Sóng thần là một trong những thảm họa tự nhiên đáng sợ nhất trên Trái Đất. Theo các nhà địa chất học, sóng thần sinh ra từ những trận động đất, những dịch chuyển địa chất cả trên và dưới mặt nước, núi lửa phun trào và va chạm của thiên thạch với Trái Đất.
Sự kiện sóng thần ở Indonesia xảy ra sau khi núi lửa Anak Krakatau phun trào gây sạt lở đất đá xuống biển, tạo nên cơn sóng thần cao 3m tấn công vùng eo biển Sunda (Indonesia) lúc 21:30' giờ địa phương ngày 22/12 đã khiến hàng nghìn người thương vong, trong số đó, theo thống kê của The Guardian (Anh), ít nhất 280 người đã thiệt mạng sau thảm họa những ngày cuối năm này. (Đọc chi tiết).
Xem video sóng thần ở Indonesia 2018:
Xem video quay từ trên máy bay ghi lại cảnh núi lửa Krakatau con “thức giấc” ở Eo Sunda, giữa đảo Sumatra và Java.
Lịch sử địa chất thế giới ghi nhận, Trái Đất từng diễn ra siêu sóng thần lớn nhất trong lịch sử. Cao gấp hàng trăm lần so với thảm họa sóng thần ở Indonesia 2018.
"Bức tường nước" cao 524m gầm thét: Cơn ác mộng của Alaska cách đây 6 thập kỷ
Vào đêm ngày 9/7/1958, một trận động đất mạnh 7,7-8,3 độ richter đã gây ra một trận lở đất khổng lồ trên bờ đông bắc vịnh Lituya dọc theo bờ biển phía nam bang Alaska (Mỹ).
Trận động đất xảy ra dọc theo khe đứt gãy Fairweather. Chính Fairweather cũng khiến cho địa hình của vịnh Lituya có hình dạng chữ T đặc biệt như vậy khi nhìn trên cao. Vịnh dài 11,2km, rộng 3,2km.
Vịnh hẹp Lituya có hình chữ T đặc biệt khi nhìn từ trên cao. Nguồn: Google
Sau khoảnh khắc trận động đất xảy ra, 40 triệu mét khối vật chất ở độ cao 914 mét đã lao từ sườn núi xuống vùng biển Gilbert Inlet. Một phần đất đá rơi trúng sông băng Lituya. Tất cả điều này đã gây nên một cột sóng thần cao hơn 30m ngay lập tức trước khi di chuyển.
Không dừng ở độ cao đó, tác động của động đất mạnh cùng dư chấn và sạt lở đất khổng lồ đã khiến sóng thần tiếp tục thu năng lượng và tăng dần chiều cao lên đến 524 mét, trở thành siêu sóng thần lớn nhất trong lịch sử Trái Đất.
Ở độ cao khủng khiếp này, siêu sóng thần trên vịnh Lituya hoàn toàn có thể "nuốt trọn" tòa nhà Empire State cao 443 mét của Mỹ.
Siêu sóng thần khổng lồ cao hơn 520m tiếp tục di chuyển xuống toàn bộ hai bên của vịnh Lituya, qua La Chaussee Spit và vào vịnh Alaska. Sức mạnh không gì cản phá nổi của siêu sóng thần đã khiến hàng triệu cây dọc theo hai bờ của vịnh bị bật gốc và bị cuốn đi.
Bản đồ thiệt hại của vịnh Lituya sau thảm họa sóng thần cao 524m: Hai bên vịnh bị sóng thần phá hủy hoàn toàn (màu vàng). Màu đỏ là nơi hàng chục triệu mét khối đá lở sau trận động đất. Nguồn: Google
Do vịnh hẹp Lituya là nơi tập trung phổ biến của ngư dân địa phương và vào đêm định mệnh 9/7/1958 đó, có ba chiếc thuyền đánh cá đang neo đậu ở đó.
Trong số đó, một chiếc bị hư hại, một chiếc khác bị chìm, may mắn thay ngư dân trên hai thuyền này được cứu kịp thời. Chiếc thuyền còn lại cùng hai ngư dân đã biến mất không một dấu vết, sóng thần đã cuốn trôi họ ra ngoài biển vĩnh viễn.
Vịnh Lituya vài ngày sau thảm họa siêu sóng thần khủng khiếp nhất trong lịch sử. Nguồn: USGS
Những con sóng thần cao từng được ghi nhận
Theo các nhà khoa học, gió trên biển tạo nên những con sóng cao trung bình 3 mét. Còn trong những ngày bão biển nổi lên, những con sóng cao nhất cũng chỉ khoảng 9 mét.
Tuy nhiên, tự nhiên khó lường! Những sự kiện địa chất như động đất, sóng thần, dịch chuyển mảng kiến tạo, thiên thạch va chạm với Trái Đất... đều có thể tạo nên những siêu sóng thần cao khủng khiếp, có sức mạnh không gì cản phá nổi.
Tạp chí Smithsonian của Viện khoa học Smithsonian (Mỹ) đã thống kê những trận sóng thần khủng khiếp khác từng xảy ra trong lịch sử, đặc biệt là những năm gần đây:
Sóng cao 9 mét:
Banzai Pipeline ở Hawaii nổi tiếng với "đặc sản" là những con sóng cao 9m, cuồn cuộn như một chiếc ống nước khổng lồ. Đây là địa điểm mà dân lướt sóng ưa mạo hiểm của thế giới tụ họp để thử thách bản thân.
Smithsonian Magazine bình chọn Banzai Pipeline là nơi lướt sóng nguy hiểm nhất hành tinh. Ít nhất 10 người được cho là đã thiệt mạng tại đây.
Sóng thần cao 15 mét:
Một con sóng thần cao 15 mét tại Ấn Độ Dương cách đây 14 năm có tốc độ di chuyển lên đến 804km/giờ. Với tốc độ và độ cao này, sóng thần từ ngoài đại dương đã tông thẳng vào đất liền 1,6km khiến 200.000 người thiệt mạng.
Sóng thần cao 26 mét:
Tính cho đến năm 1995, các nhà khoa học không tin vào sự tồn tại của sóng cồn, hay sóng quái vật, ngoài đại dương cho đến khi những tháng đầu năm 1995, một thiết bị giám sát biển ngoài khơi bờ biển Na Uy đã ghi được hình ảnh của con sóng cao 26 mét, được bao quanh bởi con sóng khác cao 6 mét.
Các nhà khoa học đưa ra giải thích cho sự hình thành của con sóng quái vật này là hai hoặc nhiều con sóng lớn gặp nhau, tạo thành con sóng cao nhất, được bổ trợ sức mạnh từ những con sóng khác.
Bài viết sử dụng các nguồn: Forbes, Smithsonianmag, Geology