"Siêu khinh hạm" FFG(X): 5 ưu thế đáng gờm giúp HQ Mỹ một lần nữa khuếch trương sức mạnh?

Hoài Giang |

Hải quân Mỹ dự kiến sẽ đóng liên tiếp 20 khinh hạm hiện đại theo chương trình FFG(X) với 10 chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao từ 2030 tới 2035.

Mới đây, tờ Defense News dẫn nguồn Hải quân Mỹ cho biết thiết kế Frégate européenne multi-mission/FREEM (tạm dịch: Khinh hạm đa nhiệm Châu Âu) của nhà đóng tàu Italia Fincantieri đã được lựa chọn để trở thành nguyên mẫu cho Chương trình khinh hạm thế hệ mới FFG(X).

Do Hải quân Mỹ dự kiến sẽ đưa vào trang bị ít nhất 20 khinh hạm FFG(X) nên hợp đồng trị giá 5,58 tỷ USD bao gồm thiết kế và đóng 10 thân tàu tại xưởng đóng tàu của Fincantieri ở Wisconsin vẫn chưa phải là con số cuối cùng .

Vậy thiết kế của một công ty Italia có những điểm vượt trội gì khiến họ có thể thắng cuộc trước các đối thủ Mỹ như Huntington Ingalls Industries, General Dynamics Bath Iron Works và Austal USA? Dưới đây là 5 ưu thế không thể bỏ quả của FREEM.

1. Giá thành

Theo Trợ lý Bộ trưởng về Nghiên cứu, Phát triển và Mua sắm trang bị của Hải quân Mỹ James Geurts, thân tàu đầu tiên sẽ có giá thành khoảng 1,281 tỷ USD.

Số tiền nói trên bao gồm chi phí thiết kế và cho các công đoạn cần thiết tại xưởng đóng tàu bao gồm xây dựng dây chuyền sản xuất (khoảng 795 triệu USD sẽ được chuyển đến xưởng đóng tàu).

Nó cũng bao gồm tất cả các thiết bị do chính phủ trang bị, bao gồm radar phòng không AMDR AN/SPY-6 của Raytheon và Hệ thống Chiến đấu Aegis của Lockheed Martin.

Siêu khinh hạm FFG(X): 5 ưu thế đáng gờm giúp HQ Mỹ một lần nữa khuếch trương sức mạnh? - Ảnh 1.

Tháp điều khiển của Khinh hạm FREMM Alpino thuộc Hải quân Italia hoạt động ngoài khơi Biển Đông vào tháng 5/2018. FREMM là ý tưởng được duyệt cho chương trình FFG(X) của Hải quân Mỹ.

Các thân tàu tiếp theo trong hợp đồng chắc chắn sẽ được giảm thiểu đáng kể chi phí (Hải quân Mỹ đang dự kiến chi phí dao động từ 800 tới 950 triệu USD).

Tuy nhiên ông Geurts tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng nếu nhà sản xuất Italia nhận được đơn hàng với đủ 20 chiếc FFX(G), thân tàu từ thứ 2 trở đi sẽ có giá khoảng 781 triệu USD.

2. Tiến độ

Theo ông Geurts, công việc thiết kế chi tiết của Chương trình khinh hạm FFG(X) sẽ được bắt đầu ngay lập tức và công tác đóng tàu sẽ bắt đầu không muộn hơn tháng 4/2022.

"Chiếc khinh hạm đầu tiên sẽ được Hải quân Mỹ tiếp nhận vào năm 2026 và sẽ đưa vào trang bị trong năm 2030, với dự kiến đạt được khả năng hoạt động đầy đủ vào năm 2032. Hợp đồng đóng 10 thân tàu sẽ được bàn giao và thanh lý vào năm 2035".

Hiện vẫn chưa rõ Fincantieri có tiếp nhận hợp đồng 10 thân tàu FFG(X) tiếp theo hay Hải quân Mỹ sẽ lựa chọn một nhà đóng tàu khác sau khi hợp đồng 10 thân tàu nói trên được thanh lý.

3. Tích hợp vũ khí trang bị mới

Sau những sự cố kỹ thuật xảy đến với các trang thiết bị chưa từng được lắp đặt và thử nghiệm trên "siêu tàu sân bay 13 tỷ USD" USS Gerald Ford, Hải quân Mỹ đã rút được "kinh nghiệm xương máu".

