Siêu sinh vật mọc đầy Việt Nam: Giúp vượt 'bão hủy diệt' biến đổi khí hậu, hấp thụ CO2 gấp 8 lần cây xanh

Nguyệt Phạm |

Cả thế giới đã và đang rất kỳ vọng về tương lai của loại siêu sinh vật này.

Nội dung chính

  • Loại siêu sinh vật có nhiều ưu điểm nổi trội
  • Loại sinh vật mang lại hiệu quả kinh tế cao với chi phí đầu tư thấp

Hội thảo về loài siêu sinh vật đặc biệt ở Việt Nam

Ở Việt Nam, một loài siêu sinh vật đặc biệt đang được chú ý vì khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Đó chính là bèo hoa dâu. Đây cũng là một trong số lợi ích của bèo hoa dâu được đề cập trong một hội thảo được tổ chức tại Hà Nội. Cụ thể theo báo Thanh tra, ngày 8/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo "Bèo hoa dâu: Tiềm năng và thách thức trong sản xuất nông nghiệp bền vững".

Siêu sinh vật mọc đầy Việt Nam: Giúp vượt 'bão hủy diệt' biến đổi khí hậu, hấp thụ CO2 gấp 8 lần cây xanh - Ảnh 1.

Quang cảnh của buổi hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội ngày 8/8. (Ảnh: Doanh nghiệp Kinh tế Xanh)

Tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm Gia Minh đến từ Trung tâm Bèo hoa dâu Việt Nam – Azovi cho biết, bèo hoa dâu đang được nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan… đang ứng dụng ở quy mô lớn trong trồng trọt, chăn nuôi, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất dược phẩm. Các nhà khoa học phương Tây coi bèo hoa dâu là siêu sinh vật giúp vượt qua "cơn bão hủy diệt" do biến đổi khí hậu.

Vậy bèo hoa dâu là loài thực vật thế nào?

Tầm quan trọng của loại siêu sinh vật đặc biệt

Theo thông tin trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bèo hoa dâu (tên khoa học là Azolla) là loại thực vật sinh sôi nhanh bậc nhất trên hành tinh, phát triển không cần đất, cung cấp nguồn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, là nguồn phân bón sinh học và có ở mọi nơi trên thế giới. Azolla không phải là một mà là hai sinh vật khác nhau cùng chung sống hòa thuận, chia sẻ tài nguyên và khả năng của nhau.

Cụ thể, cây bèo hoa dâu sống nổi trên mặt nước và có khả năng cộng sinh với loài tảo lục (vi khuẩn lam) cố định nitơ (đạm tự nhiên) Anabaena Azollae. Mối cộng sinh với Anabaena cho phép Azolla thực hiện được việc trực tiếp tách các phân tử dinitrogen tạo nên 78% bầu khí quyển của Trái đất.

Siêu sinh vật mọc đầy Việt Nam: Giúp vượt 'bão hủy diệt' biến đổi khí hậu, hấp thụ CO2 gấp 8 lần cây xanh - Ảnh 2.

Bèo hoa dâu là loại siêu sinh vật sinh sôi nhanh nhất trên hành tinh. (Ảnh: Tổ quốc)

Cũng theo tiến sĩ Phạm Gia Minh, bèo hoa dâu chính là yếu tố đã giúp biến đổi khí hậu nhà kính 49 triệu năm trước khi nhiệt độ trung bình tại Bắc cực là 200C sang khí hậu mát mẻ ngày nay với hai cực có băng. Sở dĩ có được sự biến chuyển thần kỳ đó là nhờ khả năng hấp thụ CO2 gấp nhiều lần cây xanh và gấp đôi sinh khối chỉ sau 3-5 ngày.

Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cho thấy loại bèo này không chỉ có giá trị trong trồng trọt và chăn nuôi mà còn đóng góp vào việc giảm phát thải methane (CH4) từ ruộng lúa từ 20-40%. Tín chỉ carbon thì 1m3 CH4 tương đương 28 m3 CO2. Theo một số tính toán khác, nếu như 25% diện tích lúa nước ở Việt Nam được thả bèo hoa dâu thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu giảm phát thải 9% khí methan CH4 như chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP 26. Điều này mở ra khả năng hợp tác với các quỹ tài trợ chống biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ.

Sự cộng sinh Azolla-Anabaena, dẫn đến bèo hoa dâu có khả năng hấp thụ carbon dioxide (CO2) lên tới 8 lần so với cây cối bình thường. Cơ quan NASA của Mỹ và một số cơ sở nghiên cứu ở Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Anh… đã làm thực nghiệm để rút ra những kết luận định lượng quan trọng: Mỗi ha bèo hoa dâu có thể hấp thụ 2.587kg CO2/năm (trong điều kiện lượng CO2 đạt nồng độ 338ppm của không khí thường) vậy là cao gấp 8 lần một ha rừng và 32 lần một ha cỏ tự nhiên. Nồng độ CO2 càng cao thì bèo hoa dâu lại hấp thụ được càng nhiều, cụ thể là ở mức 1.000ppm azolla sẽ hấp thụ 4.460kg CO2/ha/năm và ở mức 1.600ppm bèo dâu sẽ hấp thụ 6.569kg CO2/ha/năm.

Siêu sinh vật mọc đầy Việt Nam: Giúp vượt 'bão hủy diệt' biến đổi khí hậu, hấp thụ CO2 gấp 8 lần cây xanh - Ảnh 3.

Bèo hoa dâu không chỉ có giá trị trong trồng trọt và chăn nuôi mà còn đóng góp vào việc giảm phát thải methane. (Ảnh: Bèo hoa dâu)

Bèo hoa dâu có khả năng chuyển đổi CO2 thành O2 cao hơn so với các loài thực vật ứng cử viên khác. Bèo hoa dâu có năng suất cao gần gấp ba lần so với lúa và ngô, và cao hơn 50% so với súp lơ - một loài thực vật được chú ý là có mức độ giải phóng oxy cao. Kết quả là, một khu vực trồng loài thực vật này có diện tích 8 mét vuông có thể hấp thu CO2 thải ra và cung cấp O2 cần thiết cho một người trưởng thành.

Được biết đến với tốc độ sinh trưởng nhanh và ít đòi hỏi về điều kiện sống, bèo hoa dâu có tiềm năng không chỉ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà còn trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, bèo hoa dâu có hàm lượng dinh dưỡng cao. Nó gần bằng đậu tương, gấp bốn lần ngô và hai lần cỏ linh lăng. Nó có thể được chế biến thành món salad, món nguội hoặc phục vụ như một phần của các món ăn nóng với bèo hoa dâu chiếm đến 60% trọng lượng. Những loại bèo hoa dâu chứa ít hoặc không có BMAA đều có thể là nguồn thức ăn rất tốt.

Siêu sinh vật mọc đầy Việt Nam: Giúp vượt 'bão hủy diệt' biến đổi khí hậu, hấp thụ CO2 gấp 8 lần cây xanh - Ảnh 4.

Mô hình bèo hoa dâu của HTX rau an toàn ở Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, việc sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón sinh học còn giúp giảm lượng đạm Urê phải sản xuất, giúp tiết kiệm tài nguyên nước và năng lượng. Năm 2018, trên toàn cầu có 2.170.000 tấn phân Urê được sản xuất, tiêu tốn 27.742.225m3 nước, chiếm 16% lượng nước tiêu thụ toàn cầu; tiêu tốn 376.979.956 kWh điện, chiếm 26% lượng điện tiêu thụ toàn cầu. Giảm sản xuất mỗi tấn Urê sẽ tiết kiệm được 12,8m3 nước và 173,7 kWh điện.

Cũng như các chi, loại bèo khác, bèo hoa dâu có thể hấp thu kim loại nặng, chất khoáng, trong đó có NO3-. Cần biết rằng, không có giải pháp vật lý và hóa học nào để có thể tách NO3- ra khỏi nguồn nước mặt, nhưng giải pháp sinh học thì có thể. Thực vật thủy sinh nói chung hấp thu NO3- làm giảm nguy cơ ô nhiễm NO3- ở nguồn nước mặt và bèo hoa dâu là giải pháp lý tưởng để xử lý nước thải.

Một thực tế thú vị là tại Việt Nam, bèo hoa dâu từng rất phổ biến nhưng giá trị thực sự của nó trong nông nghiệp chỉ mới được nhận ra gần đây. Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Phó Giám đốc HTX Vân Hội Xanh ở Vĩnh Phúc, cho biết việc trồng bèo hoa dâu không chỉ không cạnh tranh về không gian và dinh dưỡng với cây trồng chính mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao với chi phí đầu tư thấp.

Siêu sinh vật mọc đầy Việt Nam: Giúp vượt 'bão hủy diệt' biến đổi khí hậu, hấp thụ CO2 gấp 8 lần cây xanh - Ảnh 5.

Hình ảnh ao bèo hoa dâu giống. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Bên cạnh những lợi ích, việc phát triển bèo hoa dâu cũng đối mặt với thách thức như việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học làm suy giảm số lượng loài thực vật này. Chính vì thế, cần có sự quản lý và phát triển bền vững, bao gồm việc lựa chọn vùng trồng phù hợp, cơ giới hóa và tự động hóa trong canh tác, cũng như xây dựng định mức kỹ thuật cho việc sử dụng chúng trong nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Lê Minh Hoan, đánh giá rất cao tiềm năng của bèo hoa dâu và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phục hồi loài thực vật này, đồng thời gọi đây là khởi đầu cho một nền nông nghiệp có trách nhiệm, giảm phát thải, và phát triển bền vững.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại