Tờ SCMP cho hay Trung Quốc đang nhắm đến công nghệ vũ trụ để cạnh tranh với SpaceX của nhà Elon Musk khi startup này đang tạo nên cuộc cách mạng ngành với mạng lưới Starlink.
Việc hình thành mạng lưới vệ tinh truyền Internet, sóng điện thoại hay thậm chí là có khả năng vẽ bản đồ do thám khiến chính quyền Bắc Kinh muốn thúc đẩy ngành công nghệ không gian để cạnh tranh, tương tự như những gì họ đã làm với ô tô điện của Tesla.
Cụ thể, nguồn tin của SCMP cho biết Trung Quốc đang xây dựng một siêu nhà máy sản xuất tên lửa lớn chưa từng có, qua đó đạt mục tiêu cho ra đời 50 chiếc tên lửa Long March 8 mỗi năm để phục vụ các dự án không gian.
Siêu nhà máy tên lửa này sẽ được hoàn thành vào năm 2024 và tăng gần 100% công suất sản xuất tên lửa hàng năm của Trung Quốc, vốn đang là một trong những quốc gia cho ra lò nhiều tên lửa đẩy nhất thế giới hiện nay.
Theo SCMP, hiện chưa có một nhà máy nào trên thế giới có thể sản xuất lượng tên lửa đẩy hàng năm nhiều như siêu dự án tại kể trên. Thậm chí SpaceX của Elon Musk vào năm 2022 cũng chỉ sản xuất được 61 tên lửa mà phần lớn là tái sử dụng lại các tên lửa Falcon từ những lần phóng trước.
Cuộc chiến giữa các vệ tinh
Mặc dù Long March 8 là loại tên lửa không thể tái sử dụng như Falcon nhưng chi phí sản xuất của chúng rất rẻ, đồng thời mang được vệ tinh to gấp 20 lần so với sản phẩm của Starlink.
Hiện Trung Quốc đang muốn dùng những tên lửa cỡ trung như Long March 8 để phóng hơn 1.000 vệ tinh lên quỹ đạo mỗi năm nhằm cạnh tranh với Starlink và SpaceX.
Thậm chí mục tiêu của chính quyền Bắc Kinh là xây dựng mạng lưới vệ tinh ở tầng khí quyển cao hơn Starlink nhằm tạo ưu thế về dịch vụ cũng như sự kiểm soát với đối thủ đến từ Mỹ.
“Cuộc đua xây dựng mạng lưới vệ tinh siêu lớn sẽ giúp ngành hàng không Trung Quốc bước vào kỷ nguyên mới”, chuyên gia Song Zhengyu của Viện hàn lâm tên lửa Trung Quốc (CALT) nhận định.
Tờ SCMP cho biết để cạnh tranh với Starlink, Trung Quốc đã lên kế hoạch phóng thêm gần 13.000 vệ tinh lên quỹ đạo, bên cạnh hơn 4.000 chiếc hiện đang hoạt động, nhằm xây dựng một mạng lưới vệ tinh đối trọng với Mỹ.
Chuyên gia Song cho biết dự án có biệt danh “GW” này được Trung Quốc bắt đầu đặc biệt chú trọng kể từ khi Starlink của Elon Musk bắt đầu cho thấy tiềm năng cả về kinh tế lẫn quân sự. Thậm chí trước Long March 8, các tên lửa đẩy của Trung Quốc cũng không thực sự thích hợp cho nhiệm vụ đưa vệ tinh thường xuyên lên quỹ đạo khi quá to hoặc quá bé.
Để đáp ứng được cho dự án GW, tên lửa Long March đã được phát triển. Các bộ phận của tên lửa được sản xuất được nhiều nơi và đưa vào lắp ráp.
Tương tự như việc học hỏi công nghệ xe điện của Tesla, Trung Quốc cũng học tập quy trình lắp ráp tự động “Falcon 9 Integrated Assembly Line” của SpaceX nhằm đưa tên lửa vào trạng thái sẵn sàng một cách hiệu quả và nhanh chóng, đồng thời cắt giảm chi phí sản xuất so với thông thường.
Chuyên gia Song cho biết nhà máy sản xuất Long March 8 tại Wenchang không chỉ áp dụng quy trình này mà còn có những kỹ thuật tiên tiến hơn. Với vị thế là công xưởng thế giới, Trung Quốc có thể dễ dàng liên tục cung ứng, lắp ráp các bộ phận kỹ thuật cao ở khâu cuối cùng với chi phí cực kỳ cạnh tranh so với SpaceX.
Hãy chọn giá đúng
Số liệu của Tập đoàn công nghệ kỹ thuật hàng không Trung Quốc (CASTC) cho thấy chi phí để mang 1 kg hàng hóa lên tầng khí quyển thấp (LEO) bằng tên lửa Long March hiện hành là khoảng 3.000 USD, tương đương với mức giá của tên lửa Falcon 9 thuộc SpaceX.
Tuy nhiên với Long March 8, con số này có thể còn thấp nữa và đạt tới mức giá rẻ kỷ lục chưa từng có.
Thông thường các tên lửa đẩy sẽ phải trải qua quá trình thử nghiệm thực tế nghiêm ngặt để những chuyên gia xác minh được cấu trúc sản phẩm sẽ hoạt động như thế nào dưới điều kiện tải trọng, môi trường khác nhau.
Bãi phóng tên lửa tại Wenchang.
Tuy nhiên bằng việc sử dụng các thông số qua quá trình mô phỏng điện tử, các kỹ sư Trung Quốc có thể thu được các thông số một cách nhanh chóng, đưa ra điều chỉnh kịp thời và đặc biệt là tiết kiệm chi phí thử nghiệm, thiết kế lẫn sản xuất.
Hiện Long March 8 đang là tên lửa đầu tiên trên thế giới được phóng thành công mà không cần thử nghiệm thực tế đầy đủ.
“Bằng việc sử dụng công nghệ mô phỏng điện tử hiện đại nhất hiện nay, quá trình phát triển tên lửa có thể rút ngắn thêm 12 tháng cũng như vô số chi phí nghiên cứu”, báo cáo đội ngũ phát triển Long March 8 nêu rõ.
Ngoài ra, hàng loạt kỹ thuật mới cũng được các nhà khoa học ứng dụng cho tên lửa mới, khiến Long March không chỉ hiệu quả hơn mà còn có thể hạ chi phí thấp hơn so với Falcon 9 của nhà Elon Musk.
Áp chế
Theo SCMP, Long March 8 có thể đưa vệ tinh lên quỹ đạo cách mặt đất 700km, tức cao hơn so với mạng lưới vệ tinh Starlink của Elon Musk (550km). Vùng quỹ đạo này sẽ giúp vệ tinh kết nối ổn định và chính xác và rõ ràng hơn với các trạm thu phát sóng mặt đất.
Tất nhiên những vệ tinh trên vùng quỹ đạo này cần nhiều năng lượng hơn và có thể truyền dữ liệu tốn thời gian hơn so với tầng dưới của Starlink.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc vệ tinh Trung Quốc ở cao hơn mạng lưới Starlink cho phép họ lắp đặt các cảm biến theo dõi, thu thập thông tin về hoạt động của sản phẩm nhà Elon Musk, qua đó tạo cơ hội can thiệp, làm gián đoạn các hoạt động.
Rất rõ ràng, SpaceX của Elon Musk đang tạo nên cuộc cách mạng cho công nghiệp không gian và nhiều khả năng Trung Quốc lại có thể “hái quả ngọt” một lần nữa, tương tự như những gì họ đã làm với ngành xe điện và Tesla.
*Nguồn: SCMP