Nhằm tránh các sự cố tương tự, họ đã quyết định đưa các hệ thống được thiết kế và dự kiến lắp đặt cho biến thể Flight III của khu trục hạm lớp Arleigh Burke như radar phòng không AMDR AN/SPY-6 và Hệ thống Chiến đấu Aegis lên FFG(X) để thu được "kinh nghiệm thực chiến".

Siêu khinh hạm FFG(X): 5 ưu thế đáng gờm giúp HQ Mỹ một lần nữa khuếch trương sức mạnh? - Ảnh 2.

Khinh hạm FREMM Alpino của Hải quân Italiam nguyên mẫu của chương trình FFG(X) tại Baltimore, Mỹ.

Đô đốc Casey Moton, người phụ trách Chương trình vũ khí không người lái cỡ nhỏ bình luận "Hải quân Mỹ thấy rằng việc đưa các công nghệ mới vào thử nghiệm trước sẽ giảm rủi ro, làm tăng hiểu biết về các thông số kỹ thuật cũng như giảm thiểu chi phí".

4. Khả năng nâng cấp dễ dàng

Các quan chức Hải quân Mỹ cho biết một trong những lý do quan trọng khi họ đưa ra lựa chọn nguyên mẫu FREMM để đưa vào chương trình FFG(X) là cân nhắc khả năng nâng cấp.

Nhà đóng tàu Fincantieri đã nhấn mạnh rằng thiết kế của FREMM có thể dễ dàng tăng công suất điện, thay thế và nâng cấp máy tính, trang thiết bị bao gồm động cơ dễ dàng mà không phải cắt xẻ trên thân tàu, điều thường thấy trên các thiết kế tàu chiến Mỹ.

Phó chỉ huy phụ trách điều hành tác chiến của Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Jim Kilby bình luận rằng:

"Chúng tôi có một chương trình (vũ khí) laser và đã đưa chúng lên thử nghiệm trên một số tàu chiến. Chúng tôi chắc chắn sẽ xem đó là một yêu cầu cho các chương trình (đóng tàu) trong tương lai khi xem xét các hệ thống này như vũ khí tấn công".

Siêu khinh hạm FFG(X): 5 ưu thế đáng gờm giúp HQ Mỹ một lần nữa khuếch trương sức mạnh? - Ảnh 4.

Khinh hạm FREMM Alpino của Hải quân Italia ngoài khơi Virginia, Mỹ vào năm 2018.

5. "Vừa học vừa làm"

Với FREMM và chương trình FFG(X), Hải quân Mỹ cho rằng họ đã xây dựng được "hình mẫu " cho các chương trình phát triển vũ khí trong tương lai. Ông Geurts bình luận:

"FFG(X) thể hiện sự phát triển trong cách tiếp cận mua sắm vũ khí của Hải quân Mỹ, cho phép chúng tôi lập kế hoạch mua sắm, thống nhất về yêu cầu kỹ thuật cùng với các nhà đóng tàu trước khi đưa ra yêu cầu thiết kế chi tiết và đề xuất đóng tàu.

Bằng cách này, chúng tôi sẽ giảm được 6 năm so với quy trình truyền thống nhưng lại được thực hiện với sự tập trung cao độ và các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt".

Tuy vậy, theo cựu hạm trưởng khu trục hạm Bryan McGrath hiện đang là cố vấn của Tập đoàn Ferrybridge, vẫn còn quá sớm để tỏ ra "lạc quan".

"Khi xem xét việc nhân đôi các nỗ lực như kể trên cùng với việc đưa các công nghệ mang tính cách mạng, chưa được thử nghiệm hoặc thậm chí chưa được phát triển vào một chương trình vũ khí, kết quả của nó có thể sẽ là sẽ là "một câu chuyện khác"".

McGath kết luận rằng FFG(X) có thể sẽ là một bước tiến đáng kể trong việc nâng cao năng lực chiến đấu của Hải quân Mỹ, nhưng chưa thể khẳng định rằng nó là một hệ thống vũ khí mang tính cách mạng và cần tới một "quy trình mới" để đưa nó "tới đích".

Giới thiệu hệ thống vũ khí và điện tử trên khinh hạm FREMM - nguyên mẫu của chương trình FFX(G).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại