Siêu tăng mới của Đức rất đẹp, nhưng đặt tên là "Panther" sẽ khiến vũ khí này ế hàng?

Mạnh Kiên |

Kf51 Panther được kỳ vọng sẽ thay thế dòng tăng chủ lực ở châu Âu, thế nhưng việc đặt cái tên "Panther" lại là một quyết định tồi cho việc bán hàng.

"Báo săn mồi" trở lại

Đức đang đưa xe tăng Panther trở lại. Tất nhiên, đó không phải xe tăng khét tiếng của Đức Quốc xã, thứ mà nhiều người phải công nhận là xe tăng tốt nhất trong Thế chiến II. Phương tiện lần này là xe tăng Kf51 Panther, vừa được nhà sản xuất Rheinmetall ra mắt tại triển lãm thương mại quốc phòng Eurosatory ở Paris.

Vì một số lý do, sự ra đời của xe tăng mới đã đặt ra câu hỏi liệu có được các quốc gia châu Âu chấp nhận hay không.

Bản thân xe tăng Kf51 dựa trên nền tảng cũ: Leopard 2, được đưa vào biên chế Tây Đức vào năm 1979, kể từ đó đã được xuất khẩu sang gần 20 quốc gia, bao gồm Canada, Indonesia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sử dụng khung gầm của Leopard 2, nhưng Panther sở hữu một tháp pháo mới với pháo nòng trơn 130 mm – được gọi là "Hệ thống Pháo Tương lai Rheinmetall" - và một súng máy 12,7 mm đồng trục.

Kf51 có thể được coi là một chiếc xe tăng thế hệ tiếp theo. Nó thay thế tổ hợp pháo 120 mm và súng máy 7,62 mm vốn là tiêu chuẩn trên xe tăng phương Tây từ những năm 1980, như Leopard 2, M-1 Abrams, Challenger của Anh và Merkava của Israel.

Panther có nhiều tính năng tiên tiến, bao gồm khả năng nạp đạn tự động cho tốc độ bắn nhanh. Kíp lái cũng giảm từ bốn người xuống còn ba người.

Phương tiện cũng có các hệ thống bảo vệ chủ động và thụ động trước tên lửa chống tăng, cũng như khả năng điều khiển máy bay không người lái và phóng đạn lảng vảng.

Siêu tăng mới của Đức rất đẹp, nhưng đặt tên là Panther sẽ khiến vũ khí này ế hàng? - Ảnh 1.

Rheinmetall cũng nhấn mạnh Kf51 là một phương tiện kỹ thuật số mà kíp lái có thể vận hành thông qua các máy trạm. "Các nhiệm vụ kiểm soát cảm biến và vũ khí có thể được thông qua giữa các thành viên kíp lái ngay lập tức", theo trang web của Rheinmetall.

"Mỗi máy trạm có thể bàn giao và tiếp quản các nhiệm vụ và vai trò từ những người khác mà không bị giảm chức năng", theo tuyên bố từ Rheinmetall.

"Tháp pháo và vũ khí cũng được cung cấp cho các trạm làm việc, các nâng cấp trong tương lai đang được lên kế hoạch bao gồm tháp pháo không người lái và vận hành từ xa".

Tất cả tính năng tiên tiến trên nằm trong một chiếc xe chỉ nặng 59 tấn, so với 70 tấn của một chiếc M1A2 Abrams.

Nhiều người sẽ thấy những điều này khá quen thuộc, bởi vì nhiều tính năng của Kf51 được cho là có trong T-14 Armata của Nga, một loại xe tăng thế hệ mới bao gồm tháp pháo không người lái được trang bị pháo 125 mm, máy bay không người lái tích hợp và khả năng hoạt động như một phương tiện không người lái hoàn toàn.

T-14 vẫn chưa được đưa vào sử dụng, tuy nhiên, nó đã khiến quân đội phương Tây lo ngại những chiếc xe tăng từ thời Chiến tranh Lạnh của họ đã trở nên lỗi thời. Rheinmetall tuyên bố vũ khí trang bị của Panther và các hệ thống khác sẽ hoàn toàn vượt mặt T-14.

Nhưng một số ý kiến cho rằng các tuyên bố trên dù là về Kf51 hay T-14 thì cũng còn nhiều hoài nghi.

Ví dụ, chiếc Armata được ca tụng là thế, nhưng đã không được Quân đội Nga mua với số lượng lớn, với nhiều lý do như giá thành, hoặc có thể là năng lực chưa hoàn thiện.

Kf51 trông rất ấn tượng, nhưng hãy nhớ rằng ngay cả những chiếc Panther của Đức Quốc xã ngày xưa dù được đánh giá cao cũng bị hạn chế phần nào bởi độ tin cậy kém, lớp giáp bảo vệ dày ở phía trước nhưng mỏng ở hai bên và phía sau, hệ thống giảm xóc và đường ray phức tạp cũng như bảo trì khó khăn.

Siêu tăng mới của Đức rất đẹp, nhưng đặt tên là Panther sẽ khiến vũ khí này ế hàng? - Ảnh 2.

Cái tên nhạy cảm

Kf51 có thể là xe tăng chiến đấu chủ lực mới của châu Âu? Leopard 2 đã hoàn thành vai trò đó, dù là không chính thức. Mẫu xe tăng này được vận hành bởi nhiều quân đội phương Tây và Đông Âu.

Trở ngại lớn hơn đối với Panther - ít nhất là một loại xe tăng chiến đấu chủ lực phổ biến ở châu Âu - có thể ở chính cái tên.

Đành rằng Đức có truyền thống đặt tên xe bọc thép theo các loài thú săn mồi họ nhà mèo, nhưng việc đặt tên Kf51 giống tên xe tăng hàng đầu của Đức Quốc xã có thể không phải là chiến lược tiếp thị tốt nhất cho một khu vực có ký ức đáng buồn về những con thú bọc thép Tiger, Panther và Elephant.

Đó chắc chắn là một món quà dành cho các hãng sản xuất là đối thủ của phương Tây để sử dụng trong việc "dìm hình ảnh" mẫu xe tăng này.

Hơn nữa, Pháp và Đức đang hợp tác trong dự án Hệ thống Chiến đấu Mặt đất Chủ lực (MGCS) , được cho là sẽ thay thế các xe tăng Leopard 2 của Đức và Leclerc của Pháp. Điều đó có nghĩa là hai khách hàng lớn tiềm năng của Kf51 dã có một hướng đi khác.

Hơn nữa, đấy mới chỉ là giả sử rằng các quốc gia châu Âu sẵn sàng chi hàng tỷ USD cho các loại xe tăng mới, trong khi rõ ràng các ưu tiên ngày nay vẫn dành cho các mẫu chiến đấu cơ tiên tiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại