫn tới giá dầu tăng cao. Điều này rất có lợi đối với ngành hóa dầu từ đá phiến của Mỹ.
Do công nghệ chưng cất phức tạp, yêu cầu chi phí cao, dầu đá phiến của Mỹ rất khó cạnh tranh với dầu thô khai thác truyền thống. Tuy nhiên, với việc dầu thô tăng giá với sự bất ổn tại eo Hormuz, sức cạnh tranh của dầu đá phiến sẽ cao lên với sự ổn định của nguồn cung và khó bị gián đoạn bởi khủng hoảng do được sản xuất tại Mỹ.
Mỹ đang tiến tới một cuộc chiến tranh với Iran? Ảnh minh họa: BBC.
Dù động thái tăng giá của dầu thô sau sự kiện eo Hormuz chỉ khoảng 2,5%, nhưng về dài hạn, nguy cơ khủng hoảng tiềm tàng ở khu vực này vẫn có khả năng làm giá dầu thô leo thang. Điều này hoàn toàn có lợi cho Mỹ và đồng minh về dài hạn.
Cùng với đó, căng thẳng với Iran leo thang sẽ giúp tăng vị thế của Mỹ và đồng minh tại Trung Đông.
Nguy cơ về khả năng xung đột quân sự với Iran sẽ khiến hàng loạt quốc gia đồng minh của Mỹ tại Trung Đông phải thêm phụ thuộc vào Mỹ về an ninh và đi kèm với đó là sự nhượng bộ với Washington về vấn đề kinh tế, chính trị. Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò "cảnh sát quốc tế" ở khu vực rốn dầu thế giới này.
Tiếp đó, khủng hoảng với Iran sẽ giúp xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng mạnh.
Nguy cơ xung đột tại Trung Đông sẽ khiến các quốc gia trong khu vực tiếp tục mở rộng hầu bao mua sắm vũ trang, trang bị quân sự và phần lớn trong số chúng sẽ rơi vào tay các nhà thầu quân sự Mỹ và phương Tây do chủ trương của các quốc gia vùng Vịnh là luôn sử dụng các hợp đồng quân sự lớn để mua lấy sự bảo hộ về an ninh.
Về phía Mỹ, sau sự kiện với Iran sẽ không còn cảnh Tổng thống D. Trump phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp để cung cấp vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Saudi Arabia, bởi đơn giản tình hình khu vực đã đủ nóng bỏng.
Hiện tại, vẫn chưa xác định được ai đứng đằng sau những vụ tấn công tàu chở dầu qua eo Hormuz. Tuy nhiên, ai được lợi nhất và có lý do nhất để đẩy cao căng thẳng tại khu vực vốn rất nhạy cảm với thế giới này thì ai cũng rõ…