6 năm trước, cô bé Ánh Viên hãy còn đang ngụp lặn ở bể bơi nhỏ cũ ở quê nhà. 5 năm trước khi sang Mỹ luyện tài, gương mặt trẻ này đã choáng ngợp trước điều kiện hoàn toàn khác biệt tại đây.
Quá trình tập huấn dài hạn của Viên khởi đầu trong những sự âu lo và hoài nghi của chính giới chuyên môn, không chỉ vì khoản tiền tỷ mỗi năm mà chủ yếu về khả năng thành công.
Hiếm người dám tin một kình ngư Việt có thể vươn ra quốc tế bởi nền tảng chung quá tệ của môn bơi với việc giành một tấm huy chương ở SEA Games đã là cả một kỳ tích. Ngoài HLV Đặng Anh Tuấn, có lẽ chỉ vài người tin Viên làm nên chuyện, mà cũng chỉ dừng lại ở mức độ khu vực hay cùng lắm Châu Á.
Đến giờ, khoản đầu tư kỷ lục giờ đã lên tới 13 tỷ đồng của thể thao Việt Nam cho cô gái ấy đã cho thấy sự đáng giá đến... từng đồng. Giá trị mang tên Ánh Viên vượt xa những thành quả ngoạn mục, nổi bật là 1 HCB, 2 HCĐ Cúp thế giới, 2 HCĐ ASIAD, 10 HCV cùng 8 kỷ lục SEA Games.
Nguyễn Thị Ánh Viên là VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam.
Tại Olympic 2012, Ánh Viên dự tranh chỉ với mục tiêu vượt lên chính mình. Viên còn run rẩy đến mức không thốt nổi một câu khi nhìn thấy thần tượng Phelps ngoài Cung thi đấu. Đến Olympic Rio, cô đã có thể hoàn toàn tự tin tuyên bố mình muốn bơi ở chung kết, thực sự chỉ còn cách nó đúng 0,31 giây.
Tất cả được kết đọng với tấm HCV lịch sử mà Ánh Viên có được tại giải châu Á mới đây. Mấy năm trước, nếu ai đó nói rằng bơi Việt Nam có thể giành được HCV châu Á sẽ bị coi là "khùng"
Thế nhưng giờ đây, không ai bất ngờ khi Ánh Viên lập kỳ tích, đơn giản vì chị đã đạt tới đẳng cấp của một kình ngư hàng đầu châu lục, áp sát trình độ đỉnh cao thế giới.
Để có được vinh quang như ngày hôm nay, ngoài tài năng có một không hai, Ánh Viên đã trải qua cả một quy trình tập huấn khắc nghiệt chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế. Ngay cả chuyện ăn cũng giống như một cuộc chiến đấu.
Đơn cử Viên phải tập thể lực không khác gì một VĐV nhiều môn phối hợp, hết nâng tạ lại chạy đua trên máy. Khắc nghiệt nhất chính là bài tập bơi ngược dòng. Trên một đường bơi chuyên dụng có máy đẩy nước với tốc độ cực mạnh, tài năng trẻ Cần Thơ phải cố gắng bơi ngược cho bằng được và nhiều lần bị dòng nước hất đập đầu đau đến chảy nước mắt…
Vượt lên trên những kỳ tích chuyên môn, Ánh Viên đã trở thành một mẫu hình mẫu mực của cả thể thao Việt Nam trong việc tìm kiếm, đào tạo, chăm lo tài năng, vừa đạt chuẩn quốc tế vừa phù hợp với đặc thù Việt Nam. Chuyên gia kỳ cựu Nguyễn Hồng Minh từng đánh giá Viên là VĐV "chưa thấy có trường hợp thứ hai".
HLV Đặng Anh Tuấn cho biết, Ánh Viên vẫn đang ở trong thời kỳ tăng tốc phát triển, mà theo lộ trình đạt tới độ chín nhất sau 2 năm nữa. Hoàn toàn có thể kỳ vọng ngôi sao đất Tây Đô sẽ đoạt được HCV tại ASIAD 2018, xa hơn là phấn đấu tranh chấp một tấm huy chương Olympic 2020.
Năm 2015, Ánh Viên vô đối tại mọi cuộc vinh danh thể thao. Năm nay vị trí đó có thể phải nhường lại cho nhà vô địch và kỷ lục gia Olympic Hoàng Xuân Vinh.
Tuy nhiên, có thêm 1 tấm HCV châu Á lịch sử, cô Đại úy quân đội đã bứt lên thành ứng viên sáng giá nhất cho hạng mục "Nữ VĐV của năm" của Cúp Chiến thắng 2016, danh hiệu mà chị từng đoạt được ngay lần đầu giải thưởng thưởng thường niên này được tổ chức.
Phần thi 200m hỗn hợp của Ánh Viên tại Olympic 2016