Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ kế tiếp T-14 Armata của Nga đã được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến giúp nó giành được lợi thế đáng kể so với các phương tiện thiết giáp thuộc những phiên bản cũ hơn.
Bên cạnh đó, T-14 Armata còn được đặt trên khung gầm có tính module hóa cao với mục đích tạo thuận lợi cho các chương trình hiện đại hóa sâu rộng và tích hợp các hệ thống vũ khí mới những năm về sau. Cho đến nay, Armata được đánh giá là một trong những mẫu xe tăng linh hoạt nhất từng đưa vào biên chế.
Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, đang xuất hiện những thông tin cho thấy, ở các phiên bản nâng cấp hoặc chuyên biệt hóa, các lực lượng vũ trang Nga nhiều khả năng sẽ trang bị cho dòng tăng này một loại pháo mới với cỡ nòng lớn hơn: 152 mm.
MBT của Nga từ lâu đã sử dụng pháo 125 mm, nhưng khi Armata trang bị pháo chính cỡ nòng 152 mm sẽ giúp nó uy lực hơn nhiều so với các thế hệ tăng tiền nhiệm. Một số tính năng nổi bật có thể kế đến ở đây là độ chính xác tăng cao, tốc độ bắn 12 phát/phút, tầm xuyên phá hiệu quả 8 km và khả năng triển khai trên tháp pháo không người lái.
Loại pháo mới này có thể bắn nhiều loại đạn chuyên dụng tiên tiến, gồm cả đạn xuyên giáp, tên lửa có điều khiển, đạn phá mảnh và thậm chí là tên lửa đất đối không, qua đó cho phép Armata dễ dàng đối phó hiệu quả với nhiều mối đe dọa khác nhau.
Trong Thế chiến thứ Hai, Quân đội Liên xô đã từng sử dụng rộng rãi các pháo cỡ nòng 152 mm và được triển khai như những "sát thủ" xe tăng để tiêu diệt các phương tiện thiết giáp tiên tiến của Phát xít Đức, chẳng hạn như Tiger - loại gần như miễn nhiễm với các vũ khí cỡ nòng nhỏ hơn biên chế cho các đơn vị thiết giáp của Liên Xô.
Tăng T-14 Armata tiến về Quảng trường Đỏ tham gia Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng thường niên năm 2015. Ảnh: Reuters
T-14 Armata trang bị pháo 152 mm: Vũ khí thay đổi cuộc chơi?
Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong chế tạo các loại đạn xuyên giáp trang bị cho các thế hệ xe tăng uy lực trước đây mà Liên Xô tự tin có thể loại bỏ được những dòng xe bọc thép phương Tây thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, nên các pháo cỡ nòng 152 mm đã không được sử dụng cho nhiệm vụ tuyến đầu.
Phải đến tận những năm 1980, khi căng thẳng với phương Tây gia tăng và với việc Mỹ đưa vào biên chế MBT M1 Abrams - dòng tăng có khả năng sống sót cao nhất mà phương Tây từng chế tạo, thì Quân đội Liên Xô mới lại cân nhắc triển khai trở lại pháo 152 mm.
Pháo 152 mm mới được thiết kế bởi Phòng KB-3 thuộc Cục thiết kế Kirov và dự kiến sẽ triển khai trên khung gầm T-80 cho xe tăng Object 292, nhưng vì những khó khăn trong quá trình phát triển và do sự sụp đổi của Liên Xô nên dự án chưa bao giờ được hoàn thành.
Sau đó, một loại tháp pháo mới đã được thiết kế riêng cho T-80, do đây là dòng phương tiện tương đối nhỏ nên không thể lắp đặt một pháo cỡ nòng lớn như vậy.
Pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV
Tiềm năng triển khai pháo 152 mm trên các xe tăng tương lai của Nga vẫn còn và một chương trình như vậy nhiều khả năng sẽ dựa chủ yếu vào những kinh nghiệm phát triển Object 292 trước đó của Liên Xô.
Do đó, nếu như Nga quyết định triển khai pháo 152 mm cho Armata thì nó sẽ đóng vai trò như loại vũ khí làm "thay đổi cuộc chơi", góp phần nhân lên gấp bội hiệu quả tác chiến của dòng tăng thế hệ kế tiếp này, nhất là khi các nhà thiết kế có thể đạt được tốc độ bắn như pháo 125 mm trang bị cho T-14 hiện nay.
Ưu thế này sẽ cho phép Armata cạnh tranh tốt hơn với các dòng tăng đối thủ như K2 Black Panther của Hàn Quốc hay những mẫu thế hệ 4 sắp tới của phương Tây.
Khi được triển khai cùng với hệ thống pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV với tầm bắn xa nhất thế giới, T-14 trang bị pháo 152 mm sẽ giúp các đơn vị thiết giáp của Nga thống lĩnh lợi thế công nghệ gần như tuyệt đối trên mặt đất, sẵn sàng đối phó với bất kỳ đối thủ tiềm ẩn nào.
Xe tăng T-90M mạnh ngang T-14 Armata sẽ được trang bị cho Quân đội Nga từ năm 2018.