Theo Sci-News, các mẫu vật ban đầu được phát hiện bởi nhóm thợ săn hóa thạch nghiệp dư "Rock Chicks", sau đó được thu thập và nghiên cứu bởi nhóm khoa học gia đẫn dầu bởi nhà cổ sinh vật học Espen Knutsen của Mạng lưới Bảo tàng Queensland.
Nó được xác định là một con thuộc loài Eromangasaurus australis, một thành viên của nhóm bò sát biển đáng sợ elasmosaur, tức một chi "thằn lằn đầu rắn", nổi tiếng với chiếc cổ dài như cổ rắn, ngự bên trên là chiếc đầu quái dị với mõm dài và răng sắc nhọn, thân hình thì gần "đúng chuẩn" khủng long với 4 chân được thay thế bằng 4 vây lớn và khỏe.
Bức ảnh chụp hóa thạch giữa các nhà cổ sinh vật học, được phủ thêm "bóng ma" bằng đồ họa để dễ hình dung về siêu quái vật khi còn sống - Ảnh: BẢO TÀNG QUEENSLAND
Con Eromangasaurus australis này sống vào khoảng 100 triệu năm trước, tức thuộc kỷ Phấn Trắng, càn quét cá và mực trong vùng biển đầy quái vật của thời kỳ khủng long.
Tiến sĩ Knutsen cho biết đây sẽ là phần đầu và thân đầu tiên được biết đến của một con Eromangasaurus australis được trưng bày trong bộ sưu tập của Bảo tàng Queensland.
"Chúng tôi vô cùng phấn khích khi nhìn thấy hóa thạch này - nó giống như Đá Rosetta của ngành cổ sinh vật biển vì nó có thể nắm giữ chìa khóa để làm sáng tỏ sự đa dạng và tiến hóa của thằn lằn đầu rắn thuộc kỷ Phấn Trắng ở nước Úc" - ông nói thêm.
Đá Rosetta là một tấm bia Ai Cập cổ đại làm bằng đá granodiorite có khắc một sắc lệnh ban hành ở Memphis năm 196 trước Công Nguyên của pharaoh Ptolemaios V, được viết bằng chữ tượng hình Ai Cập, tiếng Hy Lạp cổ và chữ Demotic. Nhờ đó con người hiện đại mới có căn cứ đầu tiên để dịch chữ tượng hình Ai Cập vốn đã thất truyền nhiều thế kỷ.
Hóa thạch siêu quái vật vừa được khai quật cũng được kỳ vọng là tấm bia "khai sáng" giống như vậy, bởi độ hoàn chỉnh từ tình trạng mẫu vật cho đến trạng thái sắp xếp không bị xáo trộn.
Chân dung gây kinh hãi của siêu quái vật biển kỷ Phấn Trắng - Ảnh: SCITECH DAILY
"Bởi vì những con thằn lằn đầu rắn này có 2/3 cơ thể là cổ, thường thì đầu sẽ tách ra khỏi cơ thể sau khi chết, rất khó tìm thấy hóa thạch bảo quản cả hai cùng nhau" - tiến sĩ Knutsen giải thích.
Giám đốc điều hành của Mạng lưới Bảo tàng Queensland, Tiến sĩ Jim Thompson cho biết: "Hiện chúng tôi đang nắm giữ phần đầu và cơ thể duy nhất của một con Eromangasaurus australis trên thế giới và phát hiện quan trọng này sẽ đóng góp rất lớn cho nghiên cứu quan trọng về kỷ Phấn Trắng ở Queensland".
Các nhà cổ sinh vật học cho biết vào đầu kỷ Phấn trắng, phần lớn Queensland được bao phủ bởi một vùng biển nông, rộng lớn có tên là Biển Eromanga.
Vì vậy các di tích hóa thạch của sinh vật đại dương cổ xưa, bao gồm cả các loài bò sát biển như plesiosaur và ichthyosaur (ngư long) thường được tìm thấy trên khắp tiểu bang, dần dần hoàn thiện bức tranh về một "hệ sinh thái quái vật biển" đầy bí ẩn và khốc liệt.