Những chiếc xe tăng T-14 Armata của Nga
Tập đoàn Rostec của Nga cho biết họ đã bắt đầu thử nghiệm phiên bản không người lái của xe tăng T-14 Armata và sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm tới.
"Xe tăng Armata ban đầu được thiết kế như một phương tiện điều khiển bằng kíp lái. Nhưng trình độ công nghệ hiện đại ngày nay đã khiến nó có thể biến nó thành một phương tiện chiến đấu không người lái.
Chúng tôi đã tiến hành các cuộc thử nghiệm thích hợp và kết quả thành công", Vladimir Artyakov, Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Rostec cho biết.
Sergei Chemezov, người đứng đầu Rostec cho biết:
"Nếu nói về Armata, thì mọi thứ sẽ được tự động hóa hết mức có thể. Ví dụ, tổ lái của Armata không cần nhắm chính xác mà chỉ cần nhắm súng gần đúng mục tiêu. Chiếc xe tăng này sử dụng các yếu tố của trí tuệ nhân tạo (AI) giúp kíp lái khai hỏa chính xác. Người điều khiển chỉ cần chỉ ra hướng tới mục tiêu, sau đó mọi thứ được thực hiện độc lập".
UralVagonZavod, công ty chế tạo máy của Nga, đã gợi ý về khả năng phát triển phiên bản không người lái của xe tăng vào tháng 8 năm ngoái trong Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự Quốc tế "Army-2020" được tổ chức tại Moscow.
T-14 Armata là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 5 của Nga dựa trên nền tảng chiến đấu đa năng Armata.
Xe tăng được vận hành bởi một kíp lái 3 người trong một khoang bọc thép ở phía trước. T-14 có thể được sử dụng như một phương tiện trinh sát, chri định mục tiêu và điều chỉnh hỏa lực cho pháo tự hành, hệ thống tên lửa đất đối không và xe tăng T-90.
T-14 được cho là xe tăng đầu tiên trên thế giới tích hợp công nghệ "chiến tranh mạng làm trung tâm". Một tính năng độc đáo khác của nó là việc bố trí kíp lái trong một khoang bọc thép, ngăn cách với tải đạn, giúp bảo vệ an toàn cho kíp lái
Trang bị của xe tăng bao gồm súng máy điều khiển từ xa 7,62mm và pháo nòng trơn 125mm. T-14 đã được sơn lớp chống trượt và có nhà vệ sinh để tạo sự thoải mái cho kíp lái trong các nhiệm vụ chiến đấu dài ngày.