"Siêu pháo đài bay" B-52 Mỹ tiếp tục gây choáng với số lượng cực lớn tham gia tập trận

Nam Đồng |

Mặc dù đã có trong biên chế những loại máy bay ném bom hiện đại hơn như B-1B Lancer hay B-2 Spirit thì vai trò của "Pháo đài bay" B-52 vẫn rất quan trọng đối với Không quân Mỹ.

Những hình ảnh về cuộc tập trung lực lượng cực lớn của các "siêu pháo đài bay" B-52 Stratofortress vào tháng 11/2018 khi tham dự cuộc tập trận của Lực lượng Hạt nhân Chiến lược Hoa Kỳ mang tên Global Thunder 19 (Sấm sét toàn cầu 19) đã được công bố.

Được biết đây là sự kiện quân sự thường niên do Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ (USSTRATCOM) khởi xướng, hoạt động này sử dụng tới toàn bộ các lực lượng vũ trang mà họ phụ trách và thông qua đó để đánh giá tình trạng sẵn sàng chiến đấu chung của các đơn vị.

Trong cuộc tập trận này, những bài kiểm tra về khả năng của hệ thống tấn công toàn cầu và vũ khí phòng thủ tên lửa sẽ được mang ra thực hiện nhằm hướng tới mục đích răn đe các đối thủ tiềm năng và hoàn thành nhiệm vụ do Tổng thống Hoa Kỳ giao phó vào thời điểm cẩn thiết.

Siêu pháo đài bay B-52 Mỹ tiếp tục gây choáng với số lượng cực lớn tham gia tập trận - Ảnh 1.

Các máy bay ném bom chiến lược B-52H được huy động tham gia cuộc tập trận Global Thunder 19

Gây ấn tượng mạnh nhất trong cuộc tập trận Global Thunder 19 chính là phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52H với số lượng lên tới 16 chiếc. Tuy rằng tuổi đời đã rất cao nhưng "Pháo đài bay chiến lược" B-52 vẫn giữ vững vai trò xương sống của Không quân Chiến lược Mỹ và chưa thể bị thay thế trong tương lai gần.

Thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1952 và kết thúc giai đoạn sản xuất hàng loạt từ năm 1962, 76 oanh tạc cơ B-52H còn trong biên chế Không lực Hoa Kỳ ngày nay gần như lớn tuổi hơn mọi phi công đang tại ngũ. Thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump còn phải nhận xét rằng "Chúng cũ đến mức cha bạn, ông bạn có thể đã từng lái".

Sở dĩ B-52 Stratofortress vẫn được tin dùng là do hai "người em" chưa đủ khả năng thay thế nó. Cụ thể, B-1B Lancer không đủ nhanh nhẹn và tàng hình trước các hệ thống phòng không hiện đại, trong khi B-2 Spirit có số lượng rất hạn chế và chi phí vận hành gần gấp đôi B-52.

Siêu pháo đài bay B-52 Mỹ tiếp tục gây choáng với số lượng cực lớn tham gia tập trận - Ảnh 2.

B-52 Stratofortress hiện đã được hoán cải chức năng thành phương tiện mang tên lửa hành trình thay vì ném bom rải thảm

Ngoài nhiệm vụ chiến lược, "Siêu pháo đài bay" còn đặc biệt hữu ích khi được sử dụng cho chức năng chiến thuật. B-52 mang được 27.200 kg bom và tên lửa đi xa 15.000 km, phạm vi hoạt động rộng giúp B-52 có thể quần vòng trên không trong thời gian dài để chờ yêu cầu, hoặc hỗ trợ từ các căn cứ dưới mặt đất.

Bên cạnh đó, khả năng bay liên tục của B-52 rất thuận tiện cho việc tuần tra và can thiệp trên các vùng biển rộng lớn. Nhiều máy bay đã được trang bị hệ thống nhắm mục tiêu Litening và radar Dragon’s Eye để xác định mục tiêu mặt nước, kết hợp cùng tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon khiến nó đóng vai trò quan trọng trong trường hợp xảy ra xung đột hàng hải.

B-52 Stratofortress còn phát huy tác dụng lớn trong những thời điểm cần phải phô trương sức mạnh quân sự. Dù có nhiều nguy cơ khi dùng máy bay để triển khai vũ khí hạt nhân so với tên lửa phóng từ tàu ngầm, nhưng sự xuất hiện của nó tại điểm nóng được đánh giá sẽ truyền tải tới đối phương một thông điệp đe dọa rõ ràng hơn rất nhiều.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress trong cuộc tập trận Global Thunder 19

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